Xây dựng Đề án phát triển kinh tế vùng và tiểu vùng Bán đảo Cà Mau: Để Bạc Liêu trở thành trung tâm của vùng

Thứ Hai, 05/08/2019 | 16:44

Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có và giải quyết các mâu thuẫn vốn tồn tại ở vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM), Bạc Liêu đã kiến nghị Trung ương cho xây dựng Đề án phát triển kinh tế vùng và tiểu vùng BĐCM. Vấn đề đặt ra là Bạc Liêu dựa vào đâu để kiến nghị đưa tỉnh trở thành trung tâm của vùng?

Các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham quan mô hình siêu thâm canh tại Bạc Liêu.

Nhiều lợi thế cạnh tranh

Khi đặt ra vấn đề xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm của vùng BĐCM cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Bởi so với các địa phương khác, Bạc Liêu lâu nay bị xem là vùng trũng và không phải là địa phương được xếp vào vùng kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, Bạc Liêu hiện nay đã hội đủ các điều kiện cần để trở thành trung tâm của vùng BĐCM, tạo ra được nhiều lợi thế cạnh tranh mà các địa phương của vùng BĐCM không có. Cụ thể, về nuôi trồng thủy sản, so với các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đều có thế mạnh này, nhưng nuôi với quy mô siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao thì Bạc Liêu lại dẫn đầu. Đặc biệt, Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chọn làm thủ phủ ngành tôm công nghiệp của cả nước và hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Thế mạnh thứ hai mà các tỉnh của khu vực BĐCM chưa có, chính là phát triển năng lượng tái tạo. Đến nay, Bạc Liêu là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo, thu hút nhiều dự án phát triển năng lượng tái tạo và Bạc Liêu đang xây dựng trở thành trung tâm năng lượng sạch của vùng và quốc gia.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu đang kết hợp các thế mạnh cạnh tranh và đặc thù này gắn với phát triển du lịch với mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm về du lịch, vì hiện nay trong 33 sản phẩm du lịch tiêu tiểu của 13 tỉnh khu vực ĐBSCL thì Bạc Liêu đã có đến 9 sản phẩm đặc thù.

Những thế mạnh đặc thù trên đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa bằng sự ra đời của “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đang thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đăng ký hợp tác đầu tư.

Cùng với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, xét về hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh thuộc vùng BĐCM thì Bạc Liêu hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi và thật sự là trung tâm để kết nối các địa phương với nhau. Xét về vị trí, Bạc Liêu nằm ngay trung tâm tiếp giáp với tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng trong vòng bán kính 70km và dân số của khu vực này khoảng 2,5 triệu người. Còn về giao thông đường bộ cũng rất thuận lợi thông qua 3 trục quốc lộ là: Quốc lộ 1A, Quản Lộ Phụng Hiệp và Nam sông Hậu nên khả năng phát huy sân bay là rất tốt.

Sân bay của tỉnh Cà Mau hiện nay. Ảnh: L.D

Xin xây dựng sân bay Bạc Liêu

Trong tương lai gần, khi nền sản xuất hàng hóa phát triển mạnh kéo theo nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không là tất yếu. Do vậy, Bạc Liêu kiến nghị với Chính phủ cho xây dựng sân bay và hiện nay đã có nhiều tập đoàn kinh tế thấy được lợi thế này của tỉnh nên xin đầu tư xây dựng sân bay tại Bạc Liêu. Bởi khi sân bay được xây dựng tại Bạc Liêu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh vùng BĐCM. Đơn cử như hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng sẽ gặp nhiều thuận lợi khi xuất hàng từ sân bay ở Bạc Liêu, thay vì phải vận chuyển đến sân bay Cần Thơ hoặc sân bay Cà Mau. Mặt khác, với vị trí là trung tâm của ngành tôm công nghiệp và năng lượng tái tạo của cả nước, Bạc Liêu sẽ là nơi hội tụ hàng hóa từ các tỉnh của khu vực BĐCM đổ về và cả nhập hàng từ nước ngoài phục vụ cho xây dựng, sản xuất, chế biến… nên việc phát triển sân bay là nhu cầu và cũng là xu thế phải làm trong tương lai gần. Và với vị trí là trung tâm của nhiều thế mạnh, Bạc Liêu sẽ thu hút lượng khách trong, ngoài nước, các chuyên gia, doanh nghiệp đến giao dịch, làm việc, sản xuất, kinh doanh, du lịch…

