HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú

Thứ Tư, 21/10/2020 | 16:52

Toàn cảnh phiên thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

(BL-KP) Ngày 21/10/2020, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) và nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ông Nguyễn Huy Thái, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu chủ trì thảo luận tại điểm cầu Bạc Liêu.

Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu đều cho rằng, việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Các ý kiến đóng góp liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cư trú, nơi tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú; điều khoản thi hành của luật. Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó là đề xuất về việc tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu đến hết năm 2022.

Ông Nguyễn Huy Thái, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: K.P

Đóng góp cụ thể vào Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu có 3 ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật. Một là thống nhất tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng thời, đề nghị có một nội dung ghi rõ, Luật này qui định cho lực lượng Biên phòng hay cho việc phòng thủ biên giới. Hai là đề nghị làm rõ cụm từ “khu vực biên giới” ở Luật Biên phòng Việt Nam có khác so với cụm từ “khu vực biên giới”“khu vực biên giới trên đất liền”, qui định tại Điều 6, Luật Biên giới quốc gia. Cần giải thích rõ từ ngữ liên quan, xác định rõ phạm vi hoạt động của lực lượng Bộ đội biên phòng, Công an nhân dân trong hoạt động biên phòng ở khu vực biên giới, tới đây sẽ thực hiện theo Luật Biên giới quốc gia, hay theo Luật Biên phòng Việt Nam. Ba là chế định “chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu của Bộ đội biên phòng”. Về chế định này, Đại biểu còn băn khoăn với nội dung tiếp thu, giải tình liên quan đến sự phân định Công an nhân dân hay Bộ đội Biên phòng là đơn vị nòng cốt, chủ trì quản lí và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Thực tế cho thấy, giữa Bộ đội Biên phòng và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn nội dung này.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.