Xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp tôm: Nhìn từ “thủ phủ” tôm Bạc Liêu

Thứ Tư, 24/07/2024 | 09:41

Bài 2: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao “nghẽn” ở đâu?

>>Bài 1: Nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường

Để Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước thì phải có mô hình dẫn dắt và tạo ra sản lượng lớn cho xuất khẩu. Vì vậy, Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh đạt khoảng 150.000ha. Thế nhưng, khả năng này sẽ khó hoàn thành, khi đồng vốn đầu tư cho các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) này bị “ách tắc” và cần một “cú hích” về chính sách để khai thông.

Hồ tròn và hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm công nghệ cao được đầu tư tiền tỷ nhưng không được xem là tài sản thế chấp.

TÀI SẢN TIỀN TỶ NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC THẾ CHẤP!?

Từ năm 2017, khi có Quyết định 694 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng “Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” và hy vọng với Đề án này sẽ tạo nên những động lực to lớn cho con tôm phát triển, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC.

Thế nhưng, qua hơn 7 năm thực hiện Quyết định 694 và Đề án cho con tôm, cả tỉnh Bạc Liêu chỉ có 12 công ty, đơn vị và 945 hộ dân đã thả nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, 2, 3 giai đoạn với diện tích hơn 5.540ha, so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh trên 143.000ha. Từ con số trên cho thấy, mức độ lan tỏa của các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC còn khá chậm và nếu với tiến độ này thì mục tiêu đạt khoảng 150.000ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh vào năm 2025 là khó khả thi.

Nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ phát triển của các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC phát triển chậm chủ yếu do nông dân và doanh nghiệp không có vốn đầu tư. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV nuôi tôm Long Mạnh (huyện Hòa Bình), để đầu tư cho 1ha nuôi tôm ứng dụng CNC cần đến 5 tỷ đồng/ha. Với mức đầu tư này, gần như vượt quá tầm với của doanh nghiệp, người nông dân và muốn phát triển mô hình nuôi CNC chỉ có duy nhất là dựa vào vốn vay của các ngân hàng. Thế nhưng, các ngân hàng lại không chấp nhận cho vay và xem các hạng mục công trình được đầu tư trên đất chỉ là “rác”, hoặc là “phế liệu”. Cũng như, tài sản được hình thành trên đất phục vụ cho nuôi tôm ứng dụng CNC gồm: khung sắt, bạt, máy bơm ôxy, quạt nước… là những tài sản không có giá trị thế chấp (trừ đất nuôi tôm). Trong khi đó, tất cả tài sản được hình thành trên đất này trên thực tế được đầu tư tiền tỷ!?

Sự phủ nhận về tài sản và không chấp nhận đầu tư vốn của các ngân hàng là hợp lý, vì sau một thời gian nuôi tôm trong môi trường nước mặn, các thiết bị này sẽ mục, sét, rách, hư hỏng và đều phải bỏ đi chứ không thể thanh lý, bởi các tư liệu sản xuất này đã không còn giá trị sử dụng.

Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải đi vay vốn thông qua hình thức huy động tiền gửi để có nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất - kinh doanh và có trách nhiệm trả lãi cho khách hàng gửi tiền. Vì vậy, để đảm bảo đạt lợi nhuận, chủ động phòng, tránh rủi ro vốn trở thành mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, quyết định đầu tư cho các dự án, mô hình mà khi phát sinh rủi ro các tài sản được đem ra thế chấp ấy có giá trị thanh lý cao.

Xuất phát từ thực tiễn này, mà đến nay vẫn chưa có một quy định pháp lý nào bắt buộc các ngân hàng thương mại cổ phần phải đầu tư vốn vay cho nuôi tôm, và nếu như “nút thắt” này không được tháo gỡ và khai thông thì khả năng lan tỏa của các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC là rất khó, vì không có vốn thì lấy gì mà đầu tư!?

