Mô hình nhà nông
Huyện Phước Long: Phát triển kinh tế hộ gia đình từ cải tạo vườn tạp
Cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào trồng nhằm khai thác, phát triển kinh tế vườn là hướng đi được các xã, thị trấn của huyện Phước Long chú trọng thực hiện. Qua đó, vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần tạo diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh.
Ông Tăng Văn Hoàng bên hàng dừa đang cho trái của gia đình. Ảnh: C.L
Năm 2016, gia đình ông Tăng Văn Hoàng (ấp Huê 2 B, xã Vĩnh Thanh) được chính quyền huyện Phước Long hỗ trợ hơn 20 cây dừa xiêm lùn trồng cặp theo mé kênh trước khuôn viên nhà có tuyến đường giao thông ngang qua. Sau khoảng 3 năm trồng và chăm sóc, hàng dừa xanh nghiêng bóng đã bắt đầu cho những quả ngọt đầu tiên. Và cứ thế, mỗi năm từng cây dừa càng thêm trĩu quả, vừa tạo hoa lợi cho gia đình, vừa góp phần tạo nên nét đẹp đặc trưng cho vùng quê sông nước nông thôn. Ông Hoàng vui vẻ nói: “Chính quyền địa phương cho giống rồi còn tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, mình chỉ bỏ chút công mà được hàng dừa để lấy trái và làm thức uống cho cả nhà. Tôi thấy cách làm này rất hay, hiện hầu hết các hàng dừa được trồng không chỉ của gia đình tôi mà của nhiều bà con khác cũng đều cho trái rất nhiều”.
Ngoài trồng dừa, nhiều hộ dân trong huyện Phước Long còn được ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương hướng dẫn trồng những loại cây khác có giá trị kinh tế theo hướng đa dạng hóa cây trồng, tránh tình trạng “thừa hàng, dội chợ”, giúp người dân tiêu thụ được dễ dàng, như trồng ổi, mít, xoài, mãng cầu, chuối, chanh, mai vàng và rau màu các loại. Như trường hợp của gia đình bà Võ Kim Diệu cũng ở ấp Huê 2 B. Với khoảng 500m2 vườn tạp, gia đình bà cải tạo trồng gần 100 cây ổi Đài Loan. Thu nhập từ việc bán ổi tuy không nhiều so với những hộ trồng quy mô lớn nhưng cũng phần nào giúp gia đình bà trang trải trong cuộc sống.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, đến nay huyện đã phát động người dân cải tạo được gần 400ha vườn tạp chuyển sang nuôi trồng những loại cây - con có giá trị kinh tế. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện không còn diện tích đất vườn tạp mà thay vào đó là những vườn cây, ao cá tạo nguồn thu nhập cho người dân. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Thái Thị Loan - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các điều kiện cần thiết để nông dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình kinh tế mới thì huyện cũng đang hướng đến xây dựng các vùng trồng tập trung, tạo ra sản lượng, chất lượng ổn định, cấp mã số vùng trồng, đăng ký thương hiệu… nhằm giúp nâng cao giá trị nông sản, mang đến thu nhập ổn định cho bà con”.
Việc phát động người dân cải tạo vườn tạp thay thế những cây trồng phù hợp và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả là hướng đi tất yếu để vừa nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, vừa góp phần tạo vẻ mỹ quan cho bộ mặt nông thôn ngày thêm sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh.
SONG NGUYÊN
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh