Giáo dục - Học Đường

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Đồng hành cùng Bạc Liêu trong đào tạo nguồn nhân lực

Thứ Tư, 06/11/2019 | 16:24

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG TP. HCM) trong triển khai các hoạt động chung về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học… Việc ký kết này nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như tăng cường khả năng phát triển khoa học phục vụ cộng đồng cho các nhà khoa học thuộc ĐHQG TP. HCM thông qua những hoạt động nghiên cứu khoa học áp dụng thực tiễn tại Bạc Liêu.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là một trong những lĩnh vực ĐHQG TP.HCM hỗ trợ Bạc Liêu trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Sau lễ ký kết, tổ chuyên gia của Đại học đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan để hiểu hơn về tiềm năng, lợi thế, cũng như những khó khăn, vướng mắc của tỉnh… để có những hiến kế, sách lược tư vấn phù hợp nhất.

NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC

Các nội dung về phối hợp đào tạo nguồn nhân lực được hai bên thỏa thuận thuộc các lĩnh vực: kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe, khoa học công tác xã hội, khoa học kinh tế - luật, khoa học quản lý, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp… với trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học văn bằng 2, hệ vừa làm vừa học, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý… Qua đó, góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho tỉnh trong tương lai.

Về chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Bạc Liêu, ĐHQG TP. HCM sẽ hỗ trợ tỉnh nghiên cứu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2045; xây dựng chiến lược phát triển của tỉnh, các đề án thành phần nhằm phát triển kinh tế của tỉnh mang tính định hướng lâu dài, bền vững, trong đó xác định cụ thể lĩnh vực phát triển trọng tâm, thế mạnh của tỉnh, nhất là quy hoạch, xây dựng sân bay tại tỉnh để làm cơ sở vững chắc trong thời gian tới, từng bước đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL và trung bình khá của cả nước. Song song đó, đơn vị này sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình điển hình, thí điểm trong các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch) và các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh; nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển ngành Du lịch của Bạc Liêu trong thời gian tới.

Đối với hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ĐHQG TP. HCM sẽ chuyển giao các thành tựu khoa học về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học về chống xói lở bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn; quan trắc chất lượng kênh cấp; xử lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.

ĐHQG TP. HCM còn trực tiếp hỗ trợ thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển Trường đại học Bạc Liêu trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ sau đại học, đội ngũ chuyên gia; hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo, quy mô đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cũng như kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế… để trường khẳng định vị thế đơn vị đào tạo uy tín của tiểu vùng bán đảo Cà Mau, cũng như các vùng phụ cận.

Có thể nói, những nội dung hợp tác mang tính chất định hướng để các sở, ngành của tỉnh, các ban chức năng, các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc của ĐHQG TP. HCM thảo luận, thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể, đảm bảo tính hiệu quả và thiết thực của chương trình.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kỳ vọng: “Bạc Liêu xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội làm đường hướng để tập trung thực hiện và đến nay đã có những kết quả nhất định. Bên cạnh đó, Bạc Liêu tập trung phát triển theo những lĩnh vực cụ thể như: điện gió, điện mặt trời, điện khí và phát triển du lịch tâm linh, du lịch xanh… Với định hướng phát triển trên, tỉnh mong muốn hợp tác với ĐHQG TP. HCM trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ đơn vị, đây cũng là điều kiện quan trọng để Bạc Liêu phát triển bền vững trong thời gian tới”.

TRIỂN KHAI ĐÚNG KẾ HOẠCH VÀ HIỆU QUẢ

Sau lễ ký kết, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc trực tiếp với tổ chuyên gia của ĐHQG TP. HCM về tư vấn, hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Các chuyên gia cho rằng, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Bạc Liêu vẫn còn là một tỉnh nghèo (chỉ đạt mức trung bình chung của cả nước), chưa cân đối được ngân sách, vì vậy khi xây dựng kịch bản phát triển, tỉnh cần có cái nhìn toàn cục hơn, lựa chọn những trụ cột, những khâu mang tính đột phá, chiến lược. Từ đó đề ra những giải pháp, đường hướng phù hợp với thực tế địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.

Bên cạnh những ngành nghề sinh kế truyền thống, tỉnh nên quan tâm đầu tư những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục hoạch định chiến lược để Bạc Liêu nâng tầm thành trung tâm phát triển hệ thống truyền tải điện cho khu vực bán đảo Cà Mau và các vùng phụ cận. Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, kéo các dự án lớn trong nước và quốc tế về Bạc Liêu đầu tư để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, Bạc Liêu nên chú trọng việc thu hút, trải thảm đỏ đón nhân tài về cống hiến; đồng thời, quan tâm hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng cao tại địa phương; cố gắng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học - công nghệ, bám vào khoa học - công nghệ để phát triển hơn là áp dụng kỹ thuật truyền thống; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng mô hình kinh tế tập thể… Ngoài ra, khi tập trung phát triển các trụ cột kinh tế, tỉnh cũng cần nghiên cứu sự tương tác giữa chiến lược với quy hoạch tổng thể của khu vực ĐBSCL; khảo sát xem các mô hình sinh kế có phù hợp với thị trường hay chưa; đồng thời, nên quan tâm sự tác động của các ngành nghề trong từng trụ cột với môi trường sống tự nhiên, nguồn nước…

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP. HCM khẳng định: “Sau buổi ký kết, ĐHQG TP. HCM sẽ triển khai chương trình hợp tác đúng theo kế hoạch, đảm bảo hiệu quả, thành lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động hợp tác, phân công các đơn vị thành viên và trực thuộc triển khai thực hiện cụ thể các hoạt động hợp tác đã ký kết. Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để hỗ trợ các hoạt động hợp tác theo từng chương trình cụ thể và bền vững”.

Để chương trình hợp tác đi đúng quỹ đạo và phát huy hiệu quả, định kỳ 6 tháng và 1 năm, các sở, ban ngành và các cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo tình hình thực hiện về Sở Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp để báo cáo lên UBND tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh và ĐHQG TP. HCM sẽ định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức họp luân phiên để sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung đã thỏa thuận hợp tác; trao đổi thống nhất các vấn đề hợp tác cần điều chỉnh, bổ sung và phát sinh mới.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.