Ngoài lý do tài sản không có giá trị thế chấp nên các ngân hàng không đầu tư vốn cho nuôi tôm, các ngân hàng còn một lý do chính đáng khác nữa là đến nay Bạc Liêu vẫn chưa ban hành một mô hình mẫu nào để chứng minh tính hiệu quả và bền vững, nhằm giúp các ngân hàng làm cơ sở trong việc thẩm định cho vay. Đây cũng là “nút thắt” mà ngành quản lý cần có ngay lời giải và quá bức thiết trong thực hiện mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước mà không có một mô hình mẫu để “soi sáng” hay “dẫn đường”, nhất là khi nông dân, doanh nghiệp nuôi tôm đặt ra câu hỏi: Chúng tôi sẽ lựa chọn và áp dụng mô hình nuôi tôm của ai và đâu là mô hình nuôi hiệu quả nhất trong điều kiện hiện nay có quá nhiều mô hình, cách làm khác nhau?!

Giới thiệu mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại TP. Cần Thơ.

PHẢI LIÊN KẾT “6 NHÀ”

Để giải quyết các “nút thắt” này, thiết nghĩ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết “6 nhà” thay vì liên kết “4 nhà” như lâu nay. Đó là ngoài sự tham gia của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp (thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm) cần thêm sự tham gia tích cực của nhà băng (ngân hàng) và cả nhà truyền thông (báo chí).

Song, muốn liên kết này được bền chặt phải xây dựng cho được mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của các nhà. Nếu trước đây, trong liên kết “4 nhà” chỉ tập trung chủ yếu ở khâu doanh nghiệp giúp nông dân bao tiêu sản phẩm, còn sản xuất do nông dân “tự bơi”, thì với mô hình liên kết chuỗi mới này, các nhà đều phải tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Cụ thể là ngân hàng sẽ không đầu tư vốn theo kiểu trọn gói cho người nuôi tôm như trước đây, mà đầu tư vốn vay cho các doanh nghiệp cung cấp thức ăn, con giống để các doanh nghiệp này đầu tư lại cho nông dân. Cách làm mới này sẽ giúp cho người nuôi tôm giảm bớt gánh nặng về tài chính khi vật tư nông nghiệp, con giống chiếm gần 70% chi phí sản xuất. Đặc biệt là tránh được nạn bị các đại lý kinh doanh con giống, thức ăn triệt buộc cung cấp hàng kém chất lượng và kê thêm 30% lãi suất do mua nợ.

Hơn nữa, khi các đại lý kinh doanh con giống, thức ăn vay vốn ngân hàng tham gia chuỗi sản xuất cũng tác động tích cực và làm thay đổi căn bản quan hệ sản xuất. Lâu nay, các đại lý chỉ tập trung lo bán hàng và mặc cho sự may rủi của người nuôi tôm, khi tham gia thực hiện liên kết này thì buộc các đại lý phải luôn đồng hành cùng người nuôi tôm, không bỏ rơi người nuôi tôm nửa đường khi con tôm phát sinh dịch bệnh. Vì nếu người nuôi tôm bị thiệt hại, không có tiền thanh toán vật tư, thì người gánh nợ ngân hàng chính là các đại lý chứ không phải người nuôi tôm. Với tư cách là một trong những thành viên tham gia chuỗi sản xuất, các đại lý sẽ có trách nhiệm lựa chọn, cung cấp sản phẩm tốt nhất, với giá rẻ nhất, nhằm góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho các thành viên mà đại lý cũng là người được hưởng lợi nhuận trực tiếp mang lại từ chuỗi liên kết này.

Điểm lợi nữa là với hình thức đầu tư này, sẽ giúp các ngân hàng quản lý tốt dòng tiền và giải ngân theo tiến độ gắn với từng giai đoạn sinh trưởng của con tôm. Phát huy được hiệu quả đầu tư từ khi giải ngân vốn cho đến khi kết thúc mùa vụ, thu hồi vốn và lãi. Chủ động phòng, tránh được những rủi ro trong đầu tư, nhất là tình trạng nông dân, doanh nghiệp vay vốn nuôi tôm nhưng lại sử dụng sai mục đích của đồng vốn. Theo ông Lê Văn Măng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu: “Cái khó trong việc đầu tư vốn cho các mô hình nuôi tôm lâu nay chính là Bạc Liêu đến nay vẫn chưa xây dựng được một mô hình mẫu khẳng định được tính hiệu quả và phát triển bền vững để các ngân hàng xem xét, thẩm định cho vay. Cũng như, giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp chưa xây dựng được các liên kết theo chuỗi giá trị. Nếu giải quyết được các khó khăn này thì các ngân hàng sẽ mạnh dạn đầu tư vốn. Bởi thông qua liên kết, bản thân người nuôi tôm sẽ không còn đơn độc, gánh nặng về tài chính đã được sẻ chia và trách nhiệm các nhà trong liên kết chuỗi cũng được thể hiện rõ ràng, phát huy đầy đủ”.

