Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Những đảng viên sáng tạo xây dựng quê hương
Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia, là chìa khóa giúp nước ta sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đối với Bạc Liêu, hoạt động đổi mới sáng tạo cũng đã được quan tâm và có những kết quả bước đầu. Trong đó, nhiều công chức, viên chức là đảng viên trẻ đã tạo ra mô hình, sáng kiến phục vụ công tác chuyên môn, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương.
HỨNG THÚ HỌC VỀ RỪNG NGẬP MẶN
Năm 2023, mô hình vai trò rừng ngập mặn (RNM) của tác giả Phạm Trần Thùy Linh và cộng sự, đến từ Trường đại học Bạc Liêu đã được đưa vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam.
RNM ven biển có ý nghĩa to lớn về mặt môi trường, kinh tế - xã hội nhưng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ RNM, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, việc giáo dục môi trường thông qua hình thức “Học mà chơi - chơi mà học” phù hợp, giúp học sinh tiểu học tiếp thu kiến thức dễ dàng và nhớ lâu hơn. Do đó, thạc sĩ Phạm Trần Thùy Linh chủ trì xây dựng mô hình nêu trên nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và giáo dục môi trường đạt hiệu quả tốt nhất.
Mô hình là một bể kính, được chia làm 2 phần: một phần có RNM, một phần không có RNM. Phần có RNM bao gồm: phần đất ở cho khu dân cư, đất trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản và phần ngoài cùng là RNM. Bên trong rừng có đa dạng các sinh vật. Vùng đất này được trồng cây để tạo hệ rễ thật bám lấy đất, bảo vệ đất không bị xói mòn. Phần không có rừng chỉ có đất xây dựng nhà cửa, cây cỏ thưa thớt, không có sinh vật sinh sống. Khi máy bơm nước hoạt động, tạo ra dòng nước chảy giống như những con sóng biển vỗ vào bờ. Phần có RNM được hệ thống rễ cây chằng chịt bảo vệ nên không bị xói lở. Trong khi đó, bên phần đất không có rừng thì bị xói lở, tạo hàm ếch, dễ gây sụt lún đất.
Mô hình này đã được đưa vào dạy thử nghiệm trong hoạt động ngoài giờ cho học sinh lớp 5, Trường tiểu học Lê Văn Tám (Phường 1, TP. Bạc Liêu). Kết quả, 23/39 học sinh, chiếm hơn 74% đánh giá hoạt động trải nghiệm về RNM rất thú vị.
Một học sinh đã chia sẻ: “Em muốn học theo kiểu mô hình như thế này nhiều hơn nữa. Em học thấy rất dễ hiểu và dễ nhớ. Mô hình giúp em hiểu rõ hơn về khả năng chống xói mòn, sạt lở, điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái của RNM”.
Tác giả chính của mô hình cho biết: “Đây là mô hình dạy học trực quan, tạo ra sự hứng thú cho học sinh trong học tập, giúp các em tiếp cận thực tế, thể hiện các cảm xúc tích cực, khai thác kiến thức, kỹ năng thảo luận nhóm mà mang nhiều ý nghĩa giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường, đặc biệt là bảo vệ RNM.
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tuyên dương đồng chí Trần Trọng Trí (bìa phải) là điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: N.Q
LIÊN THÔNG THUẾ ĐIỆN TỪ - TIỆN CẢ ĐÔI BỀ
Những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân đã quen dần với việc nộp thuế điện tử khi đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) trên địa bàn tỉnh. Việc luân chuyển thông tin đất đai giữa cơ quan ĐKĐĐ với cơ quan thuế đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của người dân, với mỗi hồ sơ tối thiểu 1 ngày. Khi Văn phòng ĐKĐĐ chuyển phiếu chuyển thông tin điện tử, tức thời cơ quan thuế nhận được, xem được phiếu chuyển điện tử; việc phản hồi thông báo thuế từ cơ quan thuế về Văn phòng ĐKĐĐ cũng được thực hiện ngay. Việc ứng dụng phần mềm quản lý chuyển điện tử cũng giúp quá trình quản lý hiệu quả hơn, Văn phòng ĐKĐĐ cũng như cơ quan thuế có thể quản lý tốt phiếu chuyển thông tin địa chính điện tử, tổng hợp xác định nhanh phiếu đã có kết quả, phiếu chưa có, phiếu chuyển thông tin sắp đến hạn, xác định nhanh việc tồn đọng hồ sơ để phân công xử lý.
Liên thông thuế điện tử giữa cơ quan ĐKĐĐ và cơ quan thuế là sáng kiến của đảng viên Trần Trọng Trí - Bí thư Đoàn cơ sở Sở TN-MT. Đồng chí đã bắt đầu tham mưu tổ chức thực hiện liên thông thuế từ năm 2021, nhưng để thực hiện kết nối liên thông thuế điện tử giữa cơ quan ĐKĐĐ và cơ quan thuế đòi hỏi chuẩn bị lâu dài, bao gồm chuẩn bị pháp lý cho việc triển khai, xây dựng kế hoạch triển khai, tập huấn triển khai và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm. Đánh giá về cấp dưới của mình, ông Nguyễn Bình Thuận - Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: “Đồng chí Trí đã vận dụng sáng tạo kiến thức chuyên ngành công nghệ thông tin được học vào công tác chuyên môn, tham mưu lãnh đạo thực hiện tốt hoạt động cải cách hành chính, chuyển đổi số của ngành”.
HOÀNG QUÂN
- Hướng dẫn sử dụng phần mềm FaceFarm và WACA trong sản xuất lúa giảm phát thải
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Triển khai chương trình công tác quý 4/2024
- Làm việc với Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Pháp về nâng cao giá trị hạt muối
- Khởi tố Hiệu trưởng trường mẫu giáo nhận hơn 300 triệu đồng bỏ túi riêng
- Họp mặt kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam