Huyện Đông Hải: Tập trung phát triển kinh tế biển

Thứ Sáu, 06/12/2019 | 14:26

Năm 2019, huyện Đông Hải làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, tập trung khai thác thế mạnh trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi. Phát huy thế mạnh này, năm 2020 Đông Hải sẽ huy động nhiều nguồn lực với mục tiêu xây dựng huyện trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển.

Ngư dân vận chuyển thủy sản lên Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) sau chuyến ra khơi đánh bắt.

Tiếp tục tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản (từ khai thác, đánh bắt và nuôi trồng) trên địa bàn huyện Đông Hải là 142.868 tấn (tôm 56.901 tấn), đạt 102,8% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản 39.387,5ha,  cho tổng sản lượng 77.500 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản với gần 600 phương tiện, tổng sản lượng 65.368 tấn, đạt 105,4% kế hoạch.

Nhìn chung, hoạt động nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản năm 2019 tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định; nông dân và doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho phát triển sản xuất; năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, trong sản xuất nuôi trồng thủy sản vẫn còn tiềm ẩn rủi ro do thời tiết bất thường, nước biển dâng, nhất là mô hình nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh cần chi phí đầu tư lớn nhưng phần lớn nông dân thiếu vốn. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp làm cho hoạt động sản xuất thiếu bền vững. Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản tuy được duy trì, nhưng việc phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp kinh doanh thủy sản gặp khó về vốn đầu tư phương tiện và vốn lưu động phục vụ thu mua nguyên liệu…

Bà con thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) chế biến mặt hàng tôm biển.

Tập trung nhiều giải pháp

Năm 2020, UBND huyện Đông Hải đã đề ra nhiều giải pháp với mục tiêu đưa nền kinh tế của huyện tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển cao và bền vững. Đó là đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế phải gắn với giải quyết tốt các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, huyện Đông Hải sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy và Chương trình số 25 của Huyện ủy về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã; Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy và Chương trình số 40 của Huyện ủy về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy và Chương trình số 41, ngày 1/4/2019 của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác khai thác, đánh bắt và sản xuất nuôi trồng thủy sản; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 17 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển đoàn tàu có công suất lớn, thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của nông dân huyện Đông Hải.​ Ảnh: T.A

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh thiên tai, nhất là ứng phó với triều cường dâng cao. Tiếp tục tuyên truyền về ranh giới biển và vùng khai thác thủy sản cho các tàu đánh bắt xa bờ; theo dõi chặt chẽ tình hình khai thác, nhân rộng một số mô hình khai thác có hiệu quả; tăng cường tổ chức tập huấn về kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm cho ngư dân.

Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển các xã phía Đông là vùng sản xuất tập trung nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, các xã phía Tây là vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp chất lượng cao. Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (thủy lợi, giao thông, điện). Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp; thông báo lịch thời vụ, dự báo môi trường, nhất là các sự cố gây bất lợi cho các vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện 4 dự án nuôi tôm công nghệ cao, cụ thể là: Dự án khu sản suất, chế biến thủy sản (nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao kết hợp chế biến thủy sản) của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu nông sản FAM Bạc Liêu (thuộc Tập đoàn FLC); Dự án khu nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Song Phú; Dự án khu phức hợp năng lượng kết hợp với nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Thành Sen; Dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty Nuôi trồng thủy sản và ứng dựng công nghệ cao Đông Hải.

Huyện cũng sẽ quan tâm chỉ đạo thành lập mới gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất - kinh doanh tập thể, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Có biện pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện giúp các HTX khắc phục hạn chế, yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo mô hình HTX kiểu mới...

Văn Bảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.