Cùng với giải pháp liên kết chuỗi để tháo gỡ các “nút thắt” trong khai thông đồng vốn, về chiến lược lâu dài, Bạc Liêu cần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, ban hành một chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho con tôm như con cá tra của khu vực ĐBSCL. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngân hàng tích cực đầu tư vốn cho con tôm như: ưu tiên tái cấp vốn, thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có tỷ lệ đầu tư lớn cho con tôm và có tăng trưởng tín dụng cao đối với lĩnh vực này. Cùng với đó là khuyến khích nhiều ngân hàng khác tham gia, chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho con tôm; thực hiện tốt miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay tín chấp không cần tài sản bảo đảm… Riêng các trường hợp tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai bất khả kháng thì tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và tiếp tục tái đầu tư.

Nuôi tôm công nghệ cao sẽ tạo ra sản lượng lớn cung cấp cho xuất khẩu thủy sản. Ảnh: L.D

Ngoài liên kết “5 nhà”, thì trong hội nhập kinh tế toàn cầu cũng cần có sự tham gia của một nhà nữa là “nhà truyền thông” hay các cơ quan báo chí trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh về một “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm, nhằm giúp con tôm Bạc Liêu không ngừng vươn xa và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với vai trò và tầm quan trọng đó, trong Nghị quyết 66 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông hoạt động đúng quy định, phản ánh đúng tình hình của doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng môi trường truyền thông, báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và doanh nhân; phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ chỉ đạo này cho thấy, vai trò của báo chí rất đặc biệt trong việc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng như báo chí phải tiên phong và đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó, gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là trong nền kinh tế hội nhập nhanh mà thông tin chính là sức mạnh và tạo ra khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu tất yếu trong sản xuất, lưu thông hàng hóa gắn với quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối cung cầu, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động hội nhập, phát triển bền vững, nhất là con tôm xuất khẩu - một trong những thế mạnh kinh tế hàng đầu của vùng ĐBSCL.

KIM TRUNG - KIÊN NHẪN

 

TS Lê Anh Xuân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Tư vấn chuyển giao công nghệ nuôi tôm sạch Trúc Anh: Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao mô hình để nông dân làm giàu từ con tôm

Một trong những khó khăn trong phát triển nghề nuôi tôm và khó lan tỏa mạnh các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu nói riêng và cả khu vực ĐBSCL chính là xây dựng nên một mô hình mẫu để giúp nông dân tránh rủi ro, tăng lợi nhuận và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững như Báo Bạc Liêu đã phản ánh.

Với mong muốn chia sẻ thành công cùng cộng đồng và chung tay góp sức xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm và góp sức cùng ĐBSCL phát  huy thế mạnh đặc thù này, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh đã nghiên cứu thành công “Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước”, được Bộ NN&PTNT công nhận là quy trình tiến bộ kỹ thuật đầu tiên của Việt Nam về nuôi tôm. Đồng thời, thành lập Hợp tác xã Tư vấn chuyển giao công nghệ nuôi tôm sạch gắn với đầu tư trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân các tỉnh ĐBSCL. Ưu điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc này chính là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, do không sử dụng kháng sinh, hóa chất mà chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học và không thay nước. Vì vậy, sẽ tránh được nạn ô nhiễm môi trường do xả thải. Đặc biệt, giảm chi phí từ 10 - 20% so với nuôi truyền thống và giá bán cao hơn so với thị trường từ 5 - 10% (vì đây là tôm sạch). Cũng như, hệ số chuyển đổi thức ăn khoảng 0.85 - 1 so với nuôi thông thường từ 1.2 - 1.6. Mật độ tôm nuôi từ 200 - 300 con/m2 và tăng số vụ nuôi lên từ 4 - 5 vụ/năm so với nuôi truyền thống từ 1 - 2 vụ/năm. Riêng năng suất tôm thu hoạch sẽ đạt từ 120 - 150 tấn/ha/năm…

