Giáo dục - Học Đường
Chất gây nghiện len lỏi trong học đường: Những hệ lụy khó lường
Nếu như trước đây, vấn nạn sử dụng chất gây nghiện trong đối tượng học sinh, sinh viên (HS, SV) chỉ là nỗi ám ảnh của phụ huynh khu vực thành thị, thì nay đã bắt đầu len lỏi về tận nông thôn. Làm cách nào để bảo vệ thế hệ trẻ trước những hiểm họa khó lường từ các chất gây nghiện đang là nỗi lo chung của cả cộng đồng!
Ảnh minh họa: B.T
Một chút hiếu kỳ, nông nổi của lứa tuổi thích chứng tỏ mình là “người lớn”, sự rủ rê, lôi kéo của những phần tử xấu khiến một bộ phận HS, SV đánh bạo “một bước lên tiên” với những cảm giác mới lạ mà các chất gây nghiện mang lại. Để rồi sau đó, cuộc đời họ bắt đầu trượt dài và cuốn đi tất cả những điều tốt đẹp đang chờ đón ở tương lai.
Thực trạng buồn
Cuối tháng 3/2012, dư luận xã hội tại Bạc Liêu bắt đầu “dậy sóng” khi một nhóm HS lớp 6 và lớp 8 Trường THPT Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) bị phát hiện sử dụng bồ đà trong nhà vệ sinh. Trong đó, em Nguyễn Tiến Hào (lớp 6A1) bị nghiện nặng nhất. Theo lời khai của Hào, em bị đối tượng Sang “bò” rủ rê, cho sử dụng thử. Sau đó, hắn còn đưa lá bồ đà cho Hào mang vào trường rủ rê các bạn cùng “chơi” và mỗi lần như vậy Hào lấy 10.000 đồng. Sau khi bị nhà trường phát giác, Sang “bò” đã bỏ trốn, còn nhóm HS cũng bị nhà trường xử lý thích đáng.
Những tưởng vụ việc đau lòng này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để các gia đình bảo vệ con em mình trước hiểm họa khó lường từ các chất gây nghiện. Nhưng đến tháng 3/2013, người dân Bạc Liêu lại sốc hơn khi biết tin nhiều HS Trường THCS Trần Huỳnh (TP. Bạc Liêu) sử dụng chất gây nghiện trái phép. Qua tìm hiểu, vì hiếu kỳ, nghe bạn nói uống thuốc ho Recotus sẽ có cảm giác phê như ma túy nên nhiều em đã mua dùng. Nhưng công dụng đâu chẳng thấy, chỉ thấy hậu quả là cơ thể mệt mỏi, rã rời và nhiều em còn đập phá vì không làm chủ được chính mình.
Tiếp sau đó, một nhóm HS của một trường THCS trên địa bàn TP. Bạc Liêu bị thầy giáo bắt quả tang khi đang sử dụng cần sa trong lớp. Đắng lòng hơn khi các em chỉ mới là HS lớp 7, trong đó có cả nam lẫn nữ. Ít lâu sau, một HS THPT trên địa bàn huyện Hòa Bình cũng bị bắt quả tang khi đang hít chất gây nghiện là keo vá xe.
Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh, số vụ HS sử dụng trái phép chất gây nghiện, chất ma túy có xu hướng tăng. Nếu như trước đây, chỉ xuất hiện trên địa bàn TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai thì nay lan sang cả huyện Hồng Dân, Đông Hải với mức độ ngày càng tinh vi, nguy hại hơn.
Cô L.X.H (Hiệu trưởng Trường THCS L.H.P, huyện Đông Hải) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: “Qua tin báo của một phụ huynh, nhà trường đã phát hiện một nhóm HS hơn 20 em tham gia thử (không mua nhưng được bạn cho hút) và đặt mua (chưa được nhận hàng) thuốc lá điện tử shisha với hình dạng giống như bút máy. Điều đáng buồn là hơn 2/3 trong số đó lại là HS lớp 6. Sau khi sử dụng shisha, nhiều em có biểu hiện lờ đờ, phờ phạc như mất ngủ và không chú tâm tới chương trình học trên lớp. Đau lòng hơn, khi em N.G.N.T (lớp 6C1) dù là HS khá giỏi của trường nhưng lại là người “đầu têu” cho các bạn cùng thử và móc nối đặt mua hàng dùm các bạn trong lớp…”. Song, điều đáng bận tâm ở đây là một số phụ huynh thay vì phối hợp với nhà trường giáo dục con em trước sự việc vỡ lỡ, thì họ lại bênh con chầm chập và cho rằng con mình không bao giờ tham gia thử shisha.
Vì đâu nên nỗi?
