Giáo dục - Học Đường

Dạy và học “lớp chọn”: Chọn hay không chọn?

Thứ Tư, 30/10/2013 | 16:59

Trước đây, lớp chọn đã xuất hiện trong nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy đây là mô hình giáo dục “lợi bất cập hại”, nên Bộ GD-ĐT chủ trương xóa bỏ. Sau khi có “lệnh” của Bộ, chỉ còn một số ít trường trong tỉnh “âm thầm” lập các lớp này và cái tên gọi “lớp chọn” cũng không còn phổ biến. Tuy nhiên, mấy năm nay Bộ lại đề nghị Sở GD-ĐT khuyến khích các trường dạy học phân hóa theo trình độ học sinh. Khi thực hiện phân hóa, trong các trường học đã xuất hiện lớp điểm sáng, lớp chất lượng cao, lớp nâng cao, lớp mũi nhọn… Đây thực chất là “anh em sinh đôi” của lớp chọn! Như vậy, vô hình trung lớp chọn đã trở lại một cách hợp pháp, nên trong bài viết chúng tôi xin dùng từ “lớp chọn” để nói chung về những lớp học này.

Giờ học của lớp nâng cao trường THPT Bạc Liêu. Ảnh: C.H


Vài năm trở lại đây, Sở GD-ĐT đã khuyến khích các trường dạy học phân hóa theo trình độ học sinh. Cũng từ đó, các lớp chọn đã dần “nở rộ” trong các trường. Nhất là trong năm học 2013 - 2014 này, Sở GD-ĐT mạnh dạn chỉ đạo thực hiện dạy học phân hóa theo trình độ ngay từ lớp 2, thì cũng đồng nghĩa với việc lớp chọn đã có mặt trong các trường từ tiểu học đến THPT. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng trên thực tế việc dạy và học lớp chọn vẫn đi kèm không ít khó khăn, bất cập...

Tạo nguồn học sinh ưu tú

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết lớp chọn của các trường đều được lập theo một “công thức”, đó là sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp, các trường sẽ sàng lọc và chọn ra những gương mặt khá, giỏi nhất để tổ chức thành lớp. Một số trường kỹ tính hơn còn tiến hành “thanh lọc” những học sinh kém chất qua mỗi năm học để có một lớp “tinh hoa”. Đã là lớp chọn thì chương trình học cũng khác lớp bình thường. Ngoài kiến thức chuẩn, các em còn được học kiến thức chuyên sâu, nâng cao. Bởi thế, học sinh lớp chọn luôn có vốn kiến thức vượt xa học sinh lớp khác.

Bà Trần Thị Khiếm, Phó Hiệu trưởng trường THPT Bạc Liêu, cho biết: “Hơn 10 năm tổ chức lớp chọn, chúng tôi thấy lớp học này có nhiều ưu điểm như: tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn. Trình độ học sinh khá - giỏi đồng đều, nên một mặt giáo viên dễ đảm bảo chương trình theo ý muốn, mặt khác giữa học sinh sẽ có sự cạnh tranh tích cực trong học tập. Đặc biệt, lớp chọn chính là nơi tạo ra nguồn học sinh ưu tú để tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi, đem vinh quang về cho trường nói riêng, tỉnh nhà nói chung. Ý nghĩa hơn, đây còn là nơi cung cấp nhân tài cho địa phương, đất nước”.

Cùng chung ý kiến với bà Trần Thị Khiếm, nhiều giáo viên cũng cho rằng, những lớp chọn bao giờ cũng là niềm tự hào của các trường khi đem về những giải thưởng tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi và nhất là có tỷ lệ thi đỗ vào “trường đinh”, “trường điểm” và đại học rất cao. Kết quả tuyển sinh lớp 10 hàng năm cho thấy, hầu hết học sinh lớp chọn trường THCS Trần Huỳnh, THCS Võ Thị Sáu đều thi đỗ vào ngôi trường THPT chất lượng số 1 của tỉnh - THPT Chuyên Bạc Liêu. Lớp chọn của trường THPT Bạc Liêu, THPT Giá Rai thường có 100% học sinh đỗ đại học và khoảng 70% đỗ tốt nghiệp. Lớp chọn ở các trường “thường thường” như: THPT Phan Ngọc Hiển, THPT Ninh Thạnh Lợi… tuy không có những thành tích ấn tượng như thế, nhưng cũng cho “ra lò” nhiều học sinh xuất sắc.

