Xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm về công nghiệp tôm: Nhìn từ “thủ phủ” tôm Bạc Liêu

Thứ Năm, 25/07/2024 | 14:21

Bài 3: Cần xây dựng các liên kết bền chặt

>>Bài 1: Nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường

>>Bài 2: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao “nghẽn” ở đâu?

Lâu nay, khi nói đến thế mạnh kinh tế đặc thù của Bạc Liêu là người ta nói đến con tôm xuất khẩu. Vậy mà đến nay Bạc Liêu vẫn chưa tạo được bứt phá về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thủy sản và luôn nằm sau tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng. Do vậy, nếu không có những giải pháp căn cơ và tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đi sau những tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khó thể hiện được vai trò là “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh gửi đơn yêu cầu giải quyết nạn thương lái Trung Quốc thao túng thị trường từ năm 2018 nhưng đến nay chưa được quan tâm xử lý.

CON TÔM BỊ “CHẢY MÁU”!?

Qua thống kê tình hình xuất khẩu năm 2023 cho thấy, KNXK tôm năm 2023 tỉnh Sóc Trăng đứng đầu cả nước với trên 1,5 tỷ USD, tỉnh Cà Mau đứng thứ 2 với trên 1,2 tỷ USD và Bạc Liêu xếp thứ 3 với khoảng 1 tỷ USD. Với tốc độ phát triển như hiện nay, nếu không tăng tốc và tổ chức lại sản xuất gắn với tái mô hình tăng trưởng theo chiều sâu thì Bạc Liêu khó hoàn thành chỉ tiêu KNXK tôm đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.

Qua phân tích số liệu từ thực trạng ngành tôm của tỉnh, mục tiêu đến năm 2025 Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước thật không dễ dàng. Song, mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được trong điều kiện Bạc Liêu phải tập trung giải quyết cho được nạn “chảy máu” nguồn tài nguyên mang lại từ con tôm, vốn được xem là khâu trọng yếu trong lưu thông hàng hóa hiện nay.

Qua điều tra, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến KNXK của tỉnh đạt thấp so với các tỉnh, mặc dù sản lượng tôm do nông dân sản xuất ra gần như nhau. Đó là thực trạng nguồn tôm nguyên liệu của tỉnh Bạc Liêu đã thay nhau “chạy ra” các tỉnh ngoài giúp doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh khác làm giàu, còn các nhà máy của tỉnh Bạc Liêu thì cứ than “thiếu tôm”!?

Năm 2023, Bạc Liêu sản xuất trên 247.140 tấn tôm, nhưng số tôm nguyên liệu được đưa vào nhà máy chế biến và trở thành hàng xuất khẩu chỉ dừng ở con số khoảng 96.980 tấn, chiếm hơn 39%/tổng sản lượng làm ra. Điều đó đồng nghĩa với việc có trên 60% sản lượng tôm nguyên liệu chảy ra tỉnh ngoài!? Vấn đề đặt ra, nếu 60% sản lượng tôm bị “chảy máu” trên được tập trung chế biến tại các nhà máy của Bạc Liêu thì chỉ tiêu KNXK đạt 1,3 tỷ USD là hoàn toàn thực hiện được.

Nguyên nhân của nạn “chảy máu” trên là do con tôm Bạc Liêu chưa xây dựng và hình thành nên những chuỗi liên kết bền chặt và đây cũng là thực trạng chung của nhiều tỉnh trọng điểm về nuôi tôm ở vùng ĐBSCL hiện nay. Năm 2024, khi tổ chức Hội nghị tổng kết liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản năm 2023 và kế hoạch năm 2024 - 2025 thì diện tích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm năm 2023 của Bạc Liêu chỉ có 3.732ha, chiếm 2,53% diện tích nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh. Con số này quá nhỏ so với tiềm năng, lợi thế và phản ánh thực trạng mạnh ai nấy làm và chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền chặt để hướng đến sản xuất hàng hóa lớn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nạn bơm chính tạp chất vào tôm nguyên liệu, khi các cơ sở thu mua tôm nguyên liệu mua tôm về rồi bơm chính tạp chất vào đó, nhằm tăng thêm trọng lượng cho con tôm để mưu lợi bất chính, thay vì con tôm được đưa thẳng đến các nhà máy chế biến. Qua đó cho thấy, không xây dựng các liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sẽ làm con tôm nguyên liệu trải qua quá nhiều khâu trung gian và xót xa nhất chính là con tôm được sản xuất theo quy trình sạch nay đã bị các thương lái thu mua tôm nguyên liệu làm bẩn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của con tôm chỉ vì hành vi gian lận thương mại.

Không xây dựng được chợ hay sàn giao dịch cho con tôm nên nông dân phải “tự bơi” trong tìm kiếm đầu ra (thương lái thu mua tôm nguyên liệu của nông dân tại đồng rồi xuất bán sang các tỉnh khác).

Vấn đề đặt ra: Tại sao người nuôi tôm lại không muốn liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để được bao tiêu sản phẩm? Lý do rất đơn giản, vì phần lớn các doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân chủ yếu để bán vật tư thủy sản cho nông dân và không chia sẻ được gánh nặng khi sản xuất gặp rủi ro. Nông dân Huỳnh Thành Nam (huyện Hòa Bình) bức xúc phản ánh: “Nói liên kết sản xuất với nông dân, nhưng thực chất đó chỉ là chiêu trò để các doanh nghiệp kinh doanh vật tư thủy sản bán hàng của họ trực tiếp với nông dân mà không phải trải qua các khâu trung gian hay các đại lý. Muốn liên kết sản xuất với doanh nghiệp thì nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất của họ, nghĩa là nông dân phải sử dụng toàn bộ sản phẩm do doanh nghiệp tham gia liên kết cung cấp và không được từ chối mặc dù giá của các sản phẩm đó cao hơn giá bán so với các công ty khác, thậm chí chất lượng không đảm bảo nông dân cũng phải sử dụng. Trong khi đó, vật tư thủy sản chiếm khoảng 60% tổng chi phí nuôi tôm. Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào đã có ngay lợi nhuận, còn người nông dân phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường giá thu mua tôm. Lẽ đó, đôi khi trúng tôm nhưng không trúng giá thì nông dân coi như hòa vốn, thậm chí lỗ, còn doanh nghiệp tham gia liên kết đã lãi chắc từ 60% vật tư cung cấp đầu vào. Với hình thức liên kết và bán hàng theo kiểu triệt buộc này nên nông dân không tha thiết liên kết với doanh nghiệp mà tự mua vật tư theo ý và thỏa thuận giá phù với khả năng tài chính của mình, cũng như có quyền lựa chọn hàng hóa chất lượng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau”.

Sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng thêm lợi nhuận từ 2 - 3 lần so với xuất khẩu con tôm đông.

ƯU TIÊN “4 ĐỘT PHÁ”

Để hóa giải các khó khăn, thách thức hiện nay và đưa Bạc Liêu đứng vào tốp đầu của cả nước về phát triển con tôm xuất khẩu, thiết nghĩ cần tập trung vào “4 đột phá” trong thực hiện tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo chiều sâu cho ngành tôm. Đó là tập trung tháo gỡ ngay các “điểm nghẽn” về thị trường và tăng cường quản lý, thay vì để thị trường bị “thả nổi” tự phát như lâu nay. Bạc Liêu chọn con tôm là vật nuôi chủ lực và đột phá từ con tôm, nhưng từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) cho đến nay Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được một chợ đầu mối cho con tôm!? Cũng như, chưa hình thành nên một sàn giao dịch cho con tôm, nhằm chủ động tránh được tình trạng chèn ép giá từ thương lái. Và người nuôi tôm lại “tự bơi” trong việc tìm kiếm thị trường và gần như không có một “chiếc phao” để bám lấy khi giá tôm biến động.

