Hương vị quê nhà
Cây nêu ngày Tết!
Hôm nay, ngày hạ nêu - mùng 7 Tết! Có nghĩa đã hết Tết! Đó là theo tục lệ xưa. Ngày nay, người ta thường chỉ nói “ba ngày Tết”, số từ “3” ở đây không mang nghĩa rộng là nhiều mà có nghĩa cụ thể là 3 đơn vị. Nghĩa là qua mùng 4 thì không còn Tết nữa. Nhiều ngành nghề không còn nghỉ Tết mà đã khai trương. Nhưng riêng năm nay, đối với công sở, “Tết” kéo dài đến mùng 8 vì ngày này là ngày chủ nhật và cán bộ, công chức được nghỉ liên tiếp đến… 9 ngày!
Thật ra, việc trồng cây nêu (lên nêu, dựng nêu) rồi hạ nêu là tục lệ ngày nay hầu như không còn được lưu truyền rộng rãi ở ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng, có chăng chỉ một số gia đình ở nông thôn hoặc ở kẻ chợ nhưng thuộc gia đình còn người già.
Xuất phát từ Trung Quốc nhưng khi sang Việt Nam, tục đã có những biến đổi mang đặc điểm riêng của người Việt, nổi bật nhất là sử dụng cây tre để “trồng” nêu.
Trong lễ vật treo trên đầu ngọn nêu, tùy theo phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng đa số đều có lá bùa “tứ tung ngũ hoành” (có nơi gọi tắt là “tứ tung”). Tương truyền, đó là bùa của Thái thượng lão quân cho nhân gian nhằm xua đuổi tà ma. Yêu cầu của lá bùa này là gia chủ phải tự “vẽ”, nếu mua hoặc “xin chữ” thì không “linh”. Ở góc độ tâm lý, đây là lá bùa luyện chữ nhẫn cho người viết. Bởi cách “vẽ” có đặc điểm là khi viết phải nín hơi từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt. Bắt đầu vẽ 4 đường thẳng dọc (tứ tung) song song và nối liền nhau trước (từ góc trên bên phải tờ giấy), sau đó tiếp tục vẽ 5 đường thẳng ngang (ngũ hoành) song song nhau. Chỉ có người quen tay mới vẽ nhanh được. Nhưng do… một năm chỉ “vẽ” một lần nên người viết cũng khá lúng túng, phải khá chăm chú và mất cũng khoảng một vài phút. Đó chính là thời gian người “vẽ” phải nín hơi. Đây là một cách cho con người luyện sự nhẫn nại, trầm tĩnh - một đức tính không thể thiếu trong giao tiếp cộng đồng, gia đình.
Trong lễ vật treo nêu, có 3 món không thể thiếu là trầu, cau, vôi, cho dù có nơi thì têm trầu, bổ cau, có nơi để nguyên lá trầu, trái cau. Khỏi nói chắc nhiều người đều biết đó là một cách khẳng định chủ gia là người Việt Nam. Bởi tục ăn trầu là tục của người Việt Nam. Đó chính là một sự biểu thị tinh thần dân tộc.
Ngày nay, do tục trồng nêu không còn phổ biến nữa nhưng tinh thần dân tộc được biểu hiện dưới hình thức khác. Đó là treo cờ Tổ quốc trong những ngày Tết. Và có sự trùng hợp khi màu cờ và màu lá bùa “tứ tung ngũ hoành” giống nhau (cùng màu đỏ).
T.C
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới