Phát triển doanh nghiệp: Cần tăng cường các chính sách hỗ trợ

Thứ Tư, 18/12/2019 | 15:32

Hoạt động của doanh nghiệp được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, năm 2018, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 112 ban hành kế hoạch hành động Năm Doanh nghiệp 2018 và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu mỗi năm thành lập mới 500 doanh nghiệp.

Ông Lê Minh Chiến (bìa trái), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng bằng khen cho các doanh nghiệp làm tốt nghĩa vụ nộp thuế. Ảnh: K.T

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch vận động phát triển doanh nghiệp. Đồng thời giao trách nhiệm cho bộ phận chuyên môn vận động và tổ chức đoàn đi vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh có mức thuế môn bài bậc 1 để khuyến khích chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Song, qua 2 năm thực hiện, mục tiêu phát triển và thành lập mới 500 doanh nghiệp/năm vẫn chưa hoàn thành. Năm 2018, cả tỉnh chỉ thành lập mới 345 doanh nghiệp và năm 2019 chỉ thành lập mới 350 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 2.950 tỷ đồng (giảm 61% về vốn đăng ký).

Để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, những năm qua, Bạc Liêu đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ và đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp. Một trong những giải pháp đó là tập trung cải cách thủ tục đầu tư theo hướng công khai, minh bạch. Tất cả các thủ tục hành chính về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; hệ thống các thủ tục hành chính ngày càng được tinh gọn, chuẩn hóa, được công bố, niêm yết công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thực hiện. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, giúp các bộ phận rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính xuống còn 4 giờ làm việc (so với Luật Doanh nghiệp năm 2014 là 3 ngày làm việc).

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy thông qua thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, từ đó tác động tích cực đến phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể như về tín dụng, đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh tổ chức chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với cam kết cho vay hơn 2.280 tỷ đồng, lãi suất từ 5,8 - 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 8 - 10% đối với cho vay trung, dài hạn. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vốn cho doanh nghiệp gắn với các thế mạnh về kinh tế của tỉnh như: phát triển thủy sản, nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

Bên cạnh đó, thực hiện minh bạch hóa thông tin, đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất; thực hiện công bố, công khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước... để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện và hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị như: liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo; liên kết chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nghề và giải quyết việc làm…

Tuy nhiên, ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trên, kinh phí đầu tư cho các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, sáng tạo và khuyến khích phát triển doanh nghiệp chưa nhiều. Tổng cộng trong 2 năm (2018, 2019), ngân sách đầu tư chỉ khoảng 200 triệu đồng cho công tác này. Đây sẽ là khó khăn trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Bạc Liêu có 5.000 doanh nghiệp vào năm 2025; đồng thời, không tạo được nguồn lực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nhất là ở các địa phương có chưa đến 100 doanh nghiệp (như huyện Hồng Dân).

Thiết nghĩ, với thực trạng như hiện nay, việc xây dựng và sớm ban hành “Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2021, định hướng đến năm 2025” là rất cần thiết. Qua đó khuyến khích các cơ sở sản xuất phát triển lên doanh nghiệp, tạo thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, bởi, hiện nay Bạc Liêu vẫn còn là tỉnh nằm ở cuối bảng về phát triển doanh nghiệp của khu vực ĐBSCL.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.