Nâng tầm các sản phẩm OCOP

Thứ Tư, 14/10/2020 | 16:15

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 50 sản phẩm của 23 chủ thể được trao giấy chứng nhận OCOP. Trong đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm này đã góp phần đa đạng hóa sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ của Bạc Liêu.

Các sản phẩm OCOP của huyện Phước Long. Ảnh: K.T

Có thể nói, một trong những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Chương trình OCOP chính là khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp. Trong hơn 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ nông nghiệp. Thông qua chế biến, các sản phẩm nông nghiệp đã được tăng thêm về giá trị, tạo ra tính cạnh tranh và hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Chẳng hạn như ở huyện Phước Long, sau khi đóng gói và được công nhận sản phẩm OCOP, cây rau cần nước của Hợp tác xã 8/3 Vĩnh Thanh đã được đưa vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hay ở huyện Vĩnh Lợi, cơ sở sản xuất Xuân Thảo đã đưa con cá đồng trở thành đặc sản phục vụ khách du lịch thông qua chế biến thành công các loại khô cá lóc và mắm đồng mang tên Xuân Thảo. Hoặc ở huyện Hòa Bình, mặt hàng tôm biển, cá biển đã được Công ty Thanh Phu đóng gói, chế biến thành nhiều sản phẩm ăn nhanh mang lại giá trị gia tăng so với bán sản phẩm thô.

Từ những sản phẩm điển hình trên cho thấy, việc thực hiện Chương trình OCOP đã thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển. Đồng thời làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.

Không chỉ thế, việc thực hiện Chương trình OCOP còn mở ra nhiều cơ hội cho lao động nông thôn trong giải quyết việc làm và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp như: Công ty Tùng Loan của huyện Phước Long với sản phẩm OCOP là tôm sạch được chế biến từ con tôm nuôi trên đất lúa; chả cá thát lát rút xương của huyện Hồng Dân, con ruốc sấy của huyện Đông Hải… là những minh chứng về việc khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vốn có.

Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP được nâng tầm và phát huy giá trị cũng cần phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đó là giải pháp về thị trường, công nghệ, quảng bá và giới thiệu sản phẩm… Bởi trong nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP hiện nay còn mang tầm địa phương, nghĩa là chỉ tổ chức bán hàng trong phạm vi của huyện hoặc tỉnh, số lượng hàng đưa ra thị trường tiêu thụ còn hạn chế và chưa thể cung ứng hàng hóa với số lượng lớn. Thêm vào đó, công nghệ chế biến, đóng gói còn đơn giản nên chưa làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất còn ngại quảng cáo, chưa mạnh dạn tổ chức những chương trình giới thiệu sản phẩm và chỉ tham gia khi có hội chợ hoặc các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn…

Do vậy, để nâng tầm các sản phẩm OCOP và đưa Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục lan rộng, cùng với sự chủ trì của ngành Nông nghiệp thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành Công thương trong việc hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, thị trường và xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm thị trường hàng hóa và bổ sung thêm nhiều sản phẩm cho hàng Việt chất lượng cao.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.