Với phương châm luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh và nông dân vùng ĐBSCL, Công ty Trúc Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao mô hình nuôi này cho nông dân để ai cũng có thể làm giàu từ con tôm.

 

Ông Long Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh: Mong muốn góp sức vì sự phát triển bền vững của ngành tôm

Ông Long Văn Nghĩa (người thứ 2 từ phải sang) nhận Giấy chứng nhận chất lượng của Tổng lãnh sự quán Ấn Độ về “Mô hình xử lý chất thải trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh”.

Qua điều tra và khảo sát thực tế các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh ĐBSCL, một trong những nguyên nhân làm cho việc phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chậm phát triển và chưa tạo được tính lan tỏa mạnh chính là chưa giải quyết được bài toán xả thải trong quản lý môi trường. Do vậy, đây luôn là vấn đề nóng trong các kỳ họp HĐND và trả lời các chất vấn của cử tri. Song, Bạc Liêu cũng có doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công mô hình quản lý chất thải và được nhiều tổ chức về môi trường trên thế giới đến tham quan học tập. Đó là “Mô hình xử lý chất thải trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh” của Công ty TNHH MTV Long Mạnh (huyện Hòa Bình). Đây là mô hình được tỉnh Bạc Liêu chọn báo cáo điển hình thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, hội nghị giới thiệu sâu rộng đến nhiều hộ nuôi tôm trong nước và ngoài nước. Tính ưu việt của mô hình này là tái sử dụng lại 100% nguồn nước nuôi tôm thông qua quy trình tuần hoàn nước góp phần sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hạn chế xả thải trực tiếp nguồn nước thải ra môi trường. Đặc biệt, chất thải từ con tôm thải ra sẽ được ủ thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng hoa kiểng, rau cải, cây ăn trái và quan trọng hơn cả là phân tôm được ủ trong hầm biogas sẽ tạo ra khí gas phục vụ cho các trang trại nuôi tôm, giúp các trang trại giảm chi phí đầu tư từ sử dụng điện hay các loại khí đốt khác. Qua đó cho thấy, chất thải từ con tôm dùng làm biogas sẽ tạo ra được 2 lần giá trị, thứ nhất là làm nguyên liệu tạo biogas, sau đó khoảng 6 tháng sẽ được dùng làm phân bón cho cây trồng các loại (kể cả cây kiểng). Cả 2 giá trị này của phân tôm đều cho hiệu quả cao và hơn cả là giúp người nuôi tôm giảm được chi phí trong xử lý môi trường thải ra từ nuôi tôm. Mô hình tuần hoàn và kép kín này phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh và tái sử dụng lại nguồn tài nguyên bị xem là “rác” một cách có hiệu quả, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường sản xuất.

Cùng với những lợi ích thiết thực trong bảo vệ môi trường, về hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng mô hình cho năng suất tôm nuôi đạt từ 200 - 250 tấn/ha/năm và nuôi tôm 3 giai đoạn nên tăng số vụ lên 4 vụ/năm. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ thành công đến 75 - 90% và tạo ra sản phẩm tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 100%.

Với mong muốn góp sức vì sự phát triển bền vững của ngành tôm, Công ty TNHH MTV Long Mạnh đã và đang tích cực chuyển giao mô hình này cho các hộ nuôi tôm. Qua đó, khuyến khích các hộ nuôi tôm và doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ môi trường, sử dụng và phát huy có hiệu quả tài nguyên nước và tận dụng lại các chất thải nhằm tăng thêm lợi nhuận và hướng đến tăng trưởng xanh.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.