Xuất phát từ việc thiếu quan tâm và quản lý này, thị trường con tôm Bạc Liêu thay nhau bị các thương lái Trung Quốc thao túng và tạo ra hàng hoạt các hệ lụy xã hội. Đó là việc các thương nhân Trung Quốc thuê kho, xưởng của các doanh nghiệp tỉnh để gia công thành phẩm rồi xuất về Trung Quốc. Đồng thời, thành lập các tổ thu mua tôm rải khắp các miền quê và tranh giành công nhân với các nhà máy chế biến thủy sản. Ông Mai Bá Dũng - Giám đốc Công ty Chế biến xuất khẩu Tôm Việt (người đã cung cấp thông tin cho Báo Bạc Liêu từ năm 2022) bức xúc nói: “Tuy Báo Bạc Liêu đã phản ánh, nhưng thực trạng thương lái Trung Quốc vào thao túng và tranh mua, giành bán tôm đến nay vẫn diễn ra. Vấn nạn này tồn tại từ năm 2018 và nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã gửi đơn phản ánh, kiến nghị, thậm chí “kêu cứu”, nhưng ngành quản lý đến nay vẫn chưa có phản hồi hay xử lý nghiêm các thương lái này. Các thương lái này không chỉ tạo ra sự bất ổn về giá tôm, gây ô nhiễm môi trường sản xuất, mà quan trọng hơn cả là làm ảnh hưởng chung đến toàn ngành xuất khẩu khi con tôm được chế biến mang thương hiệu Bạc Liêu nói riêng và của Việt Nam nói chung”.

Một giải pháp mang tính đột phá khác chính là Bạc Liêu cần xây dựng một chiến lược để phát triển khu công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu. Bởi lâu nay, việc phát triển các nhà máy chế biến đều mang tính tự phát và Bạc Liêu chưa xây dựng được khu công nghiệp dành riêng cho con tôm. Trong khi đó, chế biến xuất khẩu đóng vai trò quyết định đến giá trị của cả chuỗi ngành tôm và đã là trung tâm công nghiệp tôm thì phải có xuất khẩu, nếu không Bạc Liêu chỉ là “thủ phủ” nuôi tôm chứ không thể trở thành “thủ phủ” công nghiệp tôm!?

Quan tâm đến vấn đề này, vì qua khảo sát với hơn 45 nhà máy chế biến thủy sản có công suất thiết kế 209.700 tấn/năm, đến nay đã đạt 100% công suất. Do vậy, phần lớn các hợp đồng của doanh nghiệp chỉ dám ký trong những tháng đầu năm và kết thúc rất sớm, vì nếu tiếp tục ký nữa sẽ không thể sản xuất kịp hàng để cung cấp cho các nước nhập khẩu do công suất các nhà máy đã đạt đến mức “cực đại”, ông Trần Văn Diệu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long phản ánh như thế.

Theo kiến nghị của các doanh nghiệp xuất khẩu, Bạc Liêu cần quy hoạch thêm các khu công nghiệp để phát triển các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và góp phần khai thác, phát huy nguồn tôm nguyên liệu vốn dồi dào trong hiện tại và tương lai, nhất là khi Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” thì diện tích, sản lượng tôm sẽ tăng cao nên phải có ngay kế hoạch trên tinh thần chủ động đón đầu. Nếu không, nguồn tài nguyên này sẽ tiếp tục “chảy máu” ra các tỉnh ngoài, vì khi có khu công nghiệp các doanh nghiệp sẽ xây dựng thêm hệ thống kho chứa giúp nông dân thu mua tôm dự trữ khi vào mùa thu hoạch tập trung.

