Giáo dục - Học Đường

Bí quyết học tốt môn Lịch sử và Địa lý

Thứ Hai, 09/04/2012 | 19:17

* Môn Lịch sử

* Từ thực tiễn dạy và học môn Lịch sử, theo tôi, để học tốt môn Lịch sử, trước tiên học sinh phải luôn xem lại mục lục của sách giáo khoa để nắm chương trình học có bao nhiêu chương (giai đoạn lịch sử), nội dung quan trọng của mỗi giai đoạn lịch sử là gì? Sự kiện nào thể hiện nội dung đó… Công đoạn này rất có ý nghĩa, giúp các em nắm một cách bao quát nội dung, giai đoạn lịch sử, tránh lẫn lộn giữa các giai đoạn, sự kiện lịch sử với nhau.

Trong quá trình học bài, các em cũng cần nhớ tên bài, tên tiểu mục. Trước khi học cả bài hay từng phần, cần nắm chắc dàn ý của nó. Dàn ý thường theo giai đoạn hoặc theo sự kiện, bao gồm: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Điểm tiếp theo là phải nắm chốt - thời điểm gắn với một sự kiện quan trọng.

Khi làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ đề để hiểu rõ vấn đề đề bài hỏi, phạm vi thời gian của câu hỏi. Viết đề cương ghi nhanh những ý nghĩ kiến thức bất chợt lóe lên trong đầu để khỏi quên. Nên phân bố thời gian hợp lý. Câu nào dễ làm trước. Đừng mất thời gian nhiều cho phần mở bài, nên đi thẳng vào vấn đề để tiết kiệm thời gian. Dù thuộc bài đến mấy cũng không nên viết ngay vào giấy thi, hãy viết dàn ý vào giấy nháp sao cho thật đầy đủ và có hệ thống, đáp ứng yêu cầu câu hỏi, như vậy bài làm sẽ không bỏ sót chi tiết…

Huỳnh Quang Lâm

(Tổ trưởng Tổ Sử trường THPT Chuyên Bạc Liêu)

* Môn Địa lý

* Phải khẳng định rằng Địa lý là môn học nhẹ nhàng nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT. Nếu có phương pháp học tập tốt và nắm được phương pháp tư duy bộ môn thì học tốt môn này rất dễ dàng, không cần phải học thuộc lòng.

Để học tốt môn học này, các em phải nắm được đặc trưng của bộ môn: Môn Địa lý có hai phần tự nhiên và kinh tế - xã hội nên học sinh vừa phải có khả năng trình bày một vấn đề, vừa phải có khả năng tính toán, song không đòi hỏi kỹ năng quá phức tạp. Kiến thức thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, nhưng học sinh cần nắm vững kiến thức lớp 10. Địa lý lớp 10 trang bị cho học sinh tất cả những khái niệm cần thiết để học những chương trình sau, nắm chắc khái niệm các em sẽ hiểu bản chất kiến thức (chẳng hạn muốn hiểu về sự biến đổi khí hậu, ta phải hiểu được khí hậu là gì?).

Sau khi nắm được đặc trưng bộ môn, các em cần lựa chọn phương pháp học tập phù hợp. Trên lớp, chú ý nghe thầy, cô giảng để nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Học theo nhóm để bổ sung thêm kiến thức và nếu có học thêm, cần tìm thầy giỏi và chỉ cần học 1 buổi/tuần là đủ. Tự học rất quan trọng, trong khi tự học cần chú ý tìm điểm nhấn - từ chìa khóa để ghi nhớ và tái hiện kiến thức một cách lô-gíc dựa trên cơ sở mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố địa lý.

Kiến thức trong chương trình lớp 12 có ba dạng: Phần địa lý tự nhiên và dân cư; phần địa lý kinh tế phân theo ngành; phần địa lý kinh tế phân theo vùng. Nắm được cấu trúc các dạng bài này sẽ giúp học sinh dễ nhớ, giảm học thuộc và kỹ năng sử dụng Atlat tốt hơn…

Dư Quốc Kiệt

(Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trung Trực)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.