Tham quan Bạc Liêu qua truyện tranh

Thứ Hai, 21/04/2014 | 16:53

Nhân Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ lần đầu tiên tại tỉnh Bạc Liêu (từ 24 - 29/4/2014), NXB Trẻ phối hợp với Công ty Metinfo ở Cần Thơ và Sở VH-TT&DL Bạc Liêu ấn hành bộ truyện tranh 3 quyển: “Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu”; “Cao Văn Lầu và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ” “Đồng Nọc Nạng”.


Bằng nét vẽ chân phương, cổ điển theo dòng hội họa truyền thống, họa sĩ Hữu Tâm - một họa sĩ khuyết tật ẩn danh ở đất Cần Thơ, đã thể hiện sinh động ba câu chuyện khác nhau nhưng hòa quyện về văn hóa - lịch sử Bạc Liêu xưa và nay.

Ở cuốn “Cao Văn Lầu và nghệ thuật ĐCTT Nam bộ”, bạn đọc dễ đồng tình vì sao xã hội đã đề cao bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu như một “viên ngọc quý” của ĐCTT Nam bộ - dòng nhạc vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Truyện tranh này tái hiện được sức sống thời Nam tiến mở cõi của cha ông ta với những người con “tiên phuông” làm thầy võ, thầy thuốc, thầy đờn, thầy văn. Mà trong số đó, có một thầy đờn Cao Văn Lầu tài hoa đã sáng tạo nên khúc Dạ cổ hoài lang vào năm 1919.

Họa sĩ còn vẽ lại bức ảnh đã đăng trên báo Cần Thơ mới đây, kể chuyện thầy Lê Đình Bích ở Trường đại học Cần Thơ đang dạy cho một số giáo sư và sinh viên Mỹ về ĐCTT với chú thích: “Năm 2013, còn có GS Alexander M. Cannon ở đại học Western Michigan đến dâng hương ở mộ Cao Văn Lầu trước khi viết luận án về ĐCTT Nam bộ”. Cũng ở trang 21 này, ta gặp lại GS-TS Trần Văn Khê với lời đề nghị, nên “Đưa nghệ thuật ĐCTT vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Điều này sẽ làm cho lớp trẻ hiểu, đồng thời tạo điều kiện cho họ tiếp cận với môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, để mỗi người đều góp phần vào việc giữ gìn, phát huy và biết trân trọng môn nghệ thuật này”.

Với “Đồng Nọc Nạng”, xem xong truyện tranh này như có điều gì đó thôi thúc ta phải đi đến tận nơi - ấp 4, xã phong Thạnh A, huyện Giá Rai - để thăm khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng Nọc Nạng. Bởi câu chuyện ly kỳ về cuộc đấu tranh mất còn giữa người nông dân Bạc Liêu với chính quyền thực dân phong kiến thời đó (2/1928) nơi cánh đồng Nọc Nạng kia, càng làm cho ta nghĩ ngợi nhiều về giá trị sống hôm nay.

“Theo dấu chân tài tử Bạc Liêu” lại là một câu chuyện lãng mạn về một nữ sinh quê Bạc Liêu học ở TP. HCM đưa một bạn nam sinh viên người Pháp về thăm quê nhà. Đến cuối truyện, chàng trai người Pháp ấy đã thốt lên rằng: “Đất Bạc Liêu hữu tình, người Bạc Liêu mến khách” sau khi nhận xét: “Bạc Liêu xứng danh là nơi hội tụ tài tử. Không ít người quê nơi khác nhưng thành danh khi đến Bạc Liêu. Khi sống và cống hiến cho Bạc Liêu, các bậc tài danh này đã để lại những địa chỉ mà ngày nay là những điểm hẹn văn hóa”. Bởi vì anh ta đã được khám phá bao điều thú vị ở xứ Bạc Liêu. Như là đã “gặp” Công tử Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà bác vật Lưu Văn Lang, nhân sĩ Cao Triều Phát, cua-rơ Mã Kim So, anh hùng Lê Thị Riêng, hoa hậu Đặng Thu Thảo... Rồi những chiêm nghiệm ở Tháp cổ Vĩnh Hưng, di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, Đền thờ Bác Hồ, lễ hội Quán âm Nam Hải, vườn nhãn cổ, cánh đồng muối, điện gió... và thưởng thức nhiều món ẩm thực Bạc Liêu nổi tiếng như bún bò cay, cua rang muối, vọp nướng mỡ hành, rượu Công-xi...

Ở trang 18, họa sĩ Hữu Tâm vẽ cách điệu TP. Bạc Liêu bây giờ với chú thích: “Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa”.

Quả là một chuyến tham quan Bạc Liêu đáng nhớ!

Huỳnh Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.