Quy trình sản xuất khép kín và sản phẩm con tôm hoàn hảo của Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: K.T

Cùng với tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo “chiều rộng” thì cần một giải pháp đột phá khác nữa là tập trung tái mô hình tăng trưởng theo “chiều sâu”, nghĩa là chuyển từ xuất khẩu thô với trên 90% lượng tôm xuất chủ yếu là tôm đông block sang chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao như: tôm hấp, tôm chiên, tôm tẩm tỏi, tôm lăn bột, tôm nobashy… Làm được điều này, giá trị, lợi nhuận mang lại sẽ tăng gấp 2 - 3 lần so với bán tôm đông block và KNXK sẽ không dừng ở con số 1,3 tỷ USD/năm mà có thể tăng thêm từ 1 - 2 lần. Song, muốn làm được việc này phải xây dựng một chiến lược trong đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân và trang bị cả tác phong công nghiệp. Bởi phần lớn công nhân hành nghề lột tôm hiện nay chỉ làm công nhật kiểu “làm ngày nào lấy tiền xài này nấy” nên khó đào tạo hay chuyển giao kỹ thuật làm các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, muốn làm mặt hàng giá trị gia tăng thì công nhân phải gắn bó với doanh nghiệp xuất khẩu và không ngừng được đào tạo, nâng cao tay nghề cho các sản phẩm mới theo nhu cầu của thị trường.

Và một giải pháp đột phá cuối cùng chính là xây dựng các liên kết bền chặt trong chuỗi giá trị của ngành tôm thông qua phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp theo mô hình “từ cánh đồng nhà máy”. Qua đó, cắt giảm các khâu trung gian, giúp người nông dân tăng thêm lợi nhuận. Bởi đây không chỉ là giải pháp bền vững cho phát triển ngành tôm, mà còn là mô hình mang tính tất yếu trong hội nhập kinh tế và được chứng minh bằng sự thành công của Tập đoàn Việt - Úc Bạc Liêu khi xây dựng thành công chuỗi sản xuất khép kín. Từ con tôm bố mẹ, đến khâu tôm giống, nuôi tôm thương phẩm và vào nhà máy chế biến thủy sản để tạo ra sản phẩm: “Con tôm hoàn hảo”. Đáng phấn khởi nhất là những con tôm này được nuôi theo quy trình sạch, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, truy xuất được nguồn gốc, màu sắc và mang hương vị vượt trội, đáp ứng tất cả các tiêu chí của thị trường xuất khẩu. Việc ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát toàn chuỗi giá trị này, không chỉ góp phần nâng tầm thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu, mà còn thể hiện khát vọng của con tôm Việt Nam trong việc cạnh tranh về giá trị, thương hiệu với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước sẽ hoàn toàn thực hiện thắng lợi khi các “nút thắt” được tháo gỡ và “điểm nghẽn” được khai thông. Song, điều cần làm ngay hiện nay chính là khẩn trương xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, vì qua 7 năm thành lập, xây dựng cho đến nay khu nông nghiệp vẫn chưa đưa vào khai thác. Trong khi  khu nông nghiệp này được ví như “trái tim” của “thủ phủ” ngành tôm. Lý do khu nông nghiệp bị “đóng băng” do vướng các cơ chế và các thủ tục pháp lý chồng chéo giữa các bộ, ngành với nhau nên chưa thể cấp giấy quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Bạc Liêu sẽ chờ đến bao giờ mới có thể đưa khu nông nghiệp này đi vào hoạt động, khi các nhà đầu tư đã không còn kiên nhẫn chờ và niềm tin, khát vọng làm giàu từ con tôm vẫn cứ “nằm ỳ” chỉ vì vướng cơ chế, chính sách và các quy định pháp lý kéo dài theo kiểu gỡ hoài gỡ không ra!?

