Khoa học - Công nghệ

Xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn: Cần nhân rộng những mô hình hay

Thứ Sáu, 26/07/2019 | 15:56

Một trong những bất cập ở các vùng nông thôn hiện nay là việc xử lý rác thải. Tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường khá phổ biến, nhất là những khu vực chưa có các tổ thu gom và xử lý rác.

Sở TN&MT tặng thùng rác và thùng ủ phân compost cho các xã của huyện Vĩnh Lợi.

Huyện Phước Long gắn biển cấm đổ rác và ghi mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Ảnh: L.D

Khó thu gom rác thải!

Đến nay vẫn chưa có một thống kê đầy đủ về lượng rác được thải ra ở vùng nông thôn, vì phần lớn việc xử lý rác thải chủ yếu dựa vào ý thức của người dân với nhiều cách xử lý khác nhau. Có hộ xử lý rác bằng hình thức đào hố chôn hoặc đốt, nhưng phần lớn là xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc làm thiếu ý thức này không chỉ tác động xấu đến môi trường, mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển bền vững trong tương lai (như việc vứt các chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí).

Ở nhiều địa phương, những bãi rác tự phát thay nhau mọc lên ở ven đường, rồi nhiều tuyến kênh thủy lợi, thậm chí cả những đoạn sông kéo dài hàng chục cây số đều ngập rác. Đơn cử như tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn từ Xóm Lung đến phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) rác vương vãi khắp nơi. Thế nhưng, vấn nạn trên vẫn chưa được địa phương quan tâm xử lý, trong khi ở khu vực này dựng lên một pa-nô lớn với dòng chữ “Tuyến sông văn hóa”!? Ngay ở những xã được công nhận nông thôn mới cũng nhan nhản tình trạng rác thải vứt bừa bãi.

Hiện nay, nhiều địa phương đã thành lập Trung tâm Dịch vụ đô thị để thu gom và xử lý rác thải. Thế nhưng, việc thu gom chỉ thực hiện ở các trung tâm thương mại, các tuyến đường chính của thị trấn, còn các xã vùng ven thì rất khó, nhất là các khu dân cư nằm sâu trong các lộ giao thông chính. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư từ ngân sách và thu phí vệ sinh từ các địa phương chưa đủ bù chi cho hoạt động này. Bởi hiện nay chỉ thu 20.000 đồng/hộ/tháng, nhưng nhiều hộ ở vùng nông thôn lại không chịu đóng!?…

Ô nhiễm môi trường chính là một trong những thách thức cho phát triển bền vững ở vùng nông thôn. Bởi, ngoài rác thải sinh hoạt, còn có khối lượng lớn rác thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, làng nghề và cả các cơ sở thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

Nhiều mô hình hay

Huyện Phước Long là địa phương có nhiều mô hình hay trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp; đồng thời xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, Huyện ủy Phước Long đã ban hành Công văn số 638-CV/HU và chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác này, đồng thời chọn năm 2019 là Năm vì môi trường. Huyện ủy yêu cầu các đảng bộ, tổ chức, đoàn thể, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đó là tập trung xóa cầu tiêu trên các ao, đìa, kênh rạch và xây dựng cầu vệ sinh đúng chuẩn; phát quang bụi rậm, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, trồng hoa kiểng hai bên đường giao thông; thành lập các tổ thu gom, xử lý rác thải…

Bên cạnh tuyên dương, khuyến khích xây dựng các tuyến đường hoa, huyện Phước Long còn áp dụng hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về gây ô nhiễm môi trường nông thôn; khuyến khích xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình hay. Đơn cử như mô hình thu gom túi nylon của Hội LHPN huyện vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo thêm thu nhập cho chị em từ việc bán túi nylon cho các cơ sở thu mua phế liệu… Hay phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường hàng tuần, trồng hoa kiểng của Hội Nông dân, Huyện đoàn…

Cùng với huyện Phước Long, thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) cũng phát động nhiều phong trào và xây dựng, chuyển giao nhiều mô hình bảo vệ môi trường nông thôn gắn với nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình là mô hình thu gom rác thải hữu cơ ủ thành phân (bằng thùng ủ phân compost) phục vụ sản xuất rau màu. Đến nay, Sở TN&MT đã đầu tư hơn 2.500 thùng ủ phân compost và tặng 260 thùng đựng rác thải cho người dân; xây 230 hố thu gom thuốc bảo vệ thực vật ở các vùng chuyên lúa và xử lý 1.800 bao đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng…

Để giữ gìn và hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, khắc phục tình trạng ô nhiễm cục bộ, cùng với sự nỗ lực của các địa phương, ngành TN&MT tỉnh cần tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, khoa học - công nghệ trong việc thu gom, xử lý rác thải. Đồng thời có hình thức xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là các nhà máy, cơ sở chế biến hàng nông, lâm, thủy sản.

Thanh Thảo

-----------------------------------------------

Tại hội nghị G7 vừa qua, Việt Nam một lần nữa khẳng định quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Rác thải nhựa đã và đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Theo đó đến năm 2020, sẽ giảm 65% số lượng túi nylon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.

Lâu nay, thói quen sử dụng túi nylon, nhựa dùng một lần khá phổ biến, nhưng ít ai ngờ nó lại là tác nhân đẩy môi trường đứng trước thảm họa ô nhiễm. Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói.

Đối với Việt Nam, việc nhập khẩu phế liệu nhựa đã từng bước được kiểm soát. Từ năm 2016 - 2018, Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu nhựa cho 37 doanh nghiệp làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vẫn tăng hàng năm (năm 2016 là 18,548 tấn và năm 2017 là 90,839 tấn).

Theo tính toán, nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.