Hương vị quê nhà

Tục phóng sinh

Thứ Sáu, 01/03/2013 | 19:28

Tháng giêng âm lịch được xem như là tháng của lễ hội bởi trong tháng này, nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ hội dân gian được tổ chức. Nguồn gốc xã hội của các lễ hội này là do đây là tháng nghỉ ngơi sau thời gian thu hoạch xong vụ mùa của cư dân nông nghiệp. Ảnh hưởng bởi các lễ tục tín ngưỡng dân gian và tôn giáo khác nhau, của các dân tộc ở những địa bàn khác nhau mà lễ hội mỗi nơi có những nét tiểu dị khác nhau làm phong phú thêm đời sống lễ hội của cộng đồng dân tộc.

Bước sang thời đại phát triển công nghiệp và trong nền kinh tế thị trường, lễ hội dân gian vẫn tồn tại với nhiều hoạt động, có cái phù hợp với thời đại mới nhưng cũng bộc lộ những mặt trái ở cả về vật chất lẫn tinh thần.

Một tục lệ thường thấy ở các lễ hội là phóng sinh. Loài vật được phóng sinh là chim và cá. Từ trước đến nay, đa số chỉ thấy ý nghĩa của tục ở góc độ tâm linh: không sát sinh, phóng sinh để giải trừ xui xẻo, tật bệnh… Nhưng tục lệ này có nguồn gốc xã hội và rất phù hợp với thời đại hiện nay là… “bảo vệ thiên nhiên, môi trường”.

Sách cũ từng ghi ở Cà Mau có nhiều vườn chim. Đầu thế kỷ 19, hằng năm đều có tàu biển người Hoa (thường là ở Quảng Đông, Phúc Kiến) đến để thu mua… lông chim về bán cho những nhà làm quạt, chổi… Và để có chim đem bán, người địa phương bắt chim bằng cách bẫy chim ở những vườn chim. Số chim bị bẫy là nhiều vô kể. Thử làm phép tính đơn giản: cần bao nhiêu chim để có lông chim cân hàng tấn, hàng chục tấn. Số chim sẽ là hàng triệu, triệu con! Còn thịt chim, lúc ấy chẳng có ai ăn và chẳng bán được cho ai, thế là đem chôn(!). Thật là một cách khai thác hủy hoại thiên nhiên khủng khiếp!

Ngày nay không còn chim để khai thác một cách “đại trà” như thế nữa nhưng người bẫy chim đem bán cho người ta phóng sinh lại có cách làm gọi là “lừa người gạt thánh”. Đó là cách bẫy chim nhiều lần đối với chim. Đó là cho chim ăn thức ăn có pha thuốc phiện, chim sẽ nghiện khi đến ăn thức ăn và bị bẫy. Chim sẽ được đem bán phóng sinh và lại bị người bẫy chim bắt bằng cách đó. Có nghĩa là một con chim có thể được phóng sinh nhiều lượt (do bị bẫy nhiều lần).

Xưa kia, ở Bạc Liêu, Cà Mau, kênh rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt, cá tôm nhiều vô kể. Vào đầu mùa mưa là thời gian sinh sản của các loại cá. Mỗi khi có cơn mưa lớn vừa dứt, người ta lấy xà ngom đặt ở các đường nước để bắt cá. Cá vô đầy xà ngom, bán không hết, chỉ có cách làm mắm. Từng có thời kỳ, người ta bắt cá chốt chỉ để làm… phân phục vụ cho trồng trọt, bởi số lượng cá bắt được quá nhiều. Vào con nước, cá “chạy” đầy nò, đáy… và cá bắt được tính bằng cần xé.

Đối với hải sản, trước đây, khi tàu đánh cá về, thường thì các loại cá nhỏ chỉ bán được cho những người có nhu cầu sử dụng… phân trồng dưa hấu.

Ở Bạc Liêu, từng truyền tụng câu ca dao: “Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu/ Sài Gòn thấy vậy, xỏ xâu đem về”. Cá tôm nhiều vô kể, thế nhưng ngay từ lúc thiên nhiên còn ưu đãi như thế thì con người đã sớm xuất hiện ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua tục phóng sinh. Ngày nay, sản lượng tôm cá không còn nhiều như trước nữa, vì thế mà tục phóng sinh càng có ý nghĩa đặc biệt.

Huyện Đông Hải hàng năm đều tổ chức lễ Nghinh Ông khá lớn (đây là một lễ hội dân gian cấp huyện). Những năm gần đây, trong các nghi thức, có một hoạt động vừa mang tính hiện đại vừa mang ý nghĩa cổ truyền. Đó là việc thả tôm giống (do Sở NN&PTNT thực hiện) với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đó chính là cách thực hiện “phóng sinh” với ý nghĩa khoa học là nhằm góp phần tái tạo nguồn tôm thiên nhiên, đồng thời động viên nhân dân có ý thức trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; khi khai thác nguồn lợi thủy sản, không nên “bắt tận diệt tuyệt” như trước đây.

Việc phóng sinh ở các cơ sở thờ tự khác, bên cạnh ý nghĩa tâm linh, cũng cần được mọi người nhận thức ở góc độ khoa học. Việc phóng sinh chỉ mang tính tượng trưng, trong một thời điểm nhất định, với số lượng được phóng sinh nhất định. Điều cần thiết là ý thức bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên phải được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lao động, sản xuất.

Cần khắc phục những biến tướng từ tục phóng sinh. Đó là bắt chim, bắt cá để bán cho người phóng sinh, vô hình trung làm cho việc bắt và thả trở thành cái vòng luẩn quẩn. Có người lập luận, có cầu nên phải có cung. Nhưng cung theo kiểu trục lợi như thế thì thật không nên chút nào. Và người ta phóng sinh không phải đợi đến lúc lễ lạt mà phải biết phóng sinh ngay từ lúc đánh bắt và tiêu thụ. Đánh bắt phải có “hậu hữu”, chừa cá con, cá giống...

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.