Y tế - Sức khỏe
Nhanh chóng khống chế dịch heo tai xanh
Dịch heo tai xanh đang bùng phát ở một số nơi trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình), xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai). Trước tình hình này, ngành chức năng đã tổ chức các biện pháp bao vây dập dịch, không để lây lan trên diện rộng.
Bộ NN&PTNT vừa có Công điện khẩn số 05-CĐ-BNN-TY về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh tai xanh ở heo. Để khống chế dịch lây lan trên diện rộng, Bộ N&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người chăn nuôi về nguy cơ phát sinh dịch tai xanh. Hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết bệnh heo tai xanh và báo ngay cho cán bộ thú y. Tổ chức kiểm soát giết mổ một cách chặt chẽ, nghiêm cấm bán chạy heo mắc bệnh để phát tán dịch bệnh. Có chính sách phụ cấp cho cán bộ thú y cơ sở để yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Công bố dịch trên các địa bàn có dịch heo tai xanh. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây dập dịch, tiêu độc sát trùng vệ sinh chuồng trại trên diện rộng. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh… |
Anh Nguyễn Thanh Xuân, cán bộ thú y xã Vĩnh Mỹ B, cho biết: “Xã đã thành lập đội phun thuốc sát trùng phòng dịch và đã phun xịt ở các ấp An Nghiệp, Bình Minh và ấp 15. Đồng thời tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh 1.800/2.000 con heo, đạt 90% trên tổng đàn. Nhờ kịp thời áp dụng các biện pháp bao vây dập dịch nên dịch bệnh trên địa bàn xã đã được khống chế”.
Tại xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai) cũng xuất hiện ổ dịch heo tai xanh. Hộ bà Nguyễn Thị Quân (ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A) nuôi trên 100 con heo, trong đó có 37 con heo mắc bệnh và đã được tiêu hủy. Anh Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh Đông A, cho biết: “Sau khi dịch bùng phát, cán bộ thú y xã đã tiêu hủy heo bệnh và tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêm phòng vắc-xin để khống chế dịch. Đến nay, toàn xã không xuất hiện thêm ổ dịch mới”.
Để ngăn ngừa dịch heo tai xanh bùng phát và lây lan, các huyện đã tập trung tiêu độc, sát trùng gồm 45 lít Benkocid với diện tích 67.500m2 tại các ổ dịch, điểm trung chuyển mua bán heo, điểm giết mổ, những ổ dịch cũ và nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Một thuận lợi trong công tác phòng chống dịch bệnh là nhờ giá hỗ trợ của Nhà nước cao hơn giá heo hơi bên ngoài, nên người nuôi đều khai báo ngay khi heo có bệnh. Các hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh và tiêu hủy được Nhà nước hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi. Mức giá hỗ trợ của Nhà nước cao hơn giá mua heo hơi trên thị trường 3.000 đồng/kg.
Cán bộ thú y phun xịt thuốc tiêu độc sát trùng vệ sinh chuồng trại của các hộ chăn nuôi ở huyện Hòa Bình. Ảnh: M.Đ |
Dịch heo tai xanh bùng phát là lúc để ngành chức năng cần nhìn lại công tác quản lý cũng như xem xét những mô hình chăn nuôi hiện nay. Đó là việc chăn nuôi nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát đàn gia súc và dễ làm dịch bệnh lây lan.
Để hướng đến một ngành chăn nuôi phát triển bền vững, cần có chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch lại vùng nuôi, hạn chế chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ. Đối với các hộ chăn nuôi với số lượng lớn, chăn nuôi theo hình thức trang trại, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật cũng như đầu tư vốn. Có như thế, việc quản lý và công tác giám sát dịch bệnh sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn.
Minh Đạt
- 32 dự án vào Vòng chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024
- Quy hoạch chung thị xã Giá Rai đến năm 2045
- Rộn ràng sinh khí chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu
- Người cao tuổi tích cực đóng góp xây dựng Đảng
- Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Công ty TNHH Nuri Flex Việt Nam đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo