Tháng giêng - mùa lễ hội ở Bạc Liêu

Thứ Sáu, 01/03/2013 | 19:37

Ông bà xưa thường nói: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, bởi sau một năm lao động vất vả, nhiều người thường dành trọn cả tháng giêng để đắm mình trong hội hè, lễ lộc. Và tháng giêng ở Bạc Liêu, ngoài lễ hội Kỳ yên, bà con còn duy trì nhiều lễ hội đặc sắc khác…

Bức tranh rực rỡ, đa sắc màu

Ăn Tết Nguyên đán xong, ngư dân ven biển huyện Đông Hải đã chọn ngày lành để cùng nhau mở biển. Từ mùng 4 cho đến mùng 9 tháng giêng, các chủ ghe đã chuẩn bị những lễ vật tươm tất, trang trọng nhất cho lễ mở biển. Nào heo quay, gà trống tơ luộc, dĩa “tam sanh” (thường là khô mực, thịt heo và trứng vịt)… để tế “bà cậu”, thần Biển cầu cho sóng yên biển lặng, tôm cá đầy ghe, anh em ngư phủ sức khỏe dồi dào trong những chuyến ra khơi xa. Không khí mở biển những ngày đầu năm mới thật rôm rả, xôm tụ. Sau phần lễ trang nghiêm, ngư phủ các ghe lại quây quần bên nhau “chén tạc chén thù”, chuẩn bị tinh thần thoải mái cho một năm mới đi chinh phục “người tình biển khó tính”!

Ngư dân ấp Vĩnh Lạc ra khơi rước Ông tại lễ hội Nghinh Ông (huyện Hòa Bình) năm 2013. Ảnh: P.T.C

Sau lễ mở biển đầu năm để “lấy ngày” tại các địa phương ven biển Bạc Liêu, bà con ngư dân ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) lại nô nức đi trẩy hội Nghinh Ông! Với bà con sống bằng nghề biển, cá Ông là một linh vật linh thiêng được bà con lập miếu thờ trang nghiêm và hàng năm còn tổ chức lễ hội Nghinh Ông hoành tráng. Từ sáng sớm đoàn thuyền rước Ông đã vào đến cửa biển với cờ xí, chiêng trống rợp trời. Đoàn người hành lễ rước Ông diễu hành làm huyên náo cả một vùng quê, tạo nên không khí rất vui tươi. Đây là cơ hội để người dân vùng biển được vui chơi, giải trí, thưởng thức văn nghệ, giao lưu thể thao sau một năm miệt mài bám biển!

Rạng sáng mùng 9 tháng giêng, bà con hành lễ vía Ngọc Hoàng, tương truyền thời gian cúng tốt nhất là lúc mặt trời chưa mọc. Ngoài “lục lễ” (hương, đăng, hoa, trà, quả, phẩm), lễ vía Ngọc Hoàng không thể thiếu món đường đổ khuôn (nhiều người còn gọi “tháp đường” vì loại đường này thường được đổ hình tháp). Sau đó, tháp đường được trưng trên bàn thờ “Ông Thiên” đến ngày rằm thì đem ra nấu chè, trước cúng rằm tháng giêng, sau để cả nhà cùng dùng với hy vọng cả năm may mắn, dồi dào sức khỏe.

Mùng 10 tháng giêng, mọi người lại sắm sửa rượu thịt, dĩa “tam sanh” để làm lễ vía thần Tài - vị thần mang lại tiền bạc, tài lộc cho gia chủ! Tối Nguyên tiêu, ánh trăng sáng vằng vặc, gia đình quây quần bên nồi chè thơm phức, ngọt ngào, vừa thưởng thức vừa ngắm trăng, cùng nhâm nhi ngụm trà nóng và bày tỏ những kế hoạch, dự định trong năm mới!

Nét đẹp bản sắc cần được gìn giữ, phát huy!

Những lễ hội truyền thống nêu trên tuy vẫn được bà con nhiều địa phương ở Bạc Liêu duy trì, thế nhưng nó đang ngày càng mai một dần bởi những gia đình trẻ, hoặc những gia đình sống ở thành thị, phố chợ. Do nhịp sống hiện đại hối hả, không có nhiều thời gian và những cặp vợ chồng trẻ lại cho rằng đó những thứ lễ tiết rườm rà, không đáng có nên đào thải. Chị Ngô Thị Hoa (tiểu thương chợ Cầu Xáng) chia sẻ: “Mấy năm trước đây, gần đến ngày vía Ngọc Hoàng là tôi bán tháp đường rất chạy. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây chẳng bán được bao nhiêu. Mấy người làm tháp đường bỏ mối còn than rằng, chắc họ phải bỏ nghề gia truyền vì nó không còn hợp thời nữa”. Nếu như trước đây, vào những ngày lễ quan trọng như vậy thì các bà, các chị thường tự tay nấu chè, làm bánh, hoặc làm gà, làm vịt… để tế lễ; còn ngày nay, chỉ cần ra chợ mua là có “tất tần tật” nên chẳng còn ai thiết tha gì đến việc vào bếp. Và cũng vì điều này mà những ngày lễ đã vơi đi phần nào ý nghĩa tự nhiên - nghĩa là không còn sự “thành tâm” trả ơn các linh thần hỗ trợ gia chủ như trước nữa!

Song, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ý thức giữ gìn những giá trị thuộc về bản sắc, thuộc về truyền thống trong bà con đang dần bị suy yếu và có nguy cơ bị mai một! Đâu ai dám chắc rằng, những nét đẹp trong văn hóa hội hè được cha ông gìn giữ từ thời khẩn hoang, mở đất sẽ không bị “xóa sổ” trong tương lai gần. Đó có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian!

Bạc Liêu đang trên đà lấy nền “công nghiệp không khói” làm mũi nhọn và được mệnh danh là “điểm hẹn văn hóa” trong tua du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +”. Thiết nghĩ, không riêng gì những nhà làm văn hóa, mà mỗi người, mỗi nhà hãy nâng cao ý thức phát huy theo hướng tích cực, bài trừ những hủ tục để những lễ hội văn hóa trong tháng giêng ở Bạc Liêu không những có giá trị ở địa phương, mà còn phát huy giá trị làm du lịch!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.