Giáo dục - Học Đường

Thầm lặng những đóa hoa đời

Thứ Hai, 28/09/2020 | 15:24

“Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội  được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Đó là nhận định sâu sắc, đầy trân trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho nghề giáo lúc sinh thời.

Không phụ sự kỳ vọng của Người, bao thế hệ thầy cô giáo, những người đang cống hiến cho ngành Giáo dục nước nhà nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang tận tâm, âm thầm dốc trí lực, quyết noi gương Bác làm những đóa hoa thầm lặng, tỏa ngát hương thơm tô thắm cho đời…

>>> Bài 1: Cao đẹp những tấm lòng

Bài 2: Ngời sáng những tấm gương học và làm theo Bác

Đâu chỉ noi gương Bác ở sự tận tụy, đức hy sinh, hết lòng phụng sự cho sự nghiệp giáo dục, những người đang gánh trên vai sứ mệnh “trồng người” cao cả hôm nay còn nguyện học và làm theo Bác trên mọi phương diện với quyết tâm đổi mới nền giáo dục, chăm bồi cho xã hội những lớp người mới - thế hệ kế thừa xứng đáng sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chủ tịch.

Học sinh Trường THCS Bạc Liêu - Ninh Bình có thêm nhiều trải nghiệm bên ngoài lớp học khi được phát huy vai trò trung tâm.

Xây dựng hình mẫu “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”

Dành cho nghề giáo nhiều ưu ái, nhưng Bác cũng đặt yêu cầu: “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”. Để làm được điều đó, trước tiên người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng của bản thân và “cần xây dựng tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Đó phải là những người thật sự yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, có chí khí cao thượng với tinh thần cách mạng “tiên ưu hậu lạc”.

Hình ảnh thầy Nguyễn Văn Tuất (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gành Hào) hàng ngày đến trường trên chiếc xe đạp cộc cạch đã hằn sâu trong tâm trí nhiều thế hệ học trò của trường. Điều kiện gia đình và cương vị ấy dễ dàng cho thầy một vẻ ngoài hào nhoáng nhưng thầy vẫn chọn cho mình một phong cách dung dị, gần gũi, đời thường đúng chuẩn “ông giáo làng”. Chiếc cặp da phai màu, những chiếc sơ-mi đã sờn vai và chiếc xe đạp gắn bó cùng thầy gần trọn sự nghiệp “trồng người” luôn là những tài sản vô giá, minh chứng sống động cho cả một đời thanh đạm, hết lòng phụng sự cho giáo dục.

Không chỉ gần gũi, quan tâm đến mọi người; luôn tận tụy, hết lòng với công việc; sống tiết kiệm, giản dị, thầy còn nêu gương, làm việc cẩn trọng, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, không độc đoán, áp đặt chủ quan. Với học trò, thầy luôn gần gũi, bao dung, dùng tấm lòng của người cha để thương yêu, đặt mình vào vị trí của học trò để thấu cảm những tâm tư, cũng như thẳng thắn chỉ ra những điều sai trái và hướng dẫn các em khắc phục những nhược điểm của mình. Bằng tấm lòng, tình cảm chân thành của mình, thầy đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp và bao thế hệ học trò dù đã nghỉ hưu.

“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền” - lời dạy sâu sắc ấy của Bác luôn được thầy Châu Thành Tuấn (Trường THCS Thạnh Bình, TX. Giá Rai) xem là “kim chỉ nam” khi quyết định gắn bó với nghề cao quý. Hơn 24 năm đứng trên bục giảng, thầy luôn là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo. Với thầy, nhà giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh nên bản thân phải thật sự là tấm gương sáng.

Bởi vậy, khi giữ vai trò là Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, thầy đã đóng góp sáng kiến tổ chức hoạt động học, luyện tập theo nhóm, góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Song song đó, thầy còn chú trọng đẩy mạnh hoạt động tổ chuyên môn; gần gũi, gợi mở để sẻ chia, giúp đỡ giáo viên cách vận dụng các phương pháp giảng dạy mới. Ở cương vị giáo viên chủ nhiệm, thầy luôn quan tâm đặc biệt đến học sinh, nhất là công tác uốn nắn, giáo dục học sinh cá biệt. Từ những câu chuyện đời, chuyện nghề, những bài học từ cuộc sống mà thầy kể cho học trò luôn bao hàm nhiều thông điệp ý nghĩa và nhiều học sinh cá biệt đã được “cảm hóa” từ những câu chuyện ấy! Với nhiều thế hệ học trò, thầy chính là hình mẫu của sự bao dung, mẫu mực, không ngừng học hỏi, tìm tòi sáng tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy để mang đến những bài học hay, có chất lượng cho học trò.

Thầy Nguyễn Đình Chẳng cùng học sinh lớp 12 (niên khóa 2019 - 2020) lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ bên mái trường THPT Ngan Dừa. Ảnh: Đ.K.C

Cùng kiến tạo môi trường giáo dục mới

Không chỉ nêu gương về tinh thần tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò, đội ngũ thầy cô giáo trong  tỉnh còn chung tay kiến tạo nên môi trường giáo dục mới - môi trường mà ở đó học sinh giữ vai trò trung tâm.

Là một trong những giáo viên thành công với phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, cô Ngô Thị Thu Lam (Trường mẫu giáo Phong Phú, TX. Giá Rai) cho rằng: Để phương pháp phát huy tối đa hiệu quả, giáo viên phải tạo được môi trường thuận lợi để trẻ học tập, vui chơi. Theo đó, giáo viên nên tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu, hứng thú, khả năng của từng trẻ để có cách dạy phù hợp. Môi trường ở đây không chỉ dừng lại trong lớp học, mà phải tận dụng tất cả không gian trong, ngoài lớp để trẻ được trải nghiệm, khám phá. Giáo viên nên khéo léo trang trí, bày biện những góc chơi để lôi cuốn trẻ. Đồng thời, cần tận dụng các thiết bị, đồ dùng sẵn có, đồ chơi tự làm từ các vật liệu thân thiện để kích thích trẻ hoạt động sáng tạo. Qua đó, giúp trẻ phát huy năng khiếu cá nhân, mở rộng các mối quan hệ qua lại giữa các nhóm, tăng cường kỹ năng hoạt động nhóm trong trẻ…

Còn với thầy Huỳnh Vũ Linh (giáo viên môn Vật lý, Trường tiểu học - THCS Phong Thạnh A, TX. Giá Rai), bên cạnh việc lấy học sinh làm trung tâm thì giáo viên cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, làm cho tiết dạy trở nên trực quan sinh động hơn thông qua việc thổi thêm những “luồng gió mới” từ việc thay đổi phương pháp giảng dạy - tiếp cận. Không chỉ hết lòng với chuyên môn, thầy còn thắp lửa đam mê nghiên cứu của bản thân cho nhiều thế hệ học trò, giúp các em hình thành tư duy kỹ thuật và khả năng ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn cuộc sống. Theo đó, trong những năm qua, thầy Linh đã trực tiếp hướng dẫn cho HS lớp 8 và 9 tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dành cho HS trung học và đều đạt kết quả cao. Trong đó, đề tài “Máy tưới cây thông minh” được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao, vì có thể ứng dụng tốt vào cuộc sống, giúp việc tưới cây được tự động hóa thông qua ngôn ngữ lập trình.

Thầy Nguyễn Đình Chẳng (giáo viên, Bí thư Đoàn trường THPT Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) vừa được Huyện ủy tuyên dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác năm 2020. Theo đó, ngoài thực hiện tốt công tác giảng dạy chuyên môn hàng năm; bồi dưỡng, huấn luyện cho học sinh tham gia hội thao Quốc phòng - an ninh cấp tỉnh đạt nhiều giải cao, thầy còn có nhiều sáng kiến, giải pháp được ngành công nhận như: phương pháp huấn luyện nâng cao thành tích ném lựu đạn xa trúng đích; tích hợp Văn học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc vào giảng dạy giáo dục quốc phòng - an ninh; nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy cho học sinh của trường… “Mô hình cột mốc Trường Sa” (mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh) đặt trong khuôn viên trường để giáo dục học sinh về chủ quyền biển đảo, lòng yêu nước, ý chí quyết tâm giữ nước và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc… do thầy và Đoàn trường phát động xây dựng.

Có thể thấy, việc học và làm theo Bác đã thật sự lan tỏa trong toàn ngành Giáo dục, góp phần xây dựng nên những hình mẫu đầy chuẩn mực về người giáo viên Nhân dân, vì Nhân dân mà phụng sự.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.