Bạc Liêu Muốn làm giàu từ biển

Thứ Tư, 20/05/2020 | 16:28

Kinh tế biển là một trong 5 trụ cột được Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XV) xác định để thúc đẩy kinh tế địa phương. Nhằm hiện thực hóa “trụ cột thứ 5”, cũng như để kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13 về phát triển kinh tế biển Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

>> Bài 2: Vẫn còn nhiều thách thức

Bài cuối: Giải pháp chiến lược trong phát triển kinh tế biển

Để kinh tế biển trở thành trụ cột chính, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, Bạc Liêu sẽ tập trung nhiều giải pháp để tháo gỡ “điểm nghẽn”, nhằm tạo sự bứt phá về khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý các vùng biển, ven biển trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm hỏi, động viên các công nhân đang thi công công trình điện gió Đông Hải 1 trên biển. Ảnh: M.Đ

KÊU GỌI ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN CHỦ LỰC

Trong quá trình phát triển, vấn đề khai thác tổng hợp kinh tế biển là một yêu cầu vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, hoạt động này của tỉnh trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế nên hiệu quả kinh tế từ biển mang lại chưa nhiều. Do đó, để phát triển kinh tế biển bền vững, Bạc Liêu ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển chủ lực dựa trên cách tiếp cận dài hạn, bền vững và đồng bộ, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cho biết, định hướng phát triển kinh tế biển trong những năm tới của tỉnh tập trung vào 3 lĩnh vực, đó là nông nghiệp (trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), công nghiệp (năng lượng tái tạo, điện gió, điện khí, điện mặt trời) và du lịch biển. Trong đó, nông nghiệp sẽ tập trung vùng Nam Quốc lộ 1A và chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả. Theo đó, xây dựng khu, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh theo quy hoạch, cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở chế biến thủy sản đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng hiện đại, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất.

Về khai thác, đánh bắt thủy hải sản, tỉnh đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề nghiệp hợp lý khai thác vùng lộng; tăng năng lực khai thác vùng khơi, ứng dụng công nghệ cao, phát triển số lượng tàu có công suất lớn đánh bắt dài ngày và các vùng biển sâu, biển xa. Hiện đại hóa công tác nghề cá trên biển, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể (tổ, đội khai thác hải sản) kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển, xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương. Mặt khác, tỉnh sẽ đầu tư khu neo đậu kết hợp cảng cá Nhà Mát, Cái Cùng, khu neo đậu tránh trú bão tại đảo Hòn Trứng.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu mời gọi đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực ven biển và tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III và các dự án điện gió, điện mặt trời vùng ven biển. Ưu tiên hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí và điện sinh khối. Phấn đấu đến năm 2025 tổng công suất của các nguồn điện đạt khoảng 3.028,6MW và đến năm 2030 khoảng 9.779,8MW.

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch của tỉnh, đặc biệt là phát triển tuyến du lịch biển từ TP. Bạc Liêu đi Hòn Trứng đến Côn Đảo và đầu tư phát triển đường thủy nội địa, cảng nước sâu kết nối với các cảng Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, các khu kinh tế biển của khu vực miền Nam, hình thành cảng trung chuyển ven biển trong và ngoài nước, phát triển du lịch cao cấp tại các đảo nhỏ ven biển trong vùng, khu vực.

PHÁT TRIỂN GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, bên cạnh việc phát triển các ngành kinh tế chủ lực, tỉnh còn quan tâm thực hiện song song với các giải pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể là rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trọng tâm là lập quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường và thực hiện việc thu gom, xử lý. Xây dựng, củng cố lực lượng, hệ thống trang thiết bị quan trắc, giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển, quản lý rác thải trên biển, nhất là rác thải nhựa để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển. Hơn hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường theo quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhanh, thiếu bền vững.

Để phát huy những thế mạnh từ biển mang lại, đồng thời từng bước giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường biển, Bạc Liêu còn nghiên cứu và triển khai các chương trình phát triển hài hòa trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm thực mặn diễn ra ngày càng gay gắt. Đồng thời, tăng cường năng lực và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng an ninh, quốc phòng và chấp pháp trên biển, bao gồm: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... để giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh trên biển, trật tự an toàn xã hội khu vực ven biển, đặc biệt là các khu đô thị, khu kinh tế ven biển, đảo.

Từ góc độ chuyên gia, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ, cho rằng các địa phương ven biển (trong đó có tỉnh Bạc Liêu) cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tránh việc khai thác quá ngưỡng chịu đựng làm suy thoái môi trường và hệ sinh thái trong điều kiện đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, phát triển kinh tế biển theo hướng vươn xa hơn ra Biển Đông chứ không chỉ quanh quẩn trong đất liền và vùng ven biển để tránh tình trạng khai thác triệt để, vắt kiệt tài nguyên biển. Khai thác gắn liền với bảo vệ, tái tạo môi trường sinh học, có như vậy mới đảm bảo tính phát triển bền vững, lâu dài từ biển.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng tư duy, cách nhìn mới, sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tin rằng trong tương lai không xa Bạc Liêu sẽ thực hiện được khát vọng trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, góp phần đưa tỉnh nhà “cất cánh” vươn xa.

M.ĐẠT - H.LAM

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương: Bạc Liêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh từ biển và giàu từ biển. Mà muốn mạnh từ biển thì phải giữ vững quốc phòng - an ninh, muốn giàu từ biển phải phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển là một trong 5 trụ cột tỉnh xác định đẩy mạnh thực hiện. Kinh tế biển có vai trò quan trọng là trụ cột chính để thúc đẩy các lĩnh vực còn lại phát triển như thương mại, dịch vụ…

Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển về năng lượng tái tạo. Khi các dự án điện gió, điện khí lớn, nhỏ hoàn thành trong 5 - 10 năm thì Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.

 

 

 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.