Y tế - Sức khỏe
Giữ sạch áo blouse
Hai chữ “blouse trắng” đã gắn liền với hình ảnh người thầy thuốc, rộng hơn là cả ngành Y tế. Màu trắng của áo blouse đã được cộng đồng thần tượng hóa thành sự trong sáng và cao cả vì đặc trưng cứu giúp người của nghề y. Blouse trắng trở thành biểu tượng của người hành nghề y.
Một khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, người thầy thuốc luôn cảm thấy tự hào, hãnh diện vì được xã hội trân trọng. Nhưng ông bà ta có dạy “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, không phải mặc áo blouse trắng là nghiễm nhiên anh trở thành bác sĩ giỏi, được mọi người yêu thương, kính nể. Mà anh phải học cật lực, phải lao động hết mình, phải thường xuyên trau dồi tay nghề và quan trọng nhất là phải có cái “tâm” của người thầy thuốc, luôn hành nghề vì bệnh nhân, biết đau với cái đau của bệnh nhân, biết khổ với nỗi khổ của bệnh nhân, để biết thương tiếc, ray rứt khi bệnh nhân ra đi...
Đất nước ta đã sản sinh ra không biết bao thế hệ những con người hành nghề y tài hoa, đức độ, tên tuổi không chỉ được tôn vinh trong nước mà còn được bạn bè năm châu biết đến, kính phục. Phải kể ngay đến danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - người như một tấm gương sáng về đức độ hy sinh, thương yêu bệnh nhân để ngàn đời noi theo; danh y Tuệ Tĩnh được tôn vinh là Y tổ thuốc Nam với triết lý hành nghề “Nam dược trị nam nhân” nổi tiếng khắp thế giới; GS-BS Đặng Văn Ngữ có nhiều sáng tạo, công trình khoa học thiết thực đóng góp to lớn trong việc cứu chữa thương bệnh binh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điều chế dung dịch penicillin chữa vết thương trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn; GS-BS Tôn Thất Tùng vang danh thế giới với những công trình khoa học nghiên cứu về gan và phẫu thuật ghép gan; GS Nguyễn Thiện Thành, GS Vũ Văn Đính được ngành Y tế Việt Nam trao giải thưởng “Thành tựu trọn đời” bởi những cống hiến, hy sinh vì người bệnh, vì nhân dân trong suốt sự nghiệp hành nghề y cả đời của mình; Viện sĩ tiến sĩ Dương Quang Trung suốt đời gắn bó ngành Y tế, sáng lập Viện Tim TP. HCM, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày nay... Những cây đa, cây đề của ngành Y tế Việt Nam lược dẫn nêu trên như những tấm gương chói sáng làm trắng thêm màu trắng của áo blouse, của người thầy thuốc chân chính.
Song, ngành Y tế Việt Nam thực tế hiện còn những bất cập, tiêu cực ở một số người hành nghề. Đó là những cá nhân đã không trụ vững trước vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, đã để đồng tiền làm lu mờ cái “tâm” của người thầy thuốc. Sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường đã làm lộ rõ những bác sĩ “vô tâm”. Liệu họ có tìm thấy sự thanh thản cuối đời hay không khi những đồng tiền và sự giàu sang họ có được từ sự phản bội lời thề Hippocrates, thậm chí bằng sinh mạng của bệnh nhân?
“Con sâu làm rầu nồi canh”, câu thành ngữ này áp vào đây rất phù hợp. Nhưng, không phải chỉ vì những “con sâu” mà chúng ta đánh đồng cả một ngành nghề. Chúng ta còn có những người hành nghề y chân chính trên khắp mọi miền đất nước, hằng ngày hằng giờ cặm cụi làm việc, lao động cật lực, chiến đấu với tử thần để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của bệnh nhân. Họ sẽ là những người góp phần giữ trắng, sạch màu áo blouse, để ngành Y xứng với câu “lương y như từ mẫu”...
Bác sĩ Đỗ Triều Hưng
- 32 dự án vào Vòng chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024
- Quy hoạch chung thị xã Giá Rai đến năm 2045
- Rộn ràng sinh khí chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu
- Người cao tuổi tích cực đóng góp xây dựng Đảng
- Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Công ty TNHH Nuri Flex Việt Nam đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo