Sức mua giảm - tiểu thương gặp nhiều khó khăn
Để trụ được qua thời “bão” giá, người dân tiếp tục áp dụng chiến lược “thắt lưng buộc bụng”. Hệ quả, tại các chợ trên địa bàn TP. Bạc Liêu, không ít sạp hàng treo biển sang sạp, tiểu thương đóng cửa nghỉ bán hoặc trả lại mặt bằng. Nguyên nhân là do sức mua tại các chợ thời gian gần đây ngày càng suy giảm khiến doanh thu không đủ để tiểu thương bù đắp các khoản chi phí, thuế…
![]() |
Sức mua giảm làm cho việc buôn bán của tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Mua bán thực phẩm tại chợ phường 3, TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D |
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn TP. Bạc Liêu, giá các mặt hàng thực phẩm khá ổn định, một số mặt hàng chỉ tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đây được cho là mức tăng vừa phải chứ không tăng ào ào như thời gian trước. Tuy nhiên, sức mua từ nhỏ lẻ đến đầu mối tại các chợ đều suy giảm rõ rệt. Theo chị Hiền, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Trần Huỳnh: “Việc dời chợ đã khiến chúng tôi mất rất nhiều mối mua hàng, nay lại dồn dập thêm việc tăng giá đầu vào (xăng, điện, gas), khách hàng chủ động cắt giảm chi tiêu khiến việc buôn bán của chúng tôi ngày càng khó khăn. Trước đây, tôi bán hàng trăm ký thịt trong buổi sáng. Còn bây giờ ngồi đến 1 giờ chiều mà vẫn không bán hết 50kg thịt”.
Ông Trần Ngọc Diệp, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, cho biết: “Hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 TP. Bạc Liêu sẽ trở thành đô thị loại II, nên việc chỉnh trang đô thị, quy hoạch lại chợ là điều cần kíp. Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã di dời 3 điểm chợ gồm chợ A, chợ cải phường 3, chợ Hai Bà Trưng sang chợ Trần Huỳnh, Cầu Xáng, phường 1… Bước đầu, việc buôn bán của tiểu thương có sự xáo trộn. Song, với việc quy hoạch lại chợ và thường xuyên làm công tác tuyên truyền, đến nay, TP. Bạc Liêu đã hình thành các khu phố thương mại, các hộ kinh doanh trưng bày hàng hóa khá bắt mắt, tạo mỹ quan đô thị”. Bên cạnh đó, ông Diệp cũng cho rằng, thời gian gần đây, sức mua đã giảm đáng kể. Ngoài việc xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm, các cửa hàng, trên các tuyến phố, thì việc tăng giá đầu vào cũng đã khiến sức mua đồng loạt giảm. Theo khảo sát của Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, tổng mức luân chuyển hàng hóa của thành phố gần như không có sự chênh lệch so với các huyện…
Sức mua giảm là quy luật tất yếu khi có quá nhiều loại hàng hóa liên tục tăng giá khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. Để cải thiện sức mua, các doanh nghiệp và tiểu thương cần phải giữ giá cả ổn định, đặc biệt tránh tăng giá theo kiểu ăn theo, có thể hưởng lãi ít hơn để cùng chia sẻ với người tiêu dùng. Đơn cử như thời gian qua, hầu hết các mặt hàng gần như chỉ tăng giá nhẹ. Thậm chí, đã có những đợt khuyến mãi nhằm giải quyết hàng tồn kho.
Tuy nhiên, hành động cầm cự đáng khen của doanh nghiệp và tiểu thương như trên cũng chỉ “như muối bỏ bể” nếu không có sự trợ giúp của ngành chức năng, địa phương. Như việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn (ở các siêu thị, công ty thương nghiệp…) bán hàng bình ổn giá với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, thì ngành chức năng cũng có thể nghiên cứu để hỗ trợ các tiểu thương buôn bán uy tín, bám trụ lâu đời trong các chợ truyền thống, dân sinh trên địa bàn thành phố. Thiết nghĩ, đó cũng là cách để kiềm chế lạm phát, chia sẻ khó khăn với người dân và cả tiểu thương.
Tuyết Đình
- Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua 8 nghị quyết quan trọng
- Họp thành viên UBND tỉnh: Thông qua 11 dự thảo văn bản
- Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4: Bắt giữ 3 tàu tàng trữ, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình của tàu khác
- 100 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố lần thứ XII - năm 2025
- Ban tổ chức trao giải cho các đôi VĐV đoạt giải nội dung hạng A.