Giáo dục - Học Đường

Ghi nhận kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, năm học 2019 - 2020: Điểm nhấn môn Ngữ văn

Thứ Hai, 10/06/2019 | 16:10

Sở GD-KH&CN vừa tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, năm học 2019 - 2020. Kỳ thi diễn ra tại 20 điểm thi trong thời gian 2 ngày (6 và 7/6/2019) với sự tham gia của gần 8.000 thí sinh (TS). Theo ghi nhận của chúng tôi, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc…
Theo thống kê, tham gia kỳ thi có 7.944/10.111 học sinh vừa hoàn thành chương trình THCS tại các địa phương. Sở GD-KH&CN cho biết, theo đề xuất của các đơn vị thì tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT, năm học 2019 - 2020 là 6.479 học sinh, tăng 20 chỉ tiêu so với kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của năm học 2018 - 2019 được phân bổ cho 20 đơn vị trường THPT trên địa bàn tỉnh là 6.459.
Trong ngày 6/6, các TS thi môn Ngữ văn vào buổi sáng, thời gian làm bài là 120 phút, buổi chiều thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài là 60 phút. Ngày 7/6, các TS thi môn cuối cùng là Toán vào buổi sáng với thời gian làm bài là 120 phút. Riêng các TS dự tuyển vào Trường THPT Chuyên Bạc Liêu sẽ thi thêm môn chuyên vào buổi chiều cùng ngày.

Giám thị phổ biến quy chế cho thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2019 - 2020. Ảnh: C.K

Dù là kỳ tuyển sinh vào lớp 10, nhưng công tác tổ chức được đặc biệt quan tâm, thực hiện đúng quy chế theo quy định. Theo đó, ngay từ ngày 30/5/2019, Ban in sao đề thi đã bước vào “chiến dịch” và thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” giống như kỳ thi THPT quốc gia. Đến tận chiều 7/6/2019, khi các TS thi môn chuyên hoàn thành thì ban này mới được “thả” ra.
Theo đánh giá, điểm nhấn của kỳ thi là ở môn Ngữ văn. Với thang điểm 20, phần đọc hiểu có tổng điểm là 7 với 3 câu hỏi, phần làm văn 13 điểm với 2 câu hỏi. Trong đó, phần đọc hiểu được cho là “thách thức” sự hiểu biết, kỹ năng sống… của các TS khi có nội dung: “Chuyện xảy ra tại một trường trung học. Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh: - Các em có thấy gì không? Cả phòng vang lên câu trả lời: - Đó là một vệt đen. Thầy giáo nhận xét: - Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư? Và thầy kết luận: - Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá về một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng chú trọng vào vệt đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trắng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đó những điều có ích cho đời” - (trích “Quà tặng cuộc sống”).
Với câu hỏi: “Em hiểu thế nào về câu nói: Có người thường chú tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ” (câu 2 với 2 điểm phần đọc hiểu) và “Từ ngữ liệu trên, em rút ra bài học gì” (câu 3 với 2 điểm phần đọc hiểu) thì các TS có vốn sống sẽ dễ dàng “ăn” điểm.
Ngữ liệu không nằm trong sách giáo khoa kia được tiếp tục với phần làm văn ở câu 1 với 5 điểm có nội dung: “Từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về lời khuyên của thầy giáo: “Có người thường chú tâm… có ích cho đời”.
Như vậy, gần 50% nội dung đề thi là phần kiểm tra kỹ năng sống của TS, phần nội dung nằm trong chương trình THCS chỉ gói gọn ở câu 1 phần đọc hiểu, 3 điểm và câu 2 phần làm văn với 8 điểm với nội dung: “Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long”. Đây cũng là một câu hỏi liên quan đến “vẻ đẹp tâm hồn”. Điều này cho thấy, ý đồ của ngành Giáo dục là tôn vinh đạo đức, tôn vinh những điều tốt đẹp trong mỗi con người… 
Với ý nghĩa đó, tin rằng các TS sẽ cảm nhận được “món quà” mà các thầy cô đã gửi gắm, tiếp tục phấn đấu học tập để trở thành người tốt, có ích hơn cho gia đình và xã hội.
Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.