Giáo dục - Học Đường
Bài giảng điện tử: Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học
Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, ngành Giáo dục đã và đang khuyến khích các giáo viên áp dụng bài giảng điện tử vào quá trình giảng dạy. Qua thực tế cho thấy, việc áp dụng phương pháp mới này đã mang lại hiệu quả thiết thực, học sinh hứng thú hơn với những tiết học đầy hình ảnh minh họa sống động. Chất lượng học tập từ đó cũng được nâng cao.
![]() |
Các giáo viên dự tập huấn thiết kế bài giảng điện tử do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: C.K |
Bài giảng điện tử (E-Learning) là hình thức giảng dạy bằng phương pháp trực quan thông qua giáo án, bài giảng được các giáo viên soạn bằng phần mềm vi tính, được trình chiếu trên lớp bằng các công cụ hỗ trợ hiện đại. Phương pháp giảng dạy này được ngành Giáo dục tỉnh áp dụng vào các trường học từ hơn 3 năm trước, với nhiều kết quả khả quan trong công tác giảng dạy, góp phần rất lớn trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Ngoài việc định hướng cho học sinh chủ động tư duy nhận thức, phương pháp giáo dục mới với việc áp dụng các bài giảng điện tử còn đòi hỏi các giáo viên phải tích cực, mạnh dạn sử dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin vào trong bài giảng, sử dụng thiết kế giáo án điện tử, bảng trình chiếu… để làm tiết học thêm sinh động với các kiến thức, hình ảnh minh họa sống động. Chính điều này đã làm đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo hơn công tác giảng dạy của mình để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong tình hình mới.
Để đáp ứng được các yêu cầu khi thực hiện một bài giảng điện tử trên lớp, các đơn vị trường học, các giáo viên đã tự trang bị máy tính xách tay, máy chiếu, màn hình, tivi… để phục vụ công tác giảng dạy theo hướng mới. Trong đó, các trường trên địa bàn TP. Bạc Liêu và những trường ở trung tâm huyện là những đơn vị tiên phong, áp dụng có hiệu quả nhiều mô hình giảng dạy mới, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cử giáo viên tham gia nhiều lớp tập huấn soạn giáo án, giảng dạy bằng bài giảng điện tử… Trong khi đó, các trường vùng sâu, vùng xa cũng rất tích cực áp dụng phương pháp giảng dạy mới này. Điển hình là tại hội thi Giáo viên thiết kế bài giảng E-Learning cấp THCS vòng huyện lần III, năm học 2014 - 2015 vừa được huyện Hòa Bình tổ chức, thí sinh có điểm bình quân cao nhất tại hội thi là giáo viên Nguyễn Thị Phương Tuyền, Trường THCS Vĩnh Thịnh - một đơn vị thuộc vùng sâu, vùng khó khăn của huyện.
Với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, dụng cụ giảng dạy sát với yêu cầu thực tế, liên tục cập nhật các phần mềm trình chiếu, soạn giảng mới nên đội ngũ giáo viên và các đơn vị trường học hiện nay đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh trong xu thế mới của cả nước.
Bên cạnh đó, để khuyến khích đội ngũ giáo viên say mê tìm hiểu, nâng cao trình độ, tay nghề, ngành Giáo dục cũng liên tục tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh. Đây thật sự là sân chơi bổ ích, là cơ hội để các giáo viên giao lưu, tìm hiểu công nghệ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để áp dụng vào thực tế giảng dạy trên lớp của bản thân, nâng cao chất lượng giảng dạy tại đơn vị mình. Điều đáng mừng là hiện nay, tất cả các môn học đều được áp dụng hình thức, phương pháp giảng dạy bằng bài giảng điện tử, kể cả những môn như: Giáo dục công dân, Lịch sử, Thể thao…
Việc áp dụng các bài giảng điện tử vào quá trình giảng dạy đã kích thích sự ham học hỏi của học sinh, nâng cao tay nghề của đội ngũ giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các đơn vị trường học nói riêng, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh nói chung. Phương pháp giảng dạy mới này đã và đang phát huy hiệu quả, giúp học sinh hiểu và vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn một cách linh động hơn.
CHÂU KHÁNH