Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới

Thứ Sáu, 06/12/2019 | 16:03

Theo ông Đỗ Văn Sơ, Ủy viên Ban Thường vụ Liên minh HTX Việt Nam, phụ trách Cụm Tây Nam sông Hậu: “Trong thời gian tới, Liên minh HTX các tỉnh, thành Tây Nam sông Hậu cần phát huy vai trò kinh tế tập thể, củng cố các HTX, xây dựng các HTX thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm. Liên minh HTX các tỉnh, thành phải thật sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các HTX trong tiêu thụ nông sản. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện HTX tiêu biểu, thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm và làm ăn hiệu quả, vì vậy cần nhân rộng mô hình này”.

Các Liên minh HTX cụm Tây Nam sông Hậu trao đổi kinh nghiệm với HTX Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình).

Doanh nghiệp bao tiêu, thu mua tôm nuôi cho nông dân. Ảnh: M.Đ

Phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) là hướng đi cần thiết để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Để đẩy mạnh phát triển KTHT, THT, HTX, cần nhân rộng các mô hình sản xuất của các THT, HTX làm ăn hiệu quả. Từ đó khuyến khích nông dân liên kết sản xuất, phát triển KTHT trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KTHT, HTX

Trong năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 2 THT, nâng tổng số lên 627 THT với trên 17.000 tổ viên; thành lập mới 26 HTX, nâng tổng số lên 146 HTX với 23.218 xã viên. Song cũng trong năm 2019, có 13 HTX giải thể, xóa tên HTX.

Nhìn chung, hoạt động KTHT vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế vốn có. Nhiều HTX sau khi thành lập chỉ hoạt động tích cực một thời gian rồi đi vào hoạt động cầm chừng, thậm chí giải thể do không thu hút được các thành viên tham gia, sản xuất không hiệu quả, nhất là các THT, HTX trên lĩnh vực nông nghiệp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhận thức về phát triển KTHT, HTX còn hạn chế, nhiều người còn mang nặng tư tưởng vào HTX để hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước; một số HTX không có phương án sản xuất, không có kế hoạch, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, nguồn nhân lực, nhất là hội đồng quản trị, đứng đầu là chủ tịch hội đồng hoặc các tổ trưởng THT, HTX không có trình độ, năng lực quản lý, điều hành (do không có chuyên môn). Các địa phương và người dân hiểu chưa rõ về tầm quan trọng của KTHT, HTX, nhất là HTX kiểu mới, nên chưa mạnh dạn tham gia; nhiều HTX khó tiếp cận vốn tín dụng và chưa xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những THT, HTX hoạt động cầm chừng, vẫn có một số THT, HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả cần được nhân rộng.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH HTX KIỂU MỚI

Thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 theo chủ trương của Trung ương, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này và đạt hiệu quả phấn khởi. Đến nay, tỉnh đã xây dựng 26 mô hình HTX kiểu mới và nhân rộng 4 HTX tiên tiến; có 88 HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm của nông dân.

Cụ thể như HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Cường (gọi tắt là HTX Vĩnh Cường, huyện Hòa Bình) liên kết sản xuất với nông dân trên lĩnh vực lúa, gạo. HTX cung ứng các dịch vụ đầu vào, dịch vụ sau thu hoạch cho nông dân; liên kết với các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con.

Ông Ngô Vĩnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Vĩnh Cường cho biết: “Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, HTX Vĩnh Cường còn đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm cho hơn 5.000ha lúa của nông dân trong và ngoài tỉnh; ký hợp đồng với hơn 10 công ty, doanh nghiệp cung cấp lúa, gạo xuất khẩu. Hướng tới, HTX Vĩnh Cường nhân rộng mô hình sản xuất lúa sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ; thực hiện đóng gói gạo an toàn và xây dựng thương hiệu gạo HTX Vĩnh Cường để xuất khẩu”.

Còn HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu) sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trứng Artemia. HTX thực hiện liên kết sản xuất, hỗ trợ đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% đầu ra sản phẩm cho xã viên. Ngoài ra, HTX còn liên kết hợp tác, hợp đồng bao tiêu sản phẩm trứng Artemia cho 5 HTX khác; đầu tư và thu mua sản phẩm cho các nông hộ tham gia nuôi Artemia. Đồng thời mở rộng sản xuất, đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao không sử dụng kháng sinh, hóa chất, hướng đến xuất khẩu, bước đầu đạt hiệu quả khá cao.

Hiện nay, Bạc Liêu đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, vì vậy tỉnh khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng, thực hiện nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (đạt tiêu chuẩn ASC, Global Gap, Organic...) để xuất khẩu đến các thị trường khó tính. Đồng thời xây dựng Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu hỗ trợ các HTX phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từng bước nhân rộng các THT, HTX làm ăn hiệu quả để tạo sức lan tỏa.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số HTX kiểu mới, tiêu biểu, làm ăn hiệu quả. Các HTX này đều thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ nhân rộng các HTX kiểu mới này để các THT, HTX áp dụng. Qua đó giúp các THT, HTX làm ăn hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KTHT”.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.