Cần phát huy thế mạnh từ công nghiệp chế biến

Thứ Tư, 29/05/2019 | 15:29

Năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.550 tỷ đồng và đạt tốc độ tăng trưởng 18%/năm.

Công nhân Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Tomking (TP. Bạc Liêu) đóng gói sản phẩm. Ảnh: L.D

Qua gần 9 năm thực hiện Nghị quyết số 03, sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc; giá trị sản xuất CN-TTCN đều tăng theo hàng năm; sản phẩm CN-TTC bước đầu tạo ra khả năng cạnh tranh và có những sản phẩm mới, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo và chế biến hàng thủy sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, lĩnh vực CN-TTCN trong thời gian qua vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế vốn có. Phần lớn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chưa tạo nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thương hiệu và thị trường lớn. Công nghiệp chế biến còn bỏ ngỏ, thiếu sự quan tâm đầu tư, phần lớn hoạt động tự phát.

Với thế mạnh của một tỉnh thuần nông, việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến không chỉ góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, mà còn tận dụng các phế phẩm từ sản xuất trở thành nguồn tài nguyên mang lại giá trị, lợi nhuận cao. Cụ thể, ở Bạc Liêu, ngoài chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu thì các mặt hàng thủy sản khác vẫn chưa đưa vào chế biến xuất khẩu. Phần lớn thủy hải sản đánh bắt, ngư dân bán cho các tỉnh, thành phố khác để chế biến. Đơn cử như như cá nục, cá thu thì xuất đi miền Trung để doanh nghiệp chế biến cá hộp; mực, cá dù chẻm, cá chim thì bán ở Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh để doanh nghiệp đóng gói xuất khẩu…

Thời gian qua, một số doanh nghiệp kinh doanh hàng thủy sản của tỉnh đã chuyển đổi mô hình sản xuất từ cung cấp nguyên liệu sang chế biến đóng gói và mang lại lợi nhuận khá cao. Điển hình như DNTN Đức Lợi (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) đã xây dựng nhà máy chế biến cá biển với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng. Tuy mới đưa vào sản xuất, nhưng mỗi tháng doanh nghiệp này đã chế biến hàng trăm tấn thủy sản các loại (như cá biển, mực, ruốc, tôm biển…) để xuất khẩu; cung cấp cho thị trường nội địa hơn 2.000 tấn sản phẩm/tháng. Thiết nghĩ, nếu Bạc Liêu xây dựng nhiều nhà máy chế biến thì nguồn lợi mang lại từ biển sẽ được phát huy và giá trị kinh tế mang lại là không nhỏ.

Bên cạnh chế biến các mặt hàng khai thác từ biển, nếu xây dựng kế hoạch hay chiến lược phát triển công nghiệp chế biến còn tác động tích cực đến thế mạnh kinh tế của tỉnh là con tôm. Bởi, Bạc Liêu đã và đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp về nuôi tôm, song, hơn 90% thức ăn, thuốc thú y thủy sản đều phải nhập từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh và nước ngoài!

Thực tiễn trên cho thấy, việc quan tâm đầu tư và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Việc làm này tác động tích cực đến phát triển sản xuất và làm phong phú thêm thị trường hàng hóa, Bạc Liêu sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ cho phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ; và hơn cả là khai thác, phát huy tốt các nguồn lợi. Đồng thời không ngừng tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng và hình thành các mô hình sản xuất liên kết chuỗi, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy hải sản. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi “trụ cột thứ 5” của tỉnh về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.