Vì là nơi đào tạo ra những học sinh ưu tú, nên lớp chọn còn là “đòn bẩy” thúc đẩy chất lượng giáo dục tỉnh nhà nâng lên qua mỗi năm.

Khó khăn, bất cập

Bên cạnh những ưu điểm, việc dạy học lớp chọn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Sự xuất hiện của lớp chọn đã và đang kéo theo thực trạng chạy trường, chạy lớp mà hàng năm ngành Giáo dục luôn phải đau đầu tìm biện pháp khắc phục. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là mong muốn con em mình được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất để phát huy khả năng, nên trong các mùa tuyển sinh đều có chuyện phụ huynh “chạy ngầm” cho con vào lớp chất lượng cao.

Đối với giáo viên, dạy lớp chọn vừa dễ, nhưng vừa chịu áp lực lớn. Bởi nếu dạy không tốt, chẳng những ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên, mà còn làm “hư hại” cả tốp học trò giỏi. Còn đối với nhiều học sinh, được học lớp chọn là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, khi được “chọn” thì đồng nghĩa với chuyện các em phải “gánh” chương trình học hết sức nặng nề. Đó là chưa kể những áp lực “phụ” khác như: sự cạnh tranh của các bạn học, sự kỳ vọng của gia đình… Trong những lần trò chuyện với học sinh lớp chọn, tôi đã nghe nhiều em than khổ vì chương trình học. Cũng có lần chúng tôi chứng kiến học sinh lớp chọn bị áp lực, dẫn đến mất cân bằng tâm lý với những biểu hiện: mệt mỏi, lầm lì, chán học… Và chắc hẳn chúng ta hãy còn nhớ vụ việc một giáo viên ở Giá Rai bị phản ánh dạy học “không thân thiện” (chủ yếu do chương trình học nâng cao của lớp chọn) cách đây không lâu. Từ vụ việc trên, chúng tôi đã tìm hiểu về chương trình học của lớp chọn và nhận thấy hiện nay chương trình học do các trường tự thiết kế, ở mỗi trường dạy mỗi kiểu.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Tấn Lực, Hiệu trưởng trường THPT Phan Ngọc Hiển: “Ở những trường có quy mô nhỏ, hoặc có học sinh chất lượng thấp thì không thể tổ chức lớp chọn đúng nghĩa, bởi không có học sinh giỏi để chọn”. Một bất cập nữa mà ban đầu ông Đỗ Tấn Lực cũng như một số giáo viên tỏ ra băn khoăn khi lập lớp chọn là sẽ xảy ra hiện tượng: có lớp toàn học sinh khá giỏi, có lớp toàn học sinh “lềnh lềnh”, thậm chí yếu kém. Những học sinh ở các lớp yếu kém khi không hiểu bài sẽ không biết hỏi ai? Chi bằng để học sinh dở, giỏi cùng lớp, học sinh giỏi sẽ “kéo” học sinh dở lên. Mặt khác, dồn những học sinh giỏi vào một lớp, học sinh bình bình vào một lớp, thì những em giỏi sẽ ngày càng giỏi thêm, còn học sinh bình bình sẽ ít tiến bộ, bởi các em học trong môi trường ai cũng như ai, nên mất đi ý chí phấn đấu.

Đặc biệt, một số ý kiến cũng cho rằng giáo dục là bình đẳng, nhưng việc gom học sinh khá giỏi vào một lớp, dồn học sinh yếu kém thành một lớp là thể hiện sự bất bình đẳng?! Không chỉ vậy, việc lập ra lớp chọn còn dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh lớp chọn sẽ sinh ra chứng bệnh “sao” và tỏ ra coi thường học sinh lớp bình thường.

Khi tiến hành dạy học phân hóa theo trình độ học sinh thì dù muốn hay không cũng sẽ sinh ra lớp chọn. Trước những ưu điểm và nhược điểm của lớp chọn, việc còn lại của ngành Giáo dục nói chung, các trường nói riêng là phải tổ chức và duy trì lớp học này như thế nào để đạt mục tiêu, ý nghĩa là tạo nguồn học sinh ưu tú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà!

Nguyễn Phương

Một số phụ huynh có ý kiến rằng, năm học này Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường dạy học phân hóa theo trình độ học sinh từ lớp 2, thì cũng có nghĩa là lớp chọn sẽ xuất hiện ngay từ lớp 2. Điều này không ổn, vì sẽ tạo áp lực cho những học sinh còn quá nhỏ.



Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.