Bảo tồn nhạc ngũ âm: Câu chuyện dài!

Thứ Hai, 04/04/2016 | 16:31

Kỳ 1: Nguy cơ mai một

Trong kho tàng âm nhạc của đồng bào dân tộc Khmer, nhạc ngũ âm được xem là “tài sản” quý giá nhất. Song, khi bắt tay tìm hiểu về việc bảo tồn loại hình âm nhạc độc đáo ấy, chúng tôi mới nhận ra, đã lâu rồi ở nhiều chùa trong tỉnh, vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ…

“Hồn cốt” văn hóa của đồng bào Khmer

Nhạc ngũ âm được đồng bào Khmer đặc biệt quý trọng và xem đây là bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 5 chất liệu tạo nên dàn nhạc ngũ âm (da, đồng, sắt, gỗ và hơi) đã trở nên quá quen thuộc với những người đam mê loại hình nghệ thuật này. Rô-Niết-Ek (bộ cồng gồm 2 cái lớn, nhỏ) được xem là nhạc khí nắm vai trò “nhạc trưởng” trong dàn nhạc ngũ âm. Người chơi ở vị trí Rô-Niết-Ek có khả năng điều hướng cho cả dàn nhạc chơi theo chỉ huy của mình. Thường thì trong dàn nhạc, người chơi nhạc khí nào sẽ thuần thục loại đó, nhưng khi được tập luyện, chơi thường xuyên và dần chuyên nghiệp, người chơi có thể hoán đổi vị trí cho nhau trong dàn nhạc. Điều đặc biệt trong dàn nhạc ngũ âm là mặc dù chia làm 5 chất liệu khác nhau, tên gọi khác nhau, nhưng hầu hết 5 âm trong dàn nhạc đều được “chơi” bằng hai tay của người chơi thông qua cây dùi. Duy chỉ có âm hơi là không sử dụng tay, mà được thổi.

Trước kia, nhạc ngũ âm không được chơi đại trà mà chỉ được trình diễn trong triều đình Khmer. Những thập niên gần đây, loại hình âm nhạc độc đáo này mới được đưa vào các lễ hội quan trọng như: lễ an vị Phật, lễ cầu an phúc chúc trong xóm, lễ dâng y, lễ an cư kiết hạ và đặc biệt là đám tang của đồng bào dân tộc Khmer...

Dàn nhạc ngũ âm của chùa Đìa Muồng còn lại 2 nhạc cụ và chỉ còn tác dụng… trưng bày. Ảnh: N.V

Vắng dần tiếng ngũ âm…

Toàn tỉnh hiện có 22 chùa Khmer, song chỉ lác đác vài ngôi chùa Khmer sở hữu dàn nhạc ngũ âm. Hòa thượng Lý Sa Mouth (Trụ trì chùa Đìa Muồng, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), chia sẻ: “Cách đây vài năm, chùa Đìa Muồng có xin ngành Văn hóa hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm. Vốn dĩ, muốn sở hữu một dàn nhạc thì phải tốn vài chục triệu đồng. Với kinh phí hạn hẹp của Nhà nước, thì chuyện hỗ trợ cho mỗi chùa có dàn nhạc là ngoài tầm tay. Chính vì thế, ngành Văn hóa đã từ chối kiến nghị này”.

Anh Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng VH-TT huyện Hồng Dân cho biết: “Chùa KosThum (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) là di tích cấp quốc gia, có đề nghị xin một dàn nhạc ngũ âm, nhưng ngành Văn hóa cũng chưa có câu trả lời”. Những câu chuyện “xin - cho” như thế đã diễn ra khá lâu, nhưng đến nay chùa Đìa Muồng cũng chung “số phận” với rất nhiều chùa Khmer khác: chưa có dàn nhạc ngũ âm, dù rằng người chơi, người đam mê theo đuổi loại hình này có rất nhiều!

Ở khía cạnh khác, chúng tôi được biết, ngành Văn hóa đã từng hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm cho một vài ngôi chùa trong tỉnh, chẳng hạn như: chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu), chùa Cái Giá giữa, chùa Cái Giá chót (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), chùa Hòa Bình cũ (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) và chùa Đầu Sấu (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân). Tuy nhiên, hiện tại dàn nhạc ngũ âm ở một vài nơi đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Không có tiền để sửa chữa, nâng cấp nên các chùa đành để loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình phôi pha theo thời gian…

NGỌC TRÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.