Chọn đột phá từ giao thông

Để Bạc Liêu trở thành trung tâm của vùng BĐCM thì một trong những giải pháp quan trọng và mang tính đột phá chính là tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông. Qua đó, tạo thuận lợi trong liên kết vùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đây cũng là giải pháp mang tính chiến lược cho vùng BĐCM phát triển mà lâu nay yếu kém về hạ tầng giao thông đã làm cho các tiềm năng, thế mạnh của vùng chưa được phát huy.

Theo đó, Bạc Liêu kiến nghị Trung ương, Chính phủ sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên. Tuyến đường cao tốc này nằm trong quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có điểm đầu tại cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên, Kiên Giang (thông với Campuchia), điểm cuối tại TP. Bạc Liêu, có tổng chiều dài 225km, tổng mức đầu tư ước tính 45.000 tỷ đồng, đi qua 4 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Đây là tuyến đường trục ngang duy nhất nối liền biển Tây với biển Đông. Đồng thời cũng là một trong 2 tuyến cao tốc “xương sống” của vùng ĐBSCL (tuyến còn lại là TP. HCM - Cần Thơ - Cà Mau), là trục kết nối giao thương giữa các vùng nguyên liệu, có ý nghĩa rất to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và thích ứng biến đổi khí hậu của cả vùng; hoàn thiện hệ thống các tuyến trục ngang kết nối với các tuyến quốc lộ trục dọc của tiểu vùng BĐCM. Trước mắt, tỉnh kiến nghị Trung ương cho triển khai trước một phần đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu, cụ thể đối với đoạn từ Quốc lộ 1A ra đê biển, gắn với xây dựng cảng biển Bạc Liêu theo quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/1/2018).

Bên cạnh đó, đầu tư tuyến đường liên kết vùng ĐT.980 Gành Hào - Hộ Phòng - cầu Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối vào đường Hồ Chí Minh (tổng chiều dài 68,5km, tổng mức đầu tư 4.186 tỷ đồng). Đây là tuyến đường kết nối 4 tuyến quốc lộ (đường hành lang ven biển phía Nam, Quốc lộ 1A, Quản Lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh) đi qua 2 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và gần ranh giới tỉnh Cà Mau, tạo kết nối giữa các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, chế biến tôm của các tỉnh phía Nam sông Hậu, vì thực tế hiện nay tôm và các sản phẩm liên quan đến tôm đều vận chuyển bằng đường bộ, đang rất cần một tuyến đường ngang kết nối giữa các quốc lộ trong vùng để vận chuyển các mặt hàng và kết nối các khu vực phát triển. Hơn nữa, tuyến đường này còn có ý nghĩa rất quan trọng về quốc phòng - an ninh, cứu hộ cứu nạn, sơ tán dân cư khi có thiên tai và là tuyến vận tải bộ quan trọng nhất kết nối từ Cảng biển Gành Hào vào các quốc lộ khác. Ngoài ra, do tuyến đường này tận dụng 2 cây cầu lớn vừa xây dựng xong là cầu Giá Rai và cầu Phó Sinh 2 nên tiết kiệm khá lớn về chi phí đầu tư…

Với những ý nghĩa quan trọng mang lại từ các công trình giao thông trên, việc Trung ương và Chính phủ sớm triển khai đầu tư sẽ góp phần vực dậy các tiềm năng, thế mạnh của vùng và tạo điều kiện thuận lợi cho vùng BĐCM đẩy mạnh hợp tác, liên kết cho phát triển bền vững.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.