Phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn: Tạo nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng kinh tế

Thứ Tư, 03/03/2021 | 17:25

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” và Nghị quyết số 98 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10; Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp, góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng kinh tế.

Lao động nông thôn được giải quyết việc làm tại Công ty Nhựa Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: K.T

NÔNG THÔN KHÓ THU HÚT ĐẦU TƯ

Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên việc thành lập mới các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác, phát huy các lợi thế từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn và gần như chưa hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đơn cử, huyện Đông Hải được xem là địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp do tập trung nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh và dịch vụ. Thế nhưng cả năm 2020, Đông Hải chỉ thành lập mới được 39 doanh nghiệp, đạt 53,4% kế hoạch, nâng tổng số doanh nghiệp toàn huyện đến nay hơn 190 doanh nghiệp. Hay ở huyện Hồng Dân, cả năm 2020 cũng chỉ thành lập mới được 12 doanh nghiệp…

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, việc phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể từ năm 2018 - 2020, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản - vốn là thế mạnh hàng đầu của tỉnh - cả tỉnh chỉ có khoảng 30 công ty, doanh nghiệp đăng ký thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Tồn tại những khó khăn trên, ngoài tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tư tưởng ngại đầu tư và sản xuất, mua bán theo quy mô hộ gia đình, thì còn nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể như nhiều địa phương hiện nay hạ tầng giao thông, kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ nên khó thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh vào hợp tác và khai thác các thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp. Còn các cụm công nghiệp ở các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long... thì đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, một trong những yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là phải có cơ sở hạ tầng thì mới đầu tư triển khai các dự án. Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất ở vùng nông thôn phần lớn thiếu vốn và không có tài sản thế chấp nên ngại phát triển thành doanh nghiệp. Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tuy đã hình thành nhưng sức lan tỏa còn chậm nên chưa tạo ra sức hút để các sơ sở sản xuất tăng cường đầu tư và thành lập doanh nghiệp mới...

CẦN THỰC HIỆN TỐT CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Thực tiễn cho thấy, việc thành lập các doanh nghiệp mới ở khu vực nông thôn hiện nay là rất cần thiết và góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Bởi điều này không chỉ giúp cho nền kinh tế ở các địa phương phát triển, tăng thu ngân sách, mà còn góp phần giải quyết tốt các vấn đề về xã hội, nhất là tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn. Chẳng hạn như ở huyện Phước Long, các doanh nghiệp như Công ty Tý Liên chuyên sản xuất mặt hàng nhựa và Công ty chế biến thủy sản Tùng Loan đã giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động của địa phương. Không chỉ thế, doanh nghiệp còn tạo thêm nguồn lực lớn đóng góp cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giảm được nguồn đầu tư từ ngân sách. Bởi thực tiễn trong những năm qua cho thấy, do thiếu doanh nghiệp nên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Như trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua tỉnh Bạc Liêu đã huy động vốn đầu tư hơn 5.994.220 triệu đồng, nhưng doanh nghiệp góp vào chỉ có  528.445 triệu đồng.

Hiện nay, Bạc Liêu đang tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP và chiếm phần lớn là các cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ với quy mô hộ gia đình. Do vậy, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở này phát triển thành doanh nghiệp. Làm được việc này, sẽ giúp các cơ sở sản xuất - kinh doanh phát triển và có điều kiện nâng quy mô, chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra hàng hóa cạnh tranh với số lượng lớn, có thương hiệu và hướng đến mở rộng thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước. Song, để thực hiện tốt được nhiệm vụ này và khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, công nghệ, đào tạo lao động và xúc tiến thị trường tiêu thụ…

KIM  TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.