Giảm nghèo - Việc làm
Xuất khẩu lao động - giải pháp giảm nghèo bền vững
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không những tạo việc làm có thu nhập cao mà còn góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững, thậm chí giúp nhiều lao động có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng. Xác định đây là giải pháp hiệu quả, thiết thực, ngay từ đầu năm các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác XKLĐ, quyết tâm thực hiện từ đạt đến vượt chỉ tiêu đã đề ra.
Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị ký giao ước với các doanh nghiệp XKLĐ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Những cách làm hiệu quả
Năm 2022, huyện Đông Hải được điển hình là địa phương có những cách làm hay trong công tác XKLĐ khi thực hiện vượt trên 200% chỉ tiêu. Để công tác XKLĐ đạt được những kết quả theo mong muốn, Huyện ủy, UBND huyện đã có sự quan tâm sâu sát khi vừa chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 15 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời có các giải pháp quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương.
Từ sự định hướng, chỉ đạo trên, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong huyện ngay từ đầu năm đã có kế hoạch của riêng đơn vị mình. Ngoài việc tạo sự kết nối với các doanh nghiệp XKLĐ ngoài tỉnh, huyện còn phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền phong phú, phù hợp. Khi thì là cuộc tư vấn lớn như Ngày hội việc làm, lúc thì tổ chức tư vấn nhóm nhỏ tại địa phương, đồng thời lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể, khu dân cư. Đối tượng tư vấn, ngoài lao động nông thôn còn có học sinh đang học hoặc vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, thanh niên vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Nội dung tư vấn tập trung vào hiệu quả của XKLĐ thông qua những minh chứng cụ thể người thật, hoàn cảnh thật ở địa phương; tận tình giải đáp các thắc mắc của lao động; phân tích sâu về chính sách XKLĐ của tỉnh hiện nay...
Ở TX. Giá Rai, ngoài việc phối hợp tổ chức tuyên truyền trên Đài truyền thanh, Trạm phát thanh, lồng ghép nội dung này vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm tại địa phương thì 10/10 điểm giao dịch việc làm của thị xã luôn cung cấp các thông tin về thị trường XKLĐ. Đồng thời, thị xã luôn chủ động liên kết với các đơn vị tuyển dụng, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người lao động xuất cảnh đúng quy định, nhanh chóng, thuận lợi; các chính sách hỗ trợ lao động luôn sẵn sàng triển khai kịp thời...
TX. Giá Rai tổ chức tư vấn việc làm, XKLĐ cho học sinh trung học phổ thông và người lao động sinh sống trên địa bàn. Ảnh: T.T
Cần tiếp tục đổi mới phù hợp
Quả thật, sự quan tâm, đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động trong thời gian gần đây ở các địa phương đã giúp người dân thấy rõ được lợi ích của XKLĐ nên đã chủ động đăng ký, nộp hồ sơ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bởi hầu hết các trường hợp đã và đang làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đều giúp cho gia đình có nguồn kinh phí xây nhà kiên cố, khang trang, mua sắm đồ dùng sinh hoạt tiện nghi. Không ít lao động sau khi về nước có đồng vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Cách tuyên truyền hết sức thực tế trên đã thật sự thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ hiểu biết về XKLĐ qua đường chính ngạch, có hợp đồng lao động và lựa chọn đăng ký thị trường phù hợp với khả năng, trình độ của mình. Đặc biệt, người lao động sẽ nhìn vào con đường XKLĐ chính là cơ hội lớn để cuộc sống gia đình mình tốt hơn, có sự vững bền hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khó khăn trong công tác XKLĐ để tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể như, công tác XKLĐ hiện đã có những khởi sắc nhưng chưa nhiều, với chỉ tiêu mỗi địa phương huyện, thị xã, thành phố đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm có thể xem là khá khiêm tốn so với các tỉnh trong cả nước, nhất là các tỉnh miền Bắc, có huyện có hơn 500 lao động đăng ký tham gia XKLĐ mỗi năm. Ngoài ra, vẫn còn lao động không chọn con đường chính ngạch mà nhờ thân nhân, đăng ký qua mạng... vừa không được tiếp cận chính sách vừa bị chi phí môi giới cao. Thời gian chuẩn bị các điều kiện XKLĐ kéo dài khiến không ít lao động nản chí (thời gian học tiếng, chờ xuất cảnh chậm); vẫn còn một bộ phận lao động giữ tư tưởng không muốn “ly hương” dù biết nơi đó cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với làm việc tại quê nhà...
Hoàng Uyên
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc