Giáo dục - Học Đường
Để tục mừng tuổi vẹn nguyên ý nghĩa!
Tục mừng tuổi đã có từ rất lâu đời và trở thành một nét đẹp văn hóa đầu năm mới gắn liền với Tết cổ truyền dân tộc. Thế nhưng, dưới tác động của cơ chế thị trường, mỹ tục đẹp này đang dần bị biến tướng và gây ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười” trong những ngày đầu năm mới.
Lì xì mừng tuổi. Ảnh minh họa: Đ.K.C
Theo phong tục, sau khi cúng gia tiên thì người lớn thường đặt tiền vào những chiếc bao nhỏ màu đỏ để lì xì mừng tuổi. Màu đỏ của những chiếc bao lì xì chính là biểu trưng của niềm hy vọng, sự may mắn, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Người xưa gọi tiền mừng tuổi là tiền “mở hàng” và người ta thường cho tiền lẻ vào phong bao với ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi, nảy nở nhiều thêm. Và tất nhiên, số tiền trong phong bao lì xì không đặt nặng giá trị mà mang đúng ý nghĩa của việc mong cầu may mắn, tốt lành; cả người nhận và người trao đều hoan hỷ khi nghĩ về một năm mới hạnh phúc, như ý.
Tôi vẫn còn nhớ như in, cứ sáng mùng 1 Tết, sau khi đốt nhang bàn thờ gia tiên xong là ngoại tôi lại mừng tuổi con cháu. Gian nhà nhỏ cứ rộn ràng, rực sắc đỏ bởi những lời chúc lành, những chiếc phong bao đầy ắp tình yêu thương của gia đình trong ngày đoàn viên đầu năm mới.
Vậy rồi, trải qua biến thiên của thời cuộc, việc mừng tuổi đầu năm giờ không còn mang đến niềm vui, mà nó lại trở thành nỗi ám ảnh, áp lực của nhiều người, nhất là những lao động nghèo xa quê muốn về cố hương ăn Tết. Tục lì xì dần biến tướng, trở thành phương tiện để lấy lòng nhau khiến không ít người phải “dở khóc dở cười” khi nhiều đứa trẻ bóc lì xì ngay trước mặt khách; có đứa còn so sánh người này người kia cho ít cho nhiều khiến không ít người phải bẽ mặt khi đi chúc Tết… Và thật nguy hại nếu điều này kéo dài, vì chính chúng sẽ tạo nên lối sống thực dụng ở trẻ ngay từ lúc nhỏ.
Thế nên, để giữ được truyền thống tốt đẹp này, các gia đình nên giáo dục trẻ biết tiền mừng tuổi là lộc, dù ít hay nhiều cũng là lời mong cầu, chúc lành may mắn cho bản thân trẻ trong năm mới nên đều đáng quý. Và điều quan trọng nhất là cha mẹ cần giải thích thật rõ để trẻ hiểu hết ý nghĩa tốt đẹp của tục lì xì mừng tuổi đầu năm, từ đó giáo dục con việc nhận mừng tuổi một cách có văn hóa như: không được xé bao lì xì trước mặt khách, biết cảm ơn khi nhận phong bao, không được bình luận về mệnh giá, biết sử dụng tiền lì xì ý nghĩa bằng việc đầu tư cho học tập, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…
Phát Đạt
- Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đến thăm, chúc mừng lễ Giáng sinh năm 2024 tại Bạc Liêu
- Lãnh đạo tỉnh thăm Bộ CHQS tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
- Huyện Đông Hải: Thăm và tặng quà cho gia đình chính sách
- Huyện Hòa Bình: Trên 300 trẻ được trải nghiệm “Bé làm chiến sĩ tí hon”
- Huyện Vĩnh Lợi: Hiến 129 đơn vị máu tình nguyện