Giáo dục - Học Đường

Người thầy và những trọng trách mới

Thứ Tư, 18/11/2020 | 17:13

Đóng góp thầm lặng của người thầy cho sự nghiệp “trồng người” thật khó mà cân - đong - đo - đếm; cũng không thể dùng mỹ từ nào để tôn vinh, ca ngợi cho hết được! Để xứng đáng với vị thế được xã hội suy tôn, người thầy phải không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, xây dựng nên những hình mẫu chuẩn mực về đạo đức, nhân cách, học tập suốt đời… mới có thể thích ứng nhanh với những thay đổi không ngừng của giáo dục trong bối cảnh mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang thăm và chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại tư gia Nhà giáo ưu tú Nguyễn Sáu, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai). Ảnh: Đ.K.C

Không ngừng học hỏi, mở rộng tri thức

 “Kho tri thức của nhân loại to lớn như đại dương vô tận, còn sự hiểu biết của chúng ta chỉ là hạt muối nhỏ bé trong đại dương ấy”, quan niệm này từ lâu đã trở thành “kim chỉ nam” để mỗi thầy giáo, cô giáo tự răn mình, tự giác học hỏi, tích lũy tri thức để bổ sung vào vốn kiến thức được xem còn hạn hẹp của bản thân.

Trước đây, người thầy giữ vai trò trung tâm trong hoạt động dạy - học. Tức là thầy cô giáo sẽ là người chủ động truyền đạt kiến thức, còn học trò thì thụ động tiếp thu, ghi nhớ. Sau đó, sẽ phản hồi lại kiến thức theo kiểu “sao y bản chính”. Thế là, căn cứ vào số lượng câu chữ học sinh đọc lại từ bài học mà giáo viên cho điểm. Nhiều trò học vẹt, bước lên bục giảng trả bài cứ chữ được chữ mất, phải nhờ giáo viên nhắc cho mình chữ đầu tiên thì mới có thể nhớ được trọn vẹn câu chữ của bài học. Và tất nhiên kiến thức được truyền dạy cứ như “gió thoảng mây bay”!

Nhưng với những thầy cô giáo tâm huyết, việc học trò không hiểu bài khi kết thúc tiết học luôn là những nỗi day dứt, trăn trở trong suốt hành trình dạy học. Bởi vậy, phương pháp dạy - học mới với việc lấy học trò làm trung tâm được xem là giải pháp tối ưu khi phát huy tối đa vai trò của cả thầy lẫn trò. Thầy giữ vai trò khởi xướng, dẫn dắt, đề xuất, nêu lên vấn đề; trò thì tham gia trao đổi, phân tích, nêu dẫn chứng để giải thích, làm rõ vấn đề. Cuối cùng, người thầy sẽ tổng hợp và đưa ra kết luận, giúp học sinh rút ra bài học thực tiễn. Phương pháp này sẽ kích thích khả năng tự học, sáng tạo, tính tư duy, đổi mới trong cách dạy, cách học của thầy và trò. Khi ấy, người thầy sẽ không ngừng học hỏi từ các phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng tư duy, nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác giảng dạy. Và thực tế là nhiều thầy cô giáo đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thông qua giáo án điện tử; thể hiện sự hiểu biết của bản thân từ các tiết thực hành, thí nghiệm với dụng cụ hỗ trợ tiên tiến; đăng ký học lên cao học, nghiên cứu sinh để có cơ hội mở rộng tri thức. Không chỉ vậy, nhiều cuộc thi lớn, ý nghĩa được ngành Giáo dục tỉnh nhà tổ chức như: thiết kế bài giảng điện tử; sáng tạo đồ dùng dạy học; giáo viên dạy giỏi các cấp; sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy… cũng là những cách làm hay để giáo viên tỉnh nhà giao lưu, thử sức và hoàn thiện năng lực của chính mình.

Xây dựng những hình mẫu chuẩn mực về đạo đức

Xã hội, nhà trường hiện đại buộc người thầy phải cùng lúc hóa thân thành những nhà giáo dục chuyên nghiệp, nhà nghiên cứu thực hành, nhà canh tân xã hội… nhưng giá trị cốt lõi nhất về người thầy trong mọi thời đại mà xã hội kỳ vọng vẫn là hình mẫu chuẩn mực về đạo đức.

Thế nên, bên cạnh việc trao truyền tri thức, chuẩn bị những hành trang cần thiết để học trò vững bước vào đời thì người thầy trong mọi thời đại luôn giữ cho mình một tâm trong, trí sáng, tránh xa mọi cám dỗ vật chất tầm thường.

Nhiều thầy dù đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu nhưng vẫn mãi trăn trở với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, vậy là bên cạnh những đóng góp, hiến kế đầy thiết thực để nâng chất sự nghiệp giáo dục - đào tạo thì nhiều thầy cô còn đóng góp sức người, sức của cho công tác khuyến học, khuyến tài của quê hương.

Những tấm gương ngời sáng về đạo đức ấy tiếp tục soi rọi, làm “kim chỉ nam” để các thế hệ thầy cô giáo, đặc biệt là những thầy cô giáo trẻ tự răn mình, không ngừng hoàn thiện, tu dưỡng để mãi xứng đáng với vị thế cao quý mà xã hội tôn vinh.

Xã hội không ngừng phát triển, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động tiêu cực và làm thay đổi nhiều giá trị, nhưng với tâm trong, trí sáng và lối sống chuẩn mực của mình, chắc chắn người thầy - nghề giáo sẽ mãi được xã hội trọng vọng.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.