Giáo dục - Học Đường

“Vùng trũng” giáo dục

Thứ Tư, 07/08/2019 | 14:20

Cái “vùng trũng” giáo dục được nhắc đến ở đây là vùng ĐBSCL (tất nhiên có cả tỉnh Bạc Liêu). Trong hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục ĐBSCL được tổ chức tại TP. Cần Thơ hồi tháng 5/2019 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, đã khái quát khá toàn diện về “vùng trũng”. Dù không quá bất ngờ nhưng những con số hội nghị đưa ra vẫn làm xót xa, day dứt (có lẽ vì tôi là đứa con của quê hương “vùng trũng”)…

Tạo điều kiện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa đến trường là nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

ĐBSCL có đến trên 21 triệu dân (chính xác theo số liệu thống kê mới nhất là 21 triệu 490 ngàn người). Nơi đóng góp 17% GDP, 92% sản lượng lương thực cho cả nước, 66% sản lượng thủy sản… nhưng lại có 10% dân số mù chữ và tái mù chữ. Rồi 80% lao động chưa qua đào tạo - đây là nghịch lý khó chấp nhận nhưng lại tồn tại nhiều năm rồi. Chưa hết, tỷ lệ sinh viên đại học và sau đại học chỉ chiếm hơn 4% dân số trong độ tuổi 20 - 24. Tính theo tỷ lệ dân số thì chỉ có 190 sinh viên/vạn dân, trong khi bình quân cả nước là 240 sinh viên/vạn dân. Cũng như vậy, ĐBSCL chỉ có 4,8 bác sĩ/vạn dân - bình quân cả nước là 7,5 bác sĩ/vạn dân.

Bậc THPT, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi là dưới 50% (bình quân cả nước là 60%), mà tỷ lệ bỏ học lại nằm trong tốp cao. Các bậc học khác cũng tương tự. Rồi việc thiếu trường, thiếu lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên… cũng luôn đứng đầu bảng. Theo số liệu thống kê, phân tích từ nhiều phía, cho thấy “Giáo dục ĐBSCL đi chậm hơn 42 năm so với mặt bằng chung giáo dục cả nước”. Đây quả là những con số “lạc hậu” không khỏi giật mình?!

Do lĩnh vực giáo dục kém phát triển nên nguồn nhân lực ĐBSCL cũng chưa có chất lượng cao - thực chất là còn ở mức rất thấp - đại đa số nông dân hầu như chưa qua đào tạo, mà nông dân là lực lượng chính, phân bố khắp ĐBSCL…

Nguyên nhân dẫn đến “vùng trũng” giáo dục ĐBSCL đầu tiên phải kể đến là việc đầu tư cho giáo dục. Một kiểu đầu tư “nhỏ giọt” trong thời gian dài. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016, chi ngân sách địa phương cho giáo dục mầm non và phổ thông chỉ chiếm 15,9% so với cả nước - trong khi ĐBSCL có tổng số học sinh chiếm đến 17,9% cả nước (cả nước chi 155.000 tỷ đồng thì ĐBSCL chỉ trên 24.000 tỷ đồng - bình quân chi cho một học sinh mầm non và phổ thông ở ĐBSCL là 7,3 triệu đồng so với 8,3 triệu đồng bình quân của cả nước).

“Vùng trũng” còn thể hiện ở tỷ lệ phòng học. Phòng học kiên cố tính bình quân cũng thấp nhất cả nước. Hiện tại riêng giáo dục mầm non cần 2.400 phòng, cần cải tạo 2.100 phòng để có điều kiện phòng học ngang bằng với cả nước. Tương tự, bậc tiểu học cũng cần đầu tư mới gần 1.000 phòng, cải tạo 4.300 phòng, rồi bậc THCS, THPT cũng cần đầu tư và cải tạo, mới đủ điều kiện, đủ chuẩn…

Tuy nhiên, đây chỉ là nguyên nhân khách quan. Còn một nguyên nhân sâu xa dẫn đến “vùng trũng” giáo dục của ĐBSCL mà ít người nói đến, ngại nói đến. Đó là ý thức của chính con người đồng bằng (xin lỗi, tôi không “quơ đũa cả nắm”, chỉ xin nói đến một bộ phận người dân - trong đó có tôi). Đó là tâm lý chủ quan, dựa dẫm, ỷ lại - trước hết là ỷ lại vào thiên nhiên trù phú một thời của ĐBSCL. Hình ảnh ruộng đồng mênh mông, cò bay thẳng cánh, sản vật đầy đồng, “làm chơi ăn thiệt”… đã làm con người ta… lười suy nghĩ, không cần tìm kế mưu sinh vẫn sống đầy đủ, đã tác động trực tiếp vào ý thức con người một thời khá dài. Và ý thức đó được “gìn giữ”, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lâu dần thành nếp nghĩ chung, thành tập quán vùng, miền.

