Thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021: Hóa giải khó khăn thách thức để đạt mục tiêu đề ra

Thứ Hai, 05/07/2021 | 15:31

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong năm đầu và chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo giữ vững tăng trưởng kinh tế ở mức cao và tạo thêm những động lực mới, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021.

Đây không chỉ thể hiện sự chủ động ứng phó, hóa giải các khó khăn, thách thức, mà còn tạo thêm động lực, khơi dậy khát vọng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Chế biến tôm xuất khẩu - một trong những lĩnh vực góp phần cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Có thể nói, việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế có một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đây không chỉ thể hiện sự chủ động ứng phó, hóa giải các khó khăn, thách thức, mà còn tạo thêm động lực, khơi dậy khát vọng để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra 3 kịch bản tăng trưởng, gồm: Kịch bản 1: Tốc độ tăng trưởng 9 - 10%; Kịch bản 2: Tốc độ tăng trưởng 7 - 8% và Kịch bản 3: Tốc độ tăng trưởng 6 - 7%.

Qua đánh giá, phân tích và dự báo tình hình, UBND tỉnh quyết định chọn kịch bản tăng trưởng 1. Bởi trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt, sản xuất - kinh doanh của tỉnh không bị gián đoạn. Đặc biệt, với quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Chính phủ là “kiên định mục tiêu kép”, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, nhìn lại bức tranh tăng trưởng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm và so sánh với các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 7,17% so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ tăng 3,06%), đứng thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 20 so với cả nước. Cùng với đó, các chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ như: tổng sản lượng thủy sản tăng 5,16% so với cùng kỳ; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 12,76% so với cùng kỳ (cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 4,11% của cùng kỳ năm trước); tổng thu ngân sách nhà nước tăng 27,11% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 14.725 tỷ đồng, tăng 16,97% so với cùng kỳ... Những con số cụ thể trên đã cho thấy sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hiệu quả của Tỉnh ủy và sự năng động của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay cũng còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là ngoài vốn đầu tư công giải ngân chậm, chưa đúng với kế hoạch và chưa đủ sức bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, bản thân nền kinh tế cũng phát sinh hàng loạt các khó khăn, thách thức mới. Cụ thể, theo Kịch bản tăng trưởng kinh tế 1, để tăng trưởng kinh tế đạt từ 9 - 10% thì khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản) phải tăng 5,1%. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng tuy có tăng trưởng nhưng lại thiếu ổn định và rủi ro cao. Như trong nuôi trồng thủy sản, nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng thêm từ 30 - 60% so với cùng kỳ, nhưng giá thu mua tôm nguyên liệu giảm hơn 30%. Do vậy, nhiều nông dân tuy trúng tôm nhưng vẫn hòa vốn, hoặc bị thua lỗ.

Hay ở khu vực II (công nghiệp và xây dựng), yêu cầu phải tăng 17,7%, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, do ảnh hưởng của tăng giá vật tư, vật liệu (sắt, thép, cát, đá, xi-măng...) nên có nhiều nhà thầu không triển khai thi công hoặc thi công cầm chừng. Cũng như có tâm lý trông chờ giá cả thị trường hạ xuống hoặc chờ có bổ sung chính sách mới. Thêm vào đó, các gói thầu chuẩn bị tổ chức đấu thầu phải dừng lại chờ điều chỉnh giá. Rồi việc triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo cũng bị chậm do gặp khó khăn về giao thông, mặt bằng trong vận chuyển và bãi tập kết các thiết bị siêu trường, siêu trọng và do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng gây khó cho việc huy động nhân công từ các tỉnh ngoài vào… Tất cả những khó khăn này đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng của khu vực II và làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa thể đưa vào nền kinh tế. Hoặc ở khu vực III (khu vực dịch vụ, phải tăng 12,8%) cũng đã và đang đương đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nhiều điểm du lịch, hàng quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tạm đóng cửa, các doanh nghiệp vận tải phải ngưng hoạt động…

Dịch vụ vận tải tại Bến xe Bạc Liêu phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

DỒN LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG

Muốn hoàn thành Kịch bản tăng trưởng kinh 1 tế thì GRDP trong 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng trên 12% trở lên. Trong đó, khu vực I phải đạt từ 6,56% trở lên, khu vực II từ 23% trở lên và khu vực III từ 13% trở lên.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Ngoài khẩn trương và có ngay các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cần đẩy mạnh hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dự án nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tập thể; hỗ trợ hộ kinh doanh (về thuế, hồ sơ, lệ phí...) chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Tổ chức nhiều kênh đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với các sở, ban ngành cấp tỉnh và các địa phương, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất - kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án phát triển KT-XH triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh…

Với quyết tâm giữ vững tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp và tạo nên động lực mới cho năm khởi động với mục tiêu trở thành tỉnh đứng trong tốp khá của cả nước.

LƯ TRUNG

………………………………………………………………………………………………………………………………...................................................

Thi đua hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế

Thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành và địa phương đều tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đẩy mạnh các phong trào thi đua để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: Phát huy thế mạnh kinh tế mang lại từ con tôm

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở Khu vực I, ngành Nông nghiệp sẽ ưu tiên phát huy thế mạnh kinh tế mang lại từ con tôm. Theo đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh và nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, làm cơ sở lan tỏa và từng bước đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả và mang lại giá trị cao; tiến tới mở rộng vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh (theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao) trên địa bàn tỉnh, phấn đấu xây dựng sản phẩm tôm trở thành thương hiệu quốc gia tại Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và thị trường các nước; thực hiện Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A và Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm và lúa. Cũng như tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với nông dân, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp, giảm bớt các tầng nấc trung gian trong thu mua nguyên liệu thủy sản. Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn; khuyến cáo nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín…

 

Ông Phan Văn Sáu - Giám đốc Sở Công thương: Tập trung đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất

Với quyết tâm thực hiện tốt kịch bản tăng trưởng kinh tế, ngành Công thương sẽ theo dõi sát, kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp về tình hình thông quan tại các cửa khẩu với Trung Quốc và tình hình đẩy mạnh nhập khẩu của các quốc gia khác khi COVID-19 qua đi, nhằm giúp các doanh nghiệp biết và chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương phổ biến về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA - có hiệu lực từ ngày 1/8/2020) đến các doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo ra nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp đối phó, vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại. Song song đó, thực hiện có hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó chú trọng đảm bảo đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là điện phục vụ sản xuất chế biến hàng hóa xuất khẩu.

Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân…

 

Bà Lê Kim Thúy - Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: Giải ngân vốn đầu tư công trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt

Với vị trí là trung tâm kinh tế - hành chính của tỉnh và tập trung nhiều dự án động lực, TP. Bạc Liêu đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, TP. Bạc Liêu đã giao các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Thường xuyên rà soát, xác định những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng có liên quan để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét và có ngay các giải pháp xử lý. Đặc biệt, tập trung cao độ trong công tác giải phóng mặt bằng và xử lý các phát sinh trong quá trình thực hiện dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công để xảy ra tình trạng công trình xây dựng chậm tiến độ; phấn đấu đến cuối năm 2021 tỷ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, khắc phục những khó khăn, chậm trễ trong công tác phối hợp giữa các phòng, ban, ngành thành phố. Các chủ đầu tư quản lý chặt chẽ và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Cân đối, đảm bảo nguồn lực để thực hiện tốt các dự án, công trình trên địa bàn theo kế hoạch, nhất là các công trình chống ngập và các công trình xây dựng nông thôn mới. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các dự án chậm tiến độ sang cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng…

K.T (thực hiện)

…………………......................................................................................................................................................................................................

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.