Lãng phí tài nguyên đất: Nhận diện từ những dự án trên giấy!

Thứ Hai, 05/04/2021 | 15:15

Xác định công tác thu hút, kêu gọi đầu tư đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh, trong những năm qua Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tốt công tác này. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà đầu tư tâm huyết, cũng còn khá nhiều nhà đầu tư lợi dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh để cố tình “xí đất” gây lãng phí tài nguyên đất và tạo ra hàng loạt các hệ lụy làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển bền vững.

Bệnh viện Đa khoa - Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Phương Đông tại phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) chỉ có tấm biển giới thiệu dự án.

GIÀNH XONG BỎ ĐẤT TRỐNG

Có thể nói, ngoài những dự án đầu tư được triển khai thực hiện đúng tiến độ từ những nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết, cũng còn khá nhiều các dự án đầu tư chỉ với mục đích “xí đất” và đã “nằm im” gần cả chục năm nay. Như Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bạc Liêu - Sài Gòn (Phường 1, TP. Bạc Liêu) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010. Dự án này được nhà đầu tư “vẽ ra” với quy mô 400 giường và có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng. Đây được coi là bệnh viện có quy mô, trang thiết bị hiện đại nhất tỉnh. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai dự án, nhà đầu tư đã nhiều lần gia hạn và cam kết với UBND tỉnh sẽ thực hiện đúng tiến độ, nhưng đến nay dự án này vẫn còn là một bãi đất trống và nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện bất kỳ hạng mục nào của dự án!

Hay như Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa - Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Phương Đông (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) do Công ty Cổ phần Quốc tế Phương Đông làm chủ đầu tư và được được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2012. Dự án này có quy mô 500 giường điều trị nội trú, 300 giường nghỉ dưỡng cùng hệ thống nhà hàng - khách sạn 5 sao, khu vui chơi - giải trí ngoài trời... với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng. Theo cam kết của nhà đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 -  2016 sẽ đưa vào hoạt động. Song đến nay, ngoài tấm biển giới thiệu dự án thì chẳng có một hạng mục công trình nào được xây dựng và trong tháng 1/2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản thu hồi chủ trương đầu tư dự án này.

Một dự án khác cũng gây bức xúc trong dư luận khi “xí” mảnh đất vàng nằm ngay trung tâm Phường 3 (TP. Bạc Liêu) nhưng đến nay vẫn còn là bãi đất trống, mặc cho cỏ mọc làm mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Đó là Dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim Bạc Liêu (Nguyễn Kim 1) được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2014. Dự án này được ví như “trái tim” của TP. Bạc Liêu kết nối với các khu mua sắm hiện đại bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ cho phát triển thương mại và du lịch. Vậy mà đến nay, nhà đầu tư mới chỉ thực hiện hoàn thành đóng cọc đại trà?! Hay Dự án đầu tư xây dựng Trường tiểu học tư thục iSchool Bạc Liêu được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, nhưng trải qua hơn 7 năm nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện bất kỳ hạng mục nào của dự án...

Ngoài các dự án gây bức xúc trong dư luận và cứ “làm nóng” nghị trường mỗi khi tiếp xúc cử tri, họp HĐND thì còn rất nhiều dự án khác triển khai với “tiến độ rùa” so với cam kết như: Dự án Khu đô thị mới Hoàng Phát; Dự án Khu dân cư giáp khu tái định cư Bến xe - Bộ đội biên phòng; Dự án Trường mầm non Tuổi Hồng; Dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Hải; Dự án Trường mầm non Tâm Tâm - Tràng An; Dự án Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu (khu A); Dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao Đông Hải; Dự án Nhà máy chế biến dầu cá, bột cá…

Dự án Trung tâm thương mại Nguyễn Kim Bạc Liêu (Nguyễn Kim 1) đến nay vẫn còn là bãi đất trống nằm ngay trung tâm TP. Bạc Liêu.

CẦN MỘT CUỘC “ĐẠI PHẪU”

Từ những dự án trên cho thấy, đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành quản lý trong việc khắc phục tình tình bỏ đất hoang và gây lãng phí tài nguyên đất. Vì trong những dự án treo ấy chiếm phần lớn là “đất vàng” và đất sản xuất của nông dân. Do vậy, cần một cuộc “đại phẫu” trong việc quản lý đất đai và làm rõ trách nhiệm của người được giao quản lý.

Hiện tại, dư luận rất bức xúc và không hiểu vì sao có những nhà đầu tư không chỉ được giao một dự án mà là nhiều dự án nhưng vẫn cứ “án binh bất động”. Như ngoài Dự án Nguyễn Kim 1 còn có Dự án Trung tâm thương mại - Dịch vụ - Giải trí Nguyễn Kim 2 đã được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng thầu giá đất từ năm 2016, nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa xây dựng công trình nào?! Rồi ở một số dự án khác, nhà đầu tư cứ xin thêm đất và vẽ ra hàng loạt các công trình nhằm nâng quy mô và diện tích của dự án, nhưng khi có đất lại không triển khai thực hiện như cam kết…

Việc một số nhà đầu tư cố tình “xí đất” không đơn giản là gây lãng phí tài nguyên đất, mà sự chen chân giành chỗ này đã làm mất đi cơ hội đầu tư của những nhà đầu tư có tâm huyết khác. Cũng như, cứ mỗi năm trôi qua ngân sách tiếp tục bị thất thu, người lao động mất cơ hội có việc làm mới và xót xa hơn cả là bản thân nông dân mất thu nhập, phải lao động xa quê khi đất sản xuất bị thu hồi nhưng chẳng thấy công trình nào được mọc lên?! Đây còn là nguyên nhân chính dẫn đến việc các hộ dân tự lấn chiếm đất dự án và tạo ra khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi tiếp tục triển khai dự án. Cụ thể là tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bạc Liêu - Sài Gòn (Phường 1, TP. Bạc Liêu) đã có hộ lấn chiếm cất nhà và tổ chức trồng lúa?!

Để giải quyết vấn nạn này, các ngành, địa phương cần làm tốt công tác phối - kết hợp và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư. Qua đó, có ngay các kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh xem xét chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Đặc biệt là tình trạng bỏ đất trống không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, còn tạo nên nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến tăng trưởng, sự phát triển bền vững của tỉnh ở hiện tại và cả tương lai.

LƯ DŨNG

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bạc Liêu - Sài Gòn (Phường 1, TP. Bạc Liêu)  qua 10 năm triển khai vẫn còn là bãi đất trống.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Điện gió Đông Hải 1. Ảnh: M.Đ

Với vị trí nằm xa các trung tâm kinh tế lớn nên Bạc Liêu có giai đoạn bị xếp vào “vùng trũng” trong thu hút, mời gọi đầu tư. Trong khi đó, muốn phát triển nhanh và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế thì không giải pháp nào khác ngoài phát huy vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện vốn của Trung ương, địa phương còn hạn chế và chưa thể đầu tư cho những dự án mang tính đòn bẩy.

Xuất phát từ nỗi trăn trở này, trong những năm qua Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và trải cả “thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Đồng thời, nêu cao khẩu hiệu “luôn đồng hành và chia khó” cùng nhà đầu tư. Với sự nỗ lực và quyết tâm đó, đến nay Bạc Liêu đã thu hút được 147 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 39.742 tỷ đồng và 14 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,4 tỷ USD.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Thế nhưng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thu hút, mời gọi đầu tư và đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 110.646 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng vốn đăng ký đầu tư 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD và được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong năm 2020).

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thu hút thêm 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió) với công suất 270MW và tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng. Với dự án đầu tư trên, năm 2020 Bạc Liêu được xem là “ngôi sao” trong thu hút đầu tư của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thật sự trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư trong điều kiện phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

L.D

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Thu hồi chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chủ trương đầu tư đối với 29 dự án

Để triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát đánh giá các dự án đầu tư và theo dõi giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, hằng năm Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn giám sát đánh giá đầu tư để theo dõi tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung xử lý nghiêm đối với các dự án chậm tiến độ triển khai thực hiện hoặc không triển khai thực hiện theo tiến độ đăng ký.

Tuy nhiên, cùng với những dự án thực hiện đảm bảo tiến độ và thực hiện các thủ tục pháp lý khác có liên quan như: xin phép xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… cũng còn những dự án chậm tiến độ triển khai thực hiện, hoặc không triển khai thực hiện và Sở KH-ĐT sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi chấm dứt hoạt động dự án. Cụ thể, đến nay Sở KH-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chủ trương đầu tư đối với 29 dự án.

Thời gian tới, để chủ động tránh tình trạng “dự án treo” gây lãng phí tài nguyên đất và làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rất cụ thể trường hợp dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nhà đầu tư phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, mức ký quỹ từ 1 - 3% được tính trên tổng mức đầu tư đăng ký thực hiện dự án. Do đó, trường hợp nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án đúng theo cam kết thì UBND tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi số tiền nhà đầu tư đã ký quỹ. Đối với những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 1/7/2015 (Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành) đang trong quá trình triển khai thực hiện thì tiếp tục triển khai thực hiện, trường hợp không có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện, Sở KH-ĐT sẽ đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Sở KH-ĐT hàng năm đều ban hành kế hoạch cụ thể để theo dõi, giám sát đánh giá đầu tư các dự án đã được cấp chủ trương trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Đồng thời theo dõi, kiểm tra và kịp thời đề xuất UBND tỉnh xử lý những dự án chậm triển khai thực hiện.

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.