Bên cạnh đó, còn có sự tồn tại ý thức phong kiến (trọng nam, khinh nữ) đã ăn sâu, “chung sống” tự nhiên trong nhiều gia đình - nhất là các gia đình nông thôn. “Con gái biết chữ chỉ để viết thư cho trai”, “học nhiều chỉ để chửi cha mắng mẹ”, hay “đong gạo bằng lon, có ai đong gạo bằng chữ”… Những suy nghĩ đó, tôi được nghe, được chứng kiến khá nhiều của một thời chưa xa lắm ở nông thôn Nam bộ. Thậm chí có nhiều làng, nhiều xóm vẫn khư khư “giữ quan điểm” thay vì cho con đi học thì để chúng đi lao động sớm vừa “tự lập” bản thân, vừa giúp ích gia đình. Chính tư tưởng đó ăn sâu trong mỗi ngôi nhà, rồi lan ra cả cộng đồng thành tâm lý, ý thức vùng miền… Chính quyền nhiều nơi xem đó là chuyện bình thường, “không gì áp lực” nên cũng… làm ngơ (có cả nhận thức chưa tới nơi tới chốn) để kết cục giáo dục ĐBSCL trở thành “vùng trũng” như hôm nay!

Ngày khai giảng năm học 2018 - 2019 ở Trường THPT Chuyên Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Rồi khi thiên nhiên không còn ưu đãi, tài nguyên cạn kiệt, việc “làm chơi ăn thiệt” không còn, người ta mới dần nhận ra giá trị của tri thức… thì lại gặp sự “cản trở” khác. Mà sự cản trở đầu tiên chính là những suy nghĩ “lạc hậu, bảo thủ” của một thời không thiết đến giáo dục hãy còn… dư âm. Mặt khác, đặc điểm vùng miền, đặc thù sông nước cũng góp phần làm “hạn chế tầm nhìn… đến trường, đến lớp”. Xa hơn một chút là học phí cao, quá sức con nhà nghèo, nhưng khi học xong ra trường, việc làm không có, lại một lần nữa hao sức, hao của (phần lớn là vay mượn). Những hình ảnh cụ thể đó tác động, “phản chiếu” vào ý thức bao gia đình… làm chùn ý chí học tập của nhiều thế hệ. Đó là điều có thật. Thiết nghĩ đây là những nguyên nhân không thể không nhìn nhận nghiêm túc khi ĐBSCL là “vùng trũng” giáo dục”?!

Đó là chuyện “xưa xưa” rồi, giờ đây ĐBSCL đã có bước đổi khác (cả ý thức, nhận thức, suy nghĩ) theo hướng tiến bộ, tích cực hơn, đủ sức hòa nhập với các vùng, miền. Giá trị của tri thức được đề cao. Ai cũng nhận ra chỉ có kiến thức mới có thể giúp cho đời, cho mình, cho xã hội…

Nhưng thực tế trong hiện tại dù đã tránh khỏi “trũng sâu” nhưng ĐBSCL vẫn còn “vùng trũng” giáo dục - đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục ĐBSCL hồi tháng 5/2019 như đã nói ở phần đầu.

Xác định đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân (cả khách quan, cả chủ quan), đánh giá được tiềm năng (ý thức, tập quán, nhân lực), có giải pháp tháo gỡ…, chúng ta có quyền đặt niềm tin vào sự bứt phá vươn lên để ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục.

Nhân năm học mới sắp bắt đầu - mấy dòng suy ngẫm này là một sự nhắc nhớ, động viên, cùng hành động để chiếm lấy tri thức - một thứ tài sản quý giá nhất cho mỗi con người!

NGUYỄN DUY HOÀNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.