Có thể thấy, tình trạng các chất gây nghiện xâm nhập vào học đường ngày càng vượt mức báo động. Bọn tội phạm ma túy, cung cấp chất gây nghiện thường nhắm vào đối tượng HS, SV có hạnh kiểm yếu, cá biệt, thích tụ tập với các phần tử xấu, thích ăn chơi, đua đòi…
Với nhóm HS, SV cá biệt, đa phần các em thường có hoàn cảnh éo le. Cha mẹ ly hôn, lo vun đắp cuộc sống mới, các em phải tá túc, nương nhờ bà con như trường hợp của Tiến Hào. Hoặc nhiều em, vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bỏ xứ đi làm ăn xa, ít khi ở gần dạy dỗ và quan tâm khiến các em tự ti, mặc cảm và biến bản thân trở nên “gai góc” trong mắt mọi người. Và rồi, dần dà hình thành trong các em tâm lý bất cần, “xả láng” mặc kệ ngày mai ra sao thì ra. Thế là, một khi bị các phần tử xấu rủ rê, tác động các em sẽ dễ dàng sa ngã.
Còn với những “cậu ấm”, “cô chiêu” lớn lên trong những gia đình khá giả, quen với sự nuông chìu và cuộc sống xa hoa dẫn đến tâm lý ỷ lại, thích hưởng thụ, đua đòi và sẵn sàng vung tiền để tìm cảm giác lạ từ các chất gây nghiện. Với các gia đình có điều kiện, cha mẹ vì mải mê kiếm tiền nên ít có thời gian chăm sóc con cái và với họ con đường ngắn nhất để “bù đắp” thiệt thòi tình cảm với con chính là cho tiền nhiều. Và họ “khoán trắng” nhiệm vụ quản lý, giáo dục con em cho nhà trường. Mỗi khi con mình gây ra lỗi lầm, thì họ đổ trút hết trách nhiệm và khăng khăng con mình vô tội!
Trở lại trường hợp những HS của Trường THCS L.H.P tham gia thử và đặt mua shisha, nhiều phụ huynh một mực phản đối quyết định hạ hạnh kiểm của trường đối với nhóm HS này, vì cho rằng ban giám hiệu còn “nể nang” một số HS là con em của cán bộ, giáo viên trường có tham gia thử. Hơn nữa, một số phụ huynh còn bao biện rằng con mình lấy đâu ra tiền để mua shisha trong khi mỗi ngày đi học họ chỉ cho con 10.000 đồng; số phụ huynh khác thì bảo shisha không nằm trong danh mục chất cấm… nên hạ hạnh kiểm là xử oan HS!
Song, liệu rằng có phụ huynh nào đã nghĩ đến việc hút shisha, cũng như sử dụng một số chất gây nghiện khác sẽ là con đường ngắn nhất để các em tiếp cận với ma túy, nhằm thỏa mãn nhu cầu được “lên mây” cao hơn.
Tác hại khôn lường
Theo các chuyên gia y tế, cần sa là một trong những loại chất độc tác động lên hệ thần kinh trung ương và gây ra những ảo giác rất nguy hiểm. Người say cần sa có cảm tưởng mình trở thành kẻ khác, như một người hùng, siêu nhân hoặc một đấng cứu thế. Và một khi bị ảo giác chi phối, họ dễ bị kích động dẫn đến những hành động gây rối trật tự xã hội. Minh chứng rõ ràng là một số thanh niên, HS, SV sau khi thử qua cần sa đã phóng nhanh xe, quậy phá, đâm chém nhau theo kiểu xã hội đen…
Với một số loại keo hít gây nghiện như keo “con chó”, nếu hít lâu ngày sẽ khiến các bạn trẻ bị thiếu oxy, lú lẫn, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, viêm phổi, suy tim, viêm gan, thậm chí là ung thư phổi vì thường xuyên hít dung môi hữu cơ từ keo dán.
Với shisha điện tử, người nào lần đầu tiên sử dụng sẽ có cảm giác tức ngực, hút vài lần thì hương vị tự nhiên ban đầu như táo, bạc hà, sô-cô-la… dần chuyển sang mùi khen khét. Và cái thứ hương liệu này không chỉ độc hại với người sử dụng, mà người hút nó còn góp phần lây lan những chứng bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường nước bọt cho những người khác như: viêm gan siêu vi C, lao phổi, cúm… Không chỉ vậy, khói của shisha điện tử còn là những tạp chất gây nguy hại cho hệ thần kinh, làm tổn thương chức năng phổi và nhiều chất độc hại tìm ẩn khác nếu không may mua nhầm hàng trôi nổi…
KIM TRÚC
Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong độ tuổi thanh thiếu niên chiếm 73,4% trong tổng số đối tượng sử dụng ma túy. Trong đó, có 7 HS, SV. Những HS, SV này ở TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, huyện Hòa Bình và huyện Phước Long mới sử dụng ma túy đá, cần sa lần đầu.
So với 6 tháng cuối năm 2015, số người nghiện ma túy không đổi nhưng vẫn đi theo xu hướng trẻ hóa. Cụ thể, trong 533 người nghiện thì có 13 người trong độ tuổi 16 đến dưới 18; 378 người từ 18 đến dưới 30 tuổi.
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế