Giáo dục - Học Đường

Trường mẫu giáo Vĩnh Phú Tây: Tích cực xây dựng môi trường giáo dục để trẻ phát triển toàn diện

Thứ Bảy, 27/06/2020 | 16:56

Cơ sở vật chất đạt chuẩn của Trường mẫu giáo Vĩnh Phú Tây.

Trường mẫu giáo Vĩnh Phú Tây (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) có tổng diện tích sử dụng trên 2.217m2. Với diện tích rộng, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hợp lý, các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động, đảm bảo an toàn cho trẻ cả 2 yếu tố môi trường vật chất trong và ngoài lớp. Đây cũng chính là đơn vị được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2019. Đó là nền tảng để tập thể nhà trường phấn đấu, nỗ lực thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” trong thời gian qua.

Cô Nguyễn Thị Nhãn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Việc đáp ứng các yêu cầu chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là cần thiết và rất quan trọng. Nó được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động. Thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện, phù hợp với phương châm của Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo: “Học bằng chơi, chơi mà học”. Vì vậy, xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1 trường tiểu học. Với những lợi ích như thế nên nhiều năm qua tập thể đơn vị đã nỗ lực hết mình để thực hiện có hiệu quả chuyên đề trên nhằm tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện”.

Giờ hoạt động, trãi nghiệm của trẻ. Ảnh: C.K

Theo đó, đối với môi trường vật chất cho trẻ hoạt động trong lớp, trường có các phòng nhóm, lớp đảm bảo yêu cầu về diện tích sử dụng, sắp xếp không gian hợp lý, thẩm mỹ, thân thiện.

Một ngày của trẻ ở trường được bắt đầu từ khi giáo viên đón trẻ. Giáo viên trao đổi với phụ huynh về sức khỏe của trẻ. Sau đó, cô và trò cùng tập thể dục buổi sáng là công việc của các cháu khi đến trường mầm non mà đang còn trong cơn buồn ngủ, đầu óc chưa tỉnh táo. Những động tác vận động vui nhộn sẽ khiến cơ thể tăng cường sức lực, tạo ra nguồn năng lượng để hoạt động cho một ngày dài. Bé hết buồn ngủ, tinh thần tỉnh táo, bắt đầu một ngày với nhiều năng lượng tích cực hơn.

Giáo viên tổ chức cho trẻ tham gia các lĩnh vực như: làm quen với hình học chắp ghép các hình để tạo hình mới. Từ đó trẻ phát huy tính tích cực, chủ động giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Qua truyện kể, trẻ được đóng kịch phát triển ngôn ngữ qua lời thoại nhân vật, kể chuyện sáng tạo phát triển ngôn ngữ từng độ tuổi… Trong các hoạt động, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở, tạo cơ hội, tình huống cho trẻ tham gia vào hoạt động.

Tăng cường cho trẻ hoạt động nhóm, trao đổi hợp tác với các bạn như: Trẻ làm quen với số lượng đếm đến 10, đếm theo khả năng, nhận biết, tạo chữ cái bằng các nét rời, nhận dạng phát âm chữ cái rõ ràng, chính xác. Hoạt động học đan xen giữa học và chơi: Học qua trải nghiệm giúp trẻ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng và hình thành thái độ đối với sự vật, hiện tượng và mọi người xung quanh. Vì vậy, khi tổ chức hoạt động học theo hướng trải nghiệm, giáo viên xác định mục tiêu cụ thể về đối tượng trải nghiệm, khả năng thực hiện hoạt động của trẻ và cảm xúc, tình cảm của trẻ được hình thành sau khi tham gia hoạt động học theo hướng trải nghiệm đồ vật.

Môi trường xã hội hỗ trợ kích thích cho trẻ học bằng chơi, chơi mà học. Tạo không khí giao tiếp tích cực, hứng thú cho trẻ hoạt động, hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ, và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo, trẻ luôn được tôn trọng, khuyến khích và hỗ trợ sự phát triển. Trẻ được trải nghiệm, được khám phá, được chơi các trò chơi dân gian như: mèo đuổi chuột, nu na nu nống, dung dăng dung dẻ.

Khu vui chơi với cát, nước, sỏi: trẻ được tiếp xúc với cát, nước, chơi các trò chơi câu cá, thả vật chìm nổi, đúc xây nhà, in hình các kiểu đồ chơi trên cát, sỏi… Trẻ còn được khám phá về sự kỳ diệu của nước như nước chảy, đong, đo, đếm số lượng nước…

Tham gia “Vườn ươm của bé”, trẻ được làm thí nghiệm, được khám phá thiên nhiên, khám phá nhiều kiến thức. Giáo viên chuẩn bị các dụng cụ chăm sóc cây, những chậu nhỏ để trẻ gieo hạt, hạt đang từng ngày nảy mầm, trẻ được quan sát, theo dõi sự phát triển của cây từ hạt, cách chăm sóc, tưới nước cho cây hằng ngày.

Đặc biệt, để xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, phải nói đến sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn xã đã đóng góp các nguyên vật liệu để các cô giáo làm đồ dùng, đồ chơi cũng như tạo môi trường cho trẻ hoạt động, góp phần làm nên thành công trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Hiệu quả của chuyên đề có thể nhận thấy rõ qua những thay đổi của trẻ: các cháu rất hứng thú hoạt động và hoạt động có hiệu quả rõ rệt, hình thành các kỹ năng tốt, trẻ hoạt động tích cực, đảm bảo “học bằng chơi, chơi bằng học”. Đối với cha mẹ trẻ, qua phong trào, cha mẹ trẻ nhận thấy rõ hơn sự quan tâm của cô giáo đối với trẻ; nhận thấy tầm quan trọng của ngành học, sự tiến bộ của trẻ qua các hoạt động để từ đó có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đối với giáo viên, qua việc thực hiện phong trào, tất cả các giáo viên trong toàn trường được tham quan và học hỏi lẫn nhau về việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, các giáo viên có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trang trí, làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ các hoạt động của trẻ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Những thành quả trên chính là nền tảng để tập thể nhà trường tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm” trong các năm học tiếp theo.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.