Thị trường xuất khẩu thủy sản sau dịch bệnh COVID-19: Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khôi phục và tăng trưởng nhanh

Thứ Tư, 20/05/2020 | 16:09

Sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường xuất khẩu thủy sản đã khôi phục trở lại. Ở Bạc Liêu, nhiều doanh nghiệp đã tập trung thu mua nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến với hy vọng thị trường xuất khẩu sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm 2020.

Công nhân sơ chế tôm tại Công ty Tôm Việt (TP. Bạc Liêu).​ Ảnh: K.T

Sơ kết tình hình xuất khẩu trong tháng 4/2020 cho thấy, sản lượng chỉ đạt hơn 4.740 tấn, nâng tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu trong 4 tháng đạt trên 19.259 tấn, bằng 25,72% kế hoạch và giảm 7,83% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đông lạnh chiếm 18.735 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), hiện ngành Thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trên 3 lĩnh vực: nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu. Cụ thể là do ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài, độ mặn nhiều nơi tăng cao nên nông dân chưa dám thả nuôi; ngư dân chưa mạnh dạn khai thác vì ảnh hưởng của dịch COVID-19… Thêm vào đó, giá thu mua tôm nguyên liệu lên xuống thất thường, giảm so với cùng kỳ, nông dân chờ giá tăng trở lại nên cũng chưa thả nuôi hết diện tích. Chính những khó khăn này đã tác động trực tiếp đến nguồn tôm phục vụ chế biến xuất khẩu và có khả năng sẽ thiếu nguyên liệu (vì phải đợi thêm thời gian từ 3 - 4 tháng để bắt đầu cho vụ nuôi mới).

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên Bộ NN&PTNT dự báo thời tiết diễn biến rất khó lường. Cùng với đó, hiện tượng nước biển dâng, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn có khả năng tiếp tục xảy ra ở vùng ven biển ĐBSCL. Trong đó, Bạc Liêu là một trong những tỉnh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản.

Tuy dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đương đầu với nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản năm 2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất và hướng đến tăng trưởng cao, nhất là Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường châu Âu nhiều hơn khi thuế nhập khẩu của con tôm được giảm mạnh. Không những thế, việc nhiều siêu thị, các chợ truyền thống ở các nước nhập khẩu mở cửa trở lại sau thời gian tạm dừng thực hiện giãn cách xã hội sẽ làm tăng sức mua.

Ngoài ra, việc xúc tiến và khai thác thêm các thị trường mới, thị trường tiềm năng từ các nước EU sẽ tạo thêm tính cạnh tranh cho con tôm Việt Nam, nhất là trong điều kiện các nước xuất khẩu tôm mạnh ở khu vực Đông Nam Á không được hưởng các mức thuế ưu đãi về thuế như doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam…

Để tranh thủ cơ hội này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành Nông nghiệp cần tăng cường công tác chỉ đạo phát triển sản xuất và thực hiện tốt kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, sản lượng thủy sản năm nay phải đạt hơn 400.000 tấn và tăng 38.000 tấn so với cùng kỳ. Qua đó, chủ động nguồn cung cho chế biến xuất khẩu, với mục tiêu là đạt kim ngạch xuất khẩu trên 816 triệu USD, tăng thêm 110,7 triệu USD so với năm 2019. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì ngành Công thương phải làm tốt công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chặt vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nuôi trồng, nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh, cũng như hạn chế tình trạng hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến tôm nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, quảng bá sản phẩm và đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất…

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.