KIM TRUNG - KIÊN NHẪN

 

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất

Năm 2024, Cục Thủy sản đã đưa ra một số dự báo về mức sản xuất tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại (khoảng 4,8%). Trong đó, tôm sú là đối tượng sẽ được nuôi và phát triển mạnh trở lại (tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ). Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn với những thách thức lớn khi phải cạnh tranh gay gắt giữa các nước sản xuất tôm trên thế giới và cạnh tranh về giá cả thị trường (tiêu biểu nhất là tôm Ecuador luôn đưa ra giá chào bán rất thấp, với mức giá đó thì các hộ nuôi tôm của Việt Nam không có lãi, thậm chí lỗ nhẹ nếu vẫn bán giá thấp để duy trì việc làm cho người lao động). Cùng với đó là các áp lực về chi phí thức ăn, chất lượng tôm giống và nan giải nhất là vấn đề dịch bệnh, giá tôm thương phẩm thấp, ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành tôm.

Song, với quyết tâm phát huy thế mạnh của con tôm cho tăng trưởng kinh tế, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo phát triển hiệu quả 2 đối tượng tôm nuôi chủ lực của tỉnh là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đồng thời, tiếp tục phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là mô hình nuôi dẫn dắt đối với ngành tôm của tỉnh, nhất là phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng quy trình nuôi tuần hoàn, sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng các khoa học - công nghệ tiên tiến.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu với tích cực thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến tỉnh Bạc Liêu tìm hiểu, thực hiện dự án đầu tư nuôi tôm, sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy chế biến công suất lớn, công nghệ hiện đại và các ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy phát triển ngành tôm. Tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các hộ nông dân trực tiếp nuôi tôm, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi tôm được vay vốn tín dụng phát triển sản xuất. Đặc biệt, sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất mà trọng tâm là phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, trang trại gắn kết với doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị cho con tôm, cũng như xác định mô hình nuôi, phương thức nuôi phù hợp. Trong đó, xác định mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá để hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực thủy sản (từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tôm)…

Song song đó, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm, nhằm hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi. Khuyến khích người nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình nuôi ít thay nước phù hợp, mô hình nuôi đa tầng, đa loài, mô hình nuôi nhiều giai đoạn, thu nhỏ diện tích nuôi để dễ dàng tác động kỹ thuật, tăng cường quá trình quản lý, chăm sóc và quản lý môi trường nuôi, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm chi phí sản xuất nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Đặc biệt, tập trung xây dựng thành công nhãn hiệu “Tôm sạch Bạc Liêu” để nâng cao giá trị kinh tế con tôm và xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

 

Ông Phạm Hoàng Minh - Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu: Đặt người nuôi tôm làm trung tâm

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành tôm đều là những liên kết không bền chặt, chỉ cần một vấn đề xảy ra là có thể đổ vỡ vì các bên đều không có bảo hiểm đồng hành, không có sự đảm bảo về luật pháp. Bởi các mô hình liên kết trong ngành tôm Việt Nam chưa có một mô hình nào có sự liên kết chặt chẽ và hữu cơ với nhau, chưa hoàn thiện đầy đủ từ khâu: vốn, công nghệ, vật tư, nguyên liệu, thu mua, chế biến, bảo hiểm… để hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã dần hoàn thiện chuỗi cung ứng nhưng mới chỉ chạy ở quy mô doanh nghiệp của họ, chưa nhân rộng ra cho các hộ dân trên diện rộng. Đặc biệt là liên kết không công bằng giữa người nông dân và đối tác. Trong chuỗi liên kết ngành tôm có thể xuất hiện từ nhiều khía cạnh khác nhau. Dưới đây là 2 vấn đề lớn về sự không công bằng trong quan hệ giữa người nông dân nuôi tôm và các đối tác của họ. Thứ nhất là sự không công bằng về giá mua, giá bán. Trong chuỗi giá trị ngành tôm thì người nuôi tôm thường là những người nghèo đang sống ở nông thôn, trong khi các đối tác của họ là các công ty, đại lý hoặc nhà máy có tiềm lực tài chính lớn hơn. Vì vậy người nông dân thường không có quyền đàm phán giá cả. Thứ hai là sự không công bằng trong việc chia sẻ rủi ro. Đó là khi có rủi ro trong nuôi tôm, người nông dân phải tự chịu mọi chi phí và thiệt hại mà không được hỗ trợ, đền bù, bảo hiểm. Trong khi đó, các đối tác không có ràng buộc nào để tránh thiệt hại và chia sẻ rủi ro với người nông dân.

