Bạc Liêu: Tích cực thực hiện Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Thứ Sáu, 31/05/2019 | 15:11

Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, hình thành văn hóa sinh thái biển và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng thời, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực…

 Lễ khởi công xây dựng Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

ĐỘT PHÁ TỪ BIỂN

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải cơ bản được bảo đảm; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được triển khai chủ động, toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện…

Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn nhiều bất cập. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra chưa đạt được; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển; vùng ven biển với vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả…

Do vậy, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp chiến lược để Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương…

Trong đó, tập trung vào nhiều đột phá như: Phát triển bền vững kinh tế biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam; Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá…

Ngư dân TP. Bạc Liêu đầu tư ngư lưới cụ cho đánh bắt xa bờ. Ảnh: L.D

QUYẾT TÂM LÀM GIÀU TỪ BIỂN

Tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển; thời gian qua Bạc Liêu đã huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế biển và trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo “hướng về biển và làm giàu từ biển” được xác định là khâu đột phá trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thì có đến 4 trụ cột gắn với phát triển kinh tế biển, ven biển. Đó là khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng tái tạo, điện khí; phát triển du lịch văn hóa và sinh thái biển; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Để cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược trên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể như: Kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; Tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đưa vào hoạt động ổn định năm 2020; số phương tiện tàu cá đến năm 2025 đạt 1.230 chiếc (tàu khai thác xa bờ 820 chiếc); đến năm 2030 đạt 1.280 chiếc (tàu khai thác xa bờ 850 chiếc). Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 378.700 tấn, đến năm 2030 đạt 474.500 tấn. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 đạt 1,8 tỷ USD; Phấn đấu đến năm 2025 có tổng công suất điện gió 1.500MW, điện mặt trời 500MW, điện khí 1.500MW; đến năm 2030 có tổng công suất điện gió 2.500MW, điện mặt trời 1.000MW, điện khí 3.200MW…

Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu sẽ tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường đầu tư và thu hút nhiều dự án động lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xem đây là khâu đột phá. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường theo quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nhanh, thiếu bền vững. Phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường, xử lý tốt các điểm ô nhiễm môi trường cục bộ ven biển (đặc biệt là các giải pháp bảo vệ môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung, nuôi tôm công nghệ cao); bảo vệ các hệ sinh thái, phục hồi tái sinh rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn có khả năng gây ô nhiễm môi trường lớn trên biển. Tăng cường công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, xây dựng cơ sở dữ liệu về biển hiện đại, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường biển. Đồng thời lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có những phương án, giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; bảo đảm việc đầu tư phát triển các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội phải góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh…

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.