Giáo dục - Học Đường

Học Bác vun đắp sự nghiệp “trồng người”

Thứ Tư, 02/10/2019 | 15:10

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), chính Người đã đặt nền tảng cho tư tưởng chiến lược “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” của Đảng và Nhà nước ta. Người đã viết tất cả 23 bức thư gói trọn tâm huyết, sự kỳ vọng gửi cho ngành Giáo dục. Trong đó, bức thư cuối cùng Bác viết gửi các cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh các cấp nhân dịp đầu năm học 1968 - 1969 không chỉ chứa đựng những tình cảm thân thương mà còn ẩn chứa những tư tưởng lớn về sự nghiệp “trồng người”. Thấm nhuần lời Bác dạy, 50 năm qua ngành Giáo dục Bạc Liêu (trước đây là Minh Hải) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm vun đắp cho sự nghiệp “trồng người” cao cả.

>> Bài 2: Nỗ lực chăm bồi những thế hệ vừa “hồng”, vừa “chuyên”

Bài cuối: Quyết tâm hướng đến nền giáo dục thực học, thực nghiệp

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu “chúng ta phải sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới”. Thực hiện di nguyện của Người, ngành GD-ĐT Bạc Liêu đã và đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với quyết tâm hướng đến một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp…

Học sinh Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu) trong giờ học môn Mỹ thuật.

Chú trọng phát triển toàn diện

Theo đó, toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh (HS) sau THCS; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho HS, sinh viên, đảm bảo an toàn trường học…

Trong những năm qua, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trường mầm non, mẫu giáo trong toàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ theo đúng quy định, cũng như thực hiện lồng ghép tích hợp có hiệu quả các nội dung giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, giáo dục giới tính… Song song đó, còn nhân rộng mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” và thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Với giáo dục tiểu học thì tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá HS, tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành một cách hợp lý. Trong đó, sẽ tinh giản những nội dung trùng lặp, không phù hợp đối với HS nhưng không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực HS. Đồng thời, thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục an ninh - quốc phòng trong một số môn học như: Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Lịch sử và Địa lý.

Song song đó, bậc học này còn vận dụng linh hoạt, sáng tạo các mô hình, các phương pháp dạy học tích cực như: mô hình trường học mới, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy Mỹ thuật mới, dạy học lồng ghép, tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng… Các trường tiếp tục giữ vững ổn định và phát triển dạy học theo mô hình trường học mới, khuyến khích đội ngũ giáo viên sáng tạo trong dạy học, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kết hợp hài hòa cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất và năng lực HS trong từng hoạt động dạy học.

Riêng giáo dục trung học tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của HS. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trung học. Khuyến khích triển khai dạy ngoại ngữ tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (như Toán và các môn khoa học) bằng ngoại ngữ tại các trường THCS, THPT có đủ điều kiện. Tiếp tục nâng cao năng lực giáo viên ngoại ngữ, ưu tiên môn Tiếng Anh để đáp ứng việc triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tại địa phương, cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, giáo dục thường xuyên, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương, khu vực, quốc gia; đảm bảo cơ hội cho mọi người, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ… phù hợp với tình hình mới.

Học sinh Trường THCS Bạc Liêu - Ninh Bình tham gia trò chơi dân gian trong Ngày hội “Tiến bước lên Đoàn”. Ảnh: Đ.K.C

Những kỳ vọng mới

Hiện tại, ngành Giáo dục tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung đang rất quyết tâm đổi mới, chấn hưng nền giáo dục. Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đổi mới giáo dục. Theo đó, ngành Giáo dục đã lựa chọn đột phá đổi mới bắt đầu từ chương trình sách giáo khoa, từ đổi mới thi cử và toàn xã hội đặt hết kỳ vọng vào sự đổi mới này.

Tuy nhiên, con đường đổi mới này có thật sự khả thi, bài bản hay không thì cần lắm sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội. Trước tiên, với những người làm trong ngành phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về việc đổi mới nên bắt đầu từ cái gì, đổi mới thế nào và lộ trình đổi mới ra sao. Đổi mới phải mang tính tổng thể, không được cắt khúc vì có thể khiến hiệu quả đạt được không như mong muốn.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nên xã hội không thể “khoán trắng” cho ngành Giáo dục. Từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội phải cùng chung sức chung lòng để đẩy mạnh giáo dục phát triển theo đúng hướng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Thế nên, cần cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục thế hệ trẻ, đừng chạy điểm, mua danh bán tước mà làm hư hại cả một thế hệ. Và xã hội cũng cần nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm hơn những mặt được và chưa được của giáo dục để chung sức cùng ngành nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Xã hội còn kỳ vọng vào những quyết sách mới của ngành Giáo dục trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa, đó là đào tạo trọng tâm, trọng điểm, chứ không phải chỉ là nhồi nhét những kiến thức không cần thiết. Và con người hiện đại mà xã hội cần trong tương lai phải là những con người có đủ năng lực để thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại.

Trong môi trường giáo dục truyền thống hay hiện đại, các thầy cô giáo luôn cần được tôn trọng, chăm lo đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần, để thầy ra thầy, trò ra trò… và các mối quan hệ biện chứng khác không bị tác động bởi cơ chế thị trường. Ngược lại, xã hội luôn mong mỏi các thầy cô giáo mãi là những tấm gương mẫu mực về sự tận tâm, nhiệt huyết, hãy kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giữ vững cốt cách của những nhà giáo chân chính. Và hãy luôn vững tin vào “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, hãy yêu quý HS, sinh viên của mình, cảm hóa các em bằng sức hút của nhân cách và tri thức… Có như vậy giáo dục mới thật sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới.

Riêng HS, sinh viên phải được tiếp cận với những tri thức mới, kỹ năng mới để không ngừng hoàn thiện chính mình, dễ dàng thích nghi với những đổi mới của một nền giáo dục hiện đại theo hướng mở, thực học và thực nghiệp.

Đã 50 năm kể từ ngày Bác Hồ về với thế giới người hiền, nhưng những lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục hiện nay.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.