Để giảm sự không công bằng trong liên kết giữa người nuôi tôm và các đối tác, cần thiết phải có một mô hình liên kết bền vững giữa những người nuôi tôm với các đối tác một cách bền vững, có sự hỗ trợ của ngân hàng và đảm bảo của bảo hiểm, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước để đào tạo kiến thức và thông tin cho người nuôi tôm, đảm bảo sự minh bạch trong các chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết chuẩn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nuôi tôm trong chuỗi.

Bên cạnh đó, liên kết không có sự quản lý của đơn vị giám sát độc lập, có nghĩa là không có sự kiểm tra và giám sát từ bên thứ 3 (bên ngoài các đơn vị tham gia chuỗi), có thể dẫn đến việc thiếu minh bạch và cam kết trong các khâu của chuỗi, thiếu sự bảo đảm về chất lượng. Nếu không có sự giám sát độc lập, các bên trong chuỗi liên kết có thể không tuân thủ các tiêu chuẩn và quy trình của từng khâu từ giống, thức ăn, thuốc, công nghệ nuôi… gây mất lòng tin của các thành viên của chuỗi với nhau và giảm chất lượng của sản phẩm cuối cùng.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn và bảo vệ lợi ích của tất cả các bên trong chuỗi liên kết ngành tôm, cần thiết phải có chế tài và giám sát độc lập. Các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt cần được áp dụng và các bên cần phải chịu trách nhiệm và hình phạt nếu vi phạm. Người tiêu dùng cũng nên có quyền biết và kiểm tra nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm tôm mà họ tiêu dùng. Trong chuỗi giá trị ngành tôm hiện nay chỉ bao gồm 3 thành phần chính, đó là: Các cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào, các hộ nuôi tôm (hay doanh nghiệp nuôi tôm) và các cơ sở thu mua, chế biến tôm xuất khẩu. Trong đó, hộ nuôi tôm đóng vai trò quan trọng và chịu rủi ro cao nhất. Vì hộ nuôi tôm phải đầu tư đất đai, xây dựng ao nuôi, thức ăn, tôm giống, hóa chất, nhân công…. Họ phải quản lý, bảo vệ và chăm sóc tôm, đối mặt với các rủi ro như thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Nếu mắc phải bất kỳ sự cố nào, hộ nuôi tôm đều phải tự chịu rủi ro mà không được các đối tác chia sẻ. Ngoài rủi ro trong quá trình nuôi tôm thì hộ nuôi cũng phải đối mặt với sự biến động thị trường và giá cả. Cũng như, các hộ nuôi tôm bị ép mua giá nguyên liệu cao khi không có tiền để trả ngay và phải bán tôm giá thấp khi cần phải bán tôm. Do vậy, cần xây dựng các tiêu chí của một mô hình liên kết bền vững. Trong đó, đặt người nuôi tôm làm trung tâm để cung cấp đầy đủ các nhu cầu cho việc sản xuất của họ; quy hoạch các vùng nuôi có cùng một phương thức nuôi; giải quyết được vấn đề manh mún về diện tích của từng trang trại; có phương thức bảo hiểm an toàn cho các bên và có sự liên kết chặt chẽ giữa các mắc xích của chuỗi; đảm bảo hài hòa các lợi ích và chia sẻ rủi ro cho các đối tác tham gia chuỗi và cả đảm bảo về giảm thiểu ô nhiễm môi trường; dễ dàng nhân rộng mô hình chuỗi liên kết này trên phạm vi toàn quốc và đảm bảo phát triển ngành tôm bền vững và công bằng...

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.