Giảm nghèo - Việc làm

Hiệu quả từ chính sách cho vay hỗ trợ việc làm

Thứ Sáu, 07/04/2023 | 17:03

Năm 2022, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm (GQVL) cho hơn 19.710 lao động, vượt 106,58% so với kế hoạch năm. Một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững của tỉnh thời gian qua chính là tập trung làm tốt công tác GQVL. Trong đó, việc tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ chính sách tiếp cận tín dụng ưu đãi không ngừng phát huy hiệu quả.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hồng Dân giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh: T.A

Giúp người dân giảm nghèo bền vững

Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tốt với các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 07 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong năm 2022, Bạc Liêu đã đưa 351 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 117% kế hoạch năm và tăng 281 lao động so với cùng kỳ.

Đạt được kết quả quan trọng trên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương, phải ghi nhận sự vào cuộc rất tích cực của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã làm tốt công tác cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Trong đó, có Chương trình cho vay đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là cho vay xuất khẩu lao động - XKLĐ). Đây được xác định là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi đem lại hiệu quả cao trong việc thoát nghèo bền vững tại địa phương.

Thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, GQVL và an sinh xã hội. Trong đó, xác định Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một trong những kênh quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 15 quy định chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (75 tỷ đồng) và Nghị quyết 37 về phê duyệt Chương trình việc làm, với tổng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH (100 tỷ đồng). Để thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh gắn với Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH và các tổ chức chính trị xã hội cùng triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách liên quan đến Chương trình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn, có được việc làm, có điều kiện để duy trì và mở rộng sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến tháng 1/2023, tổng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH đạt trên 186 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% trên cơ cấu vốn. Nguồn vốn ủy thác này chủ yếu thực hiện cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn và đi lao động ở nước ngoài theo Chương trình việc làm của tỉnh.

Không ngừng phát huy

Có thể nói, công tác cho vay GQVL nói chung, cho vay XKLĐ nói riêng từng bước được đẩy mạnh và luôn hoàn thành theo kế hoạch của UBND tỉnh giao (mỗi năm hơn 300 lao động). Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh tạo mọi điều kiện để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn đảm bảo chi phí đi lao động. Cụ thể, đối với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nhân thân người có công với cách mạng, hộ dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất, Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay tín chấp 100% chi phí đi XKLĐ (cho vay từ nguồn vốn Trung ương 100 triệu đồng, phần còn lại cho vay từ nguồn vốn địa phương). Đồng thời, hỗ trợ không hoàn lại tối đa mỗi lao động là 13 triệu đồng từ ngân sách của tỉnh. Đối với các đối tượng khác thì thực hiện cho vay 50% chi phí đi lao động ở nước ngoài bằng nguồn vốn địa phương với hình thức tín chấp. Đồng thời, hỗ trợ không hoàn lại tối đa mỗi lao động 4 triệu đồng từ ngân sách của tỉnh.

Từ nguồn vốn đầu tư GQVL, nhiều mô hình làm ăn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã… được duy trì và phát triển như: mô hình đan đát ở huyện Phước Long, Hồng Dân; làng nghề rèn ở huyện Hồng Dân; tổ hợp tác làm muối trải bạt ở huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình cùng một số mô hình làm ăn hiệu quả như: mô hình nuôi tôm của các hộ: Phạm Văn Dũ (ấp Chòi Mòi, xã Định Thành, huyện Đông Hải), Trương Ngọc Ánh (ấp Thạnh 1, xã Long Điền, huyện Đông Hải); mô hình nuôi lươn của hộ Trương Thị Út Cưng (ấp A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình); mô hình nuôi cá sấu, trồng bông súng của hộ Lê Hoàng Phấn (ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh lợi)… Qua đó cho thấy, tín dụng chính sách xã hội hay Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là hết sức cần thiết với người dân tại địa phương. Qua chương trình, đã góp phần tích cực giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có được việc làm ổn định, tạo được thu nhập cao, mở rộng sản xuất và khơi dậy khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

TÚ ANH

Theo kế hoạch năm 2023, Bạc Liêu phấn đấu GQVL trong nước cho 18.500 người và đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để hoàn thành mục tiêu này gắn với thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho NLĐ trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện tốt chất lượng tín dụng chính sách trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư, Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thực hiện Chương trình Việc làm giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Phối hợp thực hiện tốt các Chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đặc biệt quan tâm đến đối tượng NLĐ từ các tỉnh, thành phố do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đã trở về địa phương để tiếp tục sinh sống và tìm kế mưu sinh, có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh, duy trì, ổn định cuộc sống.

Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát trong việc sử dụng vốn vay, hiệu quả mô hình, dự án tại cơ sở để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các trường hợp sai sót trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình việc làm của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.