Du lịch

Du lịch Bạc Liêu: phác họa hướng đi mới

Thứ Hai, 27/05/2019 | 15:23

“Làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch mà vẫn kế thừa và tôn vinh bản sắc dân tộc, giữ gìn môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa?”. Câu trả lời là: “Trước hết vẫn là lòng hiếu khách, cùng với khách phải được bảo vệ an toàn, an ninh đến tính mạng, thân thể, tài sản cho một cuộc hành trình”.

Bài 1: Du lịch Bạc Liêu hướng tới là một trụ cột kinh tế - xã hội

Nhiều nhiệm kỳ liên tiếp, Tỉnh ủy xác định Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, thế mạnh, dư địa thị trường để làm du lịch và “ngành công nghiệp không khói” là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Đến Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 21/12/2018 về “tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng năm 2030”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đặt quyết tâm đưa du lịch trở thành một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Khách hành hương tại khu du lịch Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ

TẦM NHÌN XA

Phát triển du lịch Bạc Liêu là vấn đề có tính lịch sử, nên muốn hiểu thêm lĩnh vực này, xin quay lại cách đây hơn chục năm. Những năm cuối thế kỷ XX, bên cạnh sự bùng nổ của thông tin, chúng ta còn thấy cả hiện tượng bùng nổ về du lịch. Du lịch giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người và toàn xã hội. Riêng với Bạc Liêu, giai đoạn 2006 - 2010, trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chưa thấy xuất hiện một tỷ trọng mang tính tuyệt đối của ngành Du lịch, bởi giá trị nó đem lại còn quá khiêm tốn và nhỏ bé trong tổng giá trị tăng thêm của toàn tỉnh.

Trong giai đoạn này, mỗi năm doanh thu của ngành Du lịch đạt 19 tỷ đồng, với khoảng 76.000 lượt khách, trong đó 70% là khách hành hương tại các chùa chiền, 30% là khách du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần ở ven biển Bạc Liêu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhấn mạnh về sự phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch sinh thái, bao gồm một quần thể từ sân chim đi vườn nhãn đến Nhà Mát và dọc đê biển. Giai đoạn 2006 - 2010, du lịch Bạc Liêu đi theo hướng du lịch sinh thái hòa với du lịch tâm linh và du lịch văn hóa thông qua giai điệu của bản Dạ cổ hoài lang.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy là ông Phạm Hoàng Bê đã có tầm nhìn xa: “Trong tương lai ngành này sẽ chiếm vị trí xứng đáng trong cơ cấu GDP của toàn tỉnh”. Ông đã đặt vấn đề: “Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch mà vẫn kế thừa và tôn vinh bản sắc dân tộc, giữ gìn môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa?”. Chính ông đưa ra câu trả lời: “Trước hết vẫn là lòng hiếu khách, cùng với khách phải được bảo vệ an toàn, an ninh đến tính mạng, thân thể, tài sản cho một cuộc hành trình”.

 Ngân hàng Đông Á tổ chức hội thao tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam (TP. Bạc Liêu).  Ảnh: N.Q

ĐÃ CHUYỂN BIẾN...

Từ lâu, Bạc Liêu xem du lịch là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, là một trong những ngành kinh tế quan trọng của mình. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, cách nay 8 năm, ngày 24/6/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU “về đẩy mạnh phát triển du lịch”. Từ đó, diện mạo du lịch Bạc Liêu đã có nhiều đổi thay, có nhiều sản phẩm du lịch tạo được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Du lịch tỉnh nhà có bước phát triển khá, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng ổn định, lượng khách tăng trung bình hằng năm 22%, tổng thu từ du lịch tăng 20%. Năm 2018, khách đến Bạc Liêu ước đạt khoảng 1,8 triệu lượt (tăng 3,5 lần so với năm 2011), đứng nhóm giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.600 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với năm 2011).

Nhìn chung, sự phát triển của du lịch bước đầu đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; có sự chuyển biến dần về nhận thức vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân.

Song, một số tài nguyên chưa được đầu tư, khai thác thỏa đáng, còn mang tính thử nghiệm, cùng với triều cường và mặn xâm nhập đang đe dọa nghiêm trọng đến du lịch vùng ven biển. Môi trường bị tác động mạnh, kỹ thuật - công nghệ còn yếu, sản phẩm du lịch chưa xứng tầm, tỷ lệ khách lưu trú trong tổng số khách thường không cao, nhân lực ngành thiếu đào tạo, số khách quốc tế còn khiêm tốn, hoạt động du lịch chưa thu hút được sự tham dự của số đông người dân. Ông Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Hồ Nam, cho biết công suất phòng của đơn vị đạt 65%, thời gian lưu trú của khách theo tua từ 1 - 2 đêm, khách làm việc khoảng 1 tuần, còn khách nước ngoài thì tầm 1 tháng. Năm 2018, điểm du lịch tiêu biểu này phục vụ gần 17.400 lượt khách (có 671 lượt khách quốc tế), và khách ở đây 4.200 đêm. Những hạn chế nêu trên nếu không khắc phục kịp thời, đúng mức sẽ dẫn đến sự lãng phí các nguồn lực trước mắt và lâu dài.

“XUNG LỰC” MỚI

Sắp tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức một số sự kiện có quy mô lớn, có khả năng thu hút đông đảo du khách và chắc chắn sẽ trở thành “xung lực” cho du lịch Bạc Liêu tiếp tục phát triển. Năm 2019, Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang, 100 năm nhà Công tử Bạc Liêu, 2 hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện Tuần văn hóa - du lịch Bạc Liêu 2019. Năm 2020, tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Ninh Bình kỷ niệm 60 năm kết nghĩa, cũng như các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Ninh Bình 2020. Đồng thời, Bạc Liêu sẽ sớm phối hợp với các tỉnh, thành phố để đăng cai tổ chức liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể thế giới tại Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc vinh danh.

Như vậy, xét tổng thể các yếu tố nêu trên, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu, dự báo tỉnh còn nhiều tiềm năng phát triển và dư địa thị trường khai thác du lịch là rất lớn, có khả năng bứt phá trong thời gian tới. Du lịch hứa hẹn là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Hướng tới năm 2030, ngành Du lịch phát triển trên 3 trụ cột bền vững là kinh tế, văn hóa - xã hội, tài nguyên - môi trường và 3 trụ cột du lịch là sản phẩm, nhân lực và không gian.

NGUYỄN QUỐC

 

 
Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.