Giải ngân vốn đầu tư công: Phải quyết liệt hơn

Thứ Hai, 27/07/2020 | 16:58

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Thủ tướng phê bình các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm nếu để vốn đầu tư công giải ngân không đạt kế hoạch đề ra.

Dự án kè ven sông Bạc Liêu giai đoạn II đến nay thi công vẫn còn ì ạch.

GIẢI NGÂN THẤP VÌ VƯỚNG GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Trong cuộc họp với các ngành, địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chủ trì về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng của năm 2020 cho thấy, tỷ lệ giải ngân đạt thấp và chưa đạt kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 20/7/2020, tổng vốn đã phân bổ hơn 3.714.270 triệu đồng (bao gồm vốn kế hoạch 2019 chuyển sang), nhưng chỉ giải ngân được 1.384.488 triệu đồng, đạt tỷ lệ 37,27%. Trong khi theo chỉ đạo của UBND tỉnh đến hết tháng 6/2020 phải giải ngân đạt 40% kế hoạch và đến tháng 7/2020 là 70% kế hoạch.

Điều đáng nói, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp và chủ động cấp vốn về cho các ngành, địa phương và Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản. Thế nhưng, tỷ lệ giải ngân đến nay đạt rất thấp, trong khi vốn cấp về cho các địa phương khá nhiều và tăng cao so với cùng kỳ. Như địa bàn TP. Bạc Liêu, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2020 trên 292.500 triệu đồng, so với cùng kỳ là 221.587 triệu đồng, tăng hơn 32%. Tuy nhiên, giải ngân đến ngày 30/5/2020 chỉ chiếm 39.942 triệu đồng, đạt 13,65% kế hoạch. 

Theo UBND TP. Bạc Liêu, nguyên nhân giải ngân chậm, ngoài vướng các thủ tục hành chính, còn bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Một số hộ dân bị ảnh hưởng dự án đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bốc thăm nhận nền tái định cư xong, nhưng chưa tự giác bàn giao mặt bằng làm kéo dài thời gian. Thêm vào đó, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã áp giá bồi thường đúng quy định của Nhà nước, nhưng có hộ vẫn yêu cầu nâng giá bồi thường về đất, tài sản trên đất và còn so bì vị trí nền tái định cư…

Song, nhìn một cách tổng thể thì ngoài những nguyên nhân khách quan cũng cần mạnh dạn nhìn nhận rằng, TP. Bạc Liêu vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu trong xử lý các dự án vốn tồn đọng trong nhiều năm qua, công tác GPMB còn thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”! Cụ thể hơn 10 năm qua, Dự án xây dựng đường Hàm Nghi nối dài (Phường 5) năm nào cũng được UBND thành phố đưa vào kế hoạch giải phóng, nhưng đến nay đường vẫn chưa thông gây bức xúc cho nhiều người. Hay Dự án xây dựng kè ven sông Bạc Liêu giai đoạn II, đến nay vẫn được thi công theo tiến độ… rùa?! Ngoài TP. Bạc Liêu, tại TX. Giá Rai, các dự án tỉnh giao làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn được phân bổ là 96 tỷ 685 triệu đồng, nhưng đến tháng 6/2020 chỉ giải ngân được 12 tỷ 052 triệu đồng, đạt 12,47%.

Ngoài ra, Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản khác đến nay giải ngân vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, mà nguyên nhân chính là vướng thủ tục và công tác GPMB.

Thi công công trình Ngân hàng Công thương Bạc Liêu từ nguồn vốn doanh nghiệp góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Để giải quyết những khó khăn hiện nay và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương, chủ đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban quản lý các dự án cần quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác phối - kết hợp đúng như chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, các chủ đầu tư cần chủ động rà soát tiến độ thực hiện từng dự án cụ thể, nhằm xác định rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và kịp thời có ngay các giải pháp xử lý.

Đối với các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2020, nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục để tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu thi công thì yêu cầu bộ phận chuyên môn lên kế hoạch thực hiện từng ngày, tuần, tập trung đẩy nhanh công tác thẩm định, đánh giá hồ sơ và dự kiến thời gian khởi công. Riêng các dự án đang triển khai thi công, cần tiếp tục quyết liệt và tạo mọi điều kiện để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm thanh toán hết số vốn bố trí trong năm.

Đối với những dự án còn vướng công tác GPMB, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân bị ảnh hưởng (từng trường hợp cụ thể), nhằm sớm tìm phương án phù hợp nhất để giải quyết. Báo cáo về UBND tỉnh để xử lý kịp thời những trường hợp vượt khả năng của chủ đầu tư và của địa phương.

Bên cạnh đó, tổng hợp, trình điều chỉnh vốn những dự án dự kiến không có khả năng giải ngân hết trong năm sang dự án có nhu cầu và đầy đủ các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án (ưu tiên điều chỉnh nội bộ).

Về các sở, ngành có liên quan trong công tác thẩm định chủ trương đầu tư, kế hoạch đấu thầu và phê duyệt dự án theo phân cấp, ủy quyền, UBND tỉnh đề nghị cần thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở bộ phận chuyên môn kịp thời thẩm định, trình phê duyệt, rút ngắn thời gian thẩm định theo quy định (Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và quy định khác có liên quan). Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 đối với các chủ đầu tư liên quan đến ngành mình, để tổng hợp báo cáo, đề xuất phương án xử lý và nêu giải pháp thực hiện phù hợp, nhằm giải ngân hết vốn được giao trong năm 2020. Theo đó, phân công lãnh đạo, bộ phận chuyên môn (từng chuyên viên) theo dõi sát tiến độ thực hiện từng dự án cụ thể. Chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan, kịp thời tham mưu xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án từ khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giải ngân và quyết toán các dự án…

KIM TRUNG

 

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Sẽ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố phải xác định mục tiêu trọng tâm là đến cuối năm phải giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao trong kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước được chuyển nguồn sang). Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao vốn phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh khi để xảy ra chậm trễ, không đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 ở đơn vị, địa phương mình.

Với mục tiêu đó, từng sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố phải rà soát việc thực hiện của từng dự án từ bước giao vốn kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án, quyết toán dự án để tìm ra đúng khó khăn, vướng mắc chủ yếu, lập kế hoạch giải quyết khó khăn, vướng mắc và giải ngân cụ thể cho từng danh mục dự án trong thời gian còn lại của năm, trong đó chú trọng đến những dự án có lượng vốn lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa trong phạm vi rộng, những dự án liên quan đến thực hiện chỉ tiêu đại hội đảng bộ các cấp, xây dựng nông thôn mới…

UBND tỉnh sẽ quyết định hoặc kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư công năm 2020 nguồn ngân sách tỉnh của các chủ đầu tư huyện, thị xã và thành phố đến ngày 30/9/2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án, chủ đầu tư khác. Đồng thời, sẽ kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị cắt giảm, điều chuyển vốn.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện tốt Công văn số 622 của Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ký ban hành Công văn số 1045 về tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nội dung như sau:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 662 “về việc tập trung chỉ đạo nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020”. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước được chuyển nguồn sang).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư, chủ dự án cố tình gây khó khăn, cản trở hoặc làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Xem kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.

TÚ ANH (tổng hợp)

Điều chuyển vốn sang công trình có nhu cầu

Một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ xác định nhằm góp phần cho tăng trưởng kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 là tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công mới đây đã chỉ đạo các địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (vốn FDI). Đồng thời, quyết tâm khắc phục những tồn tại, khó khăn để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.

Xây dựng lộ GTNT từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành, địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ sẽ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không giải ngân được sang nơi có nhu cầu, giải ngân nhanh. Cụ thể đầu tháng 8/2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

Cùng với tăng cường công tác quản lý giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo các địa phương tạo khai thông, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài ngân sách ở các doanh nghiệp, tập đoàn trong, ngoài nước để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thực hiện chỉ đạo này, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước triển khai khởi công xây dựng nhiều công trình, dự án và các dự án này sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 10/2020 giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh phải đạt 80% kế hoạch và theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đến tháng 11/2020 là 90%. Do vậy, các ngành, địa phương phải quyết liệt và khẩn trương hơn nữa mới mong hoàn thành kế hoạch đề ra.

L.D

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.