Đầu tư hạ tầng nghề biển: Vì sự phát triển bền vững của khai thác thủy sản

Thứ Hai, 11/12/2023 | 17:00

Xác định kinh tế biển là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm gần đây Bạc Liêu đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nghề biển. Không những nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản mà hạ tầng nghề biển hiện đại, đồng bộ còn góp phần bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền trong quá trình khai thác trên biển.

Cảng cá Gành Hào đang được đầu tư xây dựng để trở thành cảng cá loại 1, đáp ứng ngày càng tốt hơn dịch vụ hậu cần nghề biển.

NÂNG CẤP CÁC CẢNG CÁ 

Cùng với sự phát triển về số lượng và cơ cấu tàu thuyền, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá tại Bạc Liêu những năm qua cũng được chú trọng đầu tư. Qua đó góp phần phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, tạo thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo quê hương.

Để nâng cao hiệu quả cho hoạt động khai thác, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và các địa phương khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thu mua hải sản, cung ứng nguyên - nhiên liệu, ngư lưới cụ... để hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, quan tâm nâng cấp, nạo vét các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tạo thuận lợi cho các tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão an toàn. Đến nay, Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) cũng như một số cảng cá khác trên địa bàn tỉnh như Cảng cá Nhà Mát, cửa biển Cái Cùng đã hình thành được hệ thống dịch vụ, vừa cung cấp vật tư, nhiên liệu vừa thu mua, trung chuyển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân. Bên cạnh đó, nhờ hạ tầng nghề cá được đầu tư nên việc vận chuyển, thu mua các loại hải sản và vận chuyển đến các chợ tiêu thụ cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Tại Cảng cá Gành Hào, để đáp ứng tốt việc xếp dỡ hàng hóa lên xuống tàu, nhiều chủ vựa thu mua hải sản đã đầu tư hệ thống máng trượt, thành lập các đội xếp dỡ, vận chuyển hàng để đáp ứng tốt đội tàu ra vào cảng, hạn chế thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, một số chủ vựa còn tổ chức các tổ, đội thu mua thủy sản, đồng thời cung cấp thêm các nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ đội tàu khai thác, đánh bắt dài ngày trên biển. Ngư dân Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Trước đây, muốn ra khơi phải chờ vài ngày mới gom đủ hàng hóa thiết yếu, tích trữ đủ xăng dầu, nước đá…; đã vậy, khi khai thác xong, đưa sản phẩm vào bờ phải đối mặt với việc tìm kiếm đối tác tiêu thụ... Thế nhưng hiện nay, dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây đã được đầu tư khá đồng bộ, ngay sau khi cập cảng đã có thương lái trực tiếp đến bốc hàng đi tiêu thụ. Còn khi muốn vươn khơi tiếp, chúng tôi cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cung cấp xăng dầu, nguyên liệu cần thiết với giá cả phải chăng”.

Được biết, Cảng cá Gành Hào hiện đang được nâng cấp, mở rộng hướng đến đạt tiêu chuẩn cảng cá loại 1, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa thủy hải sản cho tàu thuyền khai thác có công suất đến 600CV và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương. Ngoài Cảng cá Gành Hào, tỉnh còn quy hoạch bến cảng Vĩnh Hậu A với chức năng là bến hàng lỏng/khí phục vụ Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu có thể đón nhận cỡ tàu có trọng tải đến 150.000 tấn và các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão tại khu vực Gành Hào, Vĩnh Hậu cùng các khu vực khác đủ điều kiện. Với lợi thế giáp biển, có đội tàu khá lớn (với hơn 1.000 phương tiện) và nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động chế biến thủy sản, các cảng, bến này tạo ra cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Thực tế cho thấy, so với trước đây, dịch vụ hậu cần nghề cá ở các địa phương ven biển đã có những bước phát triển nhất định. Thế nhưng, để nâng cao giá trị khai thác nguồn lợi hải sản hơn nữa thì công tác hậu cần nghề biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Một trong những điểm nghẽn là tình trạng bồi lắng, xuống cấp của các cảng cá, bến cá ở các địa phương ven biển trong tỉnh cùng với hệ thống luồng, lạch ra vào cảng bị bồi lắng nhưng chưa được quan tâm đầu tư khiến nhiều tàu cá có công suất lớn gặp khó khăn khi ra vào cảng bốc dỡ hải sản.

Ông Đặng Mẫn Tiệp - Phó Giám đốc Cảng cá Gành Hào, cho biết: Để thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tỉnh đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này. Trong đó, tỉnh đang cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để nâng cấp, mở rộng các cảng cá trọng điểm. Việc xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với cảng cá và dịch vụ hậu cần sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao giá trị sản phẩm sau mỗi chuyến đi và thu nhập cho bà con ngư dân”.

Nhân công Cảng cá Gành Hào bốc dỡ các mặt hàng thủy sản sau khi tàu cập bến. Ảnh: C.L

HƯỚNG ĐẾN HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG

Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư, nhưng hạ tầng nghề cá vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc truy xuất nguồn gốc hải sản, chưa đáp ứng các yêu cầu trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bến cá vẫn chưa được quan tâm xử lý triệt để.

Việc hạ tầng vừa thiếu vừa yếu hoặc trong quá trình hoàn thiện dẫn đến các cảng cá và cảng neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nghề cá. Trên thực tế, đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo thuận lợi cho ngư dân, thúc đẩy phát triển nghề cá mà còn giúp công tác quản lý tàu thuyền chặt chẽ, hiệu quả hơn. Do đó, về lâu dài, tỉnh và ngành chức năng cần rà soát và quy hoạch cảng cá, khu neo đậu gắn với đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện có. Tập trung đầu tư các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa... nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch của Chính phủ, hệ thống cảng cá trên địa bàn tỉnh sẽ ưu tiên chú trọng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nghề cá. Đối với ngành Nông nghiệp, sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các cảng cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản, đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, trách nhiệm và bền vững”.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.