Phóng sự - Ký sự

Chuyện của một lão nông

Thứ Sáu, 17/08/2012 | 16:43

Dáng vẻ cù lần, giọng nói oang oang, vui tính… đậm chất nông dân Nam bộ với nước da đen bóng đặc biệt. Đó cũng là “dấu ấn” của những năm tháng làm chuyện… không giống ai: Gánh nước tưới… rừng của ông. Cảm nhận đầu tiên của tôi về ông chủ vườn chim ở ấp 4 (xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai) là như thế. Dân quanh vùng gọi ông là Tám Hiền, còn ông thì tự nhận mình là Tám còng cọc bởi lẽ ông tự ví mình cũng chung tình như loài chim này.

Tương truyền rằng, loài chim còng cọc song rất chung tình. Khi đôi chim có một con chết thì con còn lại sẽ treo ngược mình trên cây, không ăn, không uống cho đến chết khô. Còn ông Tám Hiền tự nhận mình là Tám còng cọc với ý nghĩa sâu xa hơn. Gần 30 năm qua ông đã chung tình với vườn chim này, bỏ công sức chăm sóc, thậm chí còn gánh nước tưới rừng để các loài chim có chỗ nương náu lúc chiều tà, xếp tạm đôi cánh mệt mỏi qua đêm rồi sớm mai tiếp tục cuộc mưu sinh, đấu tranh tồn tại của mình.

Ông Tám Hiền chống xuồng đi thăm vườn chim của mình. Ảnh: C.K

...Chiếc xuồng ba lá nhẹ rẽ nước đưa ông và tôi tiến sâu vào khu rừng đước, rừng tràm mênh mông. Đây là vương quốc và là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài chim trong suốt 3 thập niên qua. Nghe tiếng người, hàng ngàn con chim đang ấp trứng vội đập cánh dáo dác, réo gọi nhau ầm ĩ làm náo loạn cả khu rừng. Chỉ tay lên các ngọn cây, ông nói rành rọt tổ của từng loài chim đang sinh sản tại đây. Nào là còng cọc, chàng bè, cò quắm, cò xanh, diệc, vạc… ông đều nắm rõ trong lòng bàn tay vì chúng đã sinh sống với ông từ thuở ông hãy còn là một thanh niên lực lưỡng. Vừa chống cây sào tre đẩy nhẹ chiếc xuồng ba lá về phía trước, ông vừa kể cho tôi nghe chuyện những ngày đầu khi cò, vạc ùn ùn kéo về khu vườn nhà ông sinh sống. Thấy chúng kéo về đông quá, ông và gia đình mừng thì ít mà lo thì nhiều vì bỗng dưng có hàng ngàn, hàng vạn con chim, cò bay về rợp cả một góc trời, rồi cá, tép dưới ao, mương chắc bị chúng mò hết, lấy gì mà nuôi gia đình. Dù xua đuổi mọi cách nhưng chúng nhất định không đi, mỗi năm về thêm đông, rồi làm tổ, sinh sản… Trước tình cảnh này, ông đành bỏ mặc chúng muốn làm gì thì làm, ông mải đi lo chuyện của mình để tìm kế nuôi gia đình.

Nói vậy thôi chứ được cái là vùng này cá, tép nhiều vô kể, mà đặc biệt là bọn chim, cò mò về đây ở chứ tuyệt nhiên không “phá phách”, không ăn cá, tép ở đây. Ban ngày chúng đi ăn ở tận đâu đâu rồi khi chiều xuống mới về ngủ làm náo loạn cả không gian. Lâu ngày thành quen, sự hiện diện của bọn chúng cũng mang đến niềm vui cho ông. Lúc đầu khu vườn chỉ rộng chừng vài héc-ta, thấy chim, cò về đông quá nên ông trồng thêm các loài cây để chúng có nơi trú ngụ. Đến nay, khu vườn của ông đã được nới rộng ra, lên đến gần 20ha nhưng xem ra vẫn còn chật chội khi đến mùa tụ hội của chim. Chỉ có ông mới đi làm chuyện không ai làm là trồng rừng cho chim ở. Năm trước, vào mùa khô khi tôi ghé thăm, dù chiều đã muộn nhưng ông vẫn còn hì hục khoét từng lỗ đất trên bờ đê để trồng cây gây rừng. Gặp tôi ông khoe mới xin được vài trăm cây dầu, cây đinh lăng từ Chi cục Kiểm lâm, “Phải tranh thủ trồng cho kịp kẻo nắng thì cây chết hết” - ông phân bua. Riêng vợ ông Tám Hiền thì xót xa cho chồng: “Trời nắng chang chang mà ổng cứ mình trần trùi trụi đi trồng rừng. Mà chỉ vậy thôi sao, ổng còn gánh nước tưới từng cây cho đến hơn chạng vạng mới vô”. Ông Tám cười trừ: “Để mấy cái cây chết thì uổng nên tôi phải tưới chứ sao!”.

Lần này khi trở lại, gặp tôi ông tiếc hùi hụi: “Mấy trăm cây trồng đợt trước nắng quá tưới không xuể nên chết hơn phân nữa rồi!”. Tấp chiếc xuống ba lá vào bờ, ông nói về dự định của mình để phát triển kinh tế gia đình chứ vườn chim lâu nay không mang lại lợi nhuận gì vì không được khai thác. Mấy năm trước khi có khách ghé thăm, ông còn bắt chim, cò trưởng thành để đãi khách. Còn bây giờ, ông không còn thời gian vào rừng ban đêm để bắt chúng nữa vì bận nhiều chuyện, trong đó có dự định phát triển trang trại gia đình theo kiểu du lịch sinh thái. Ông “bật mí” đã bỏ rất nhiều thời gian đi tìm hiểu cách làm du lịch sinh thái của nhiều địa phương, nhiều chủ vườn chim, vườn cò tư nhân trong và ngoài tỉnh. Từ những kinh nghiệm thực tế có được, ông đang ấp ủ biến vườn chim của mình thành khu du lịch sinh thái gia đình với nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí… Trong đó, dẫn khách tham quan vườn chim bằng xuồng là điểm nhấn của “tua” du lịch này. Ông nói chắc nịch: “Nhất định tôi sẽ làm được!”.

Vườn chim, cò có diện tích gần 20ha của ông Tám Hiền. Ảnh: B.T

Ngoai diện tích rừng gần 20ha chim về ở, ông còn tận dụng được vài héc-ta đất để nuôi tôm quản canh. Khoảng vài năm gần đây, tận dụng nguồn cá phi dồi dào dưới vuông, ông xây chuồng nuôi thêm vài trăm con cá sấu, rồi mở quán cho vợ con bán tạp hóa, bán nước giải khát, mua lưới về bao xung quanh khoảnh sân đất rộng cho thanh niên trong xóm đến đá bóng, đánh bóng chuyền… Cứ thế mà công việc cuốn ông xoay như chong chóng, không phút ngơi nghỉ. Nói về lão nông này, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh Tây - Phạm Hoàng Anh, cho biết: “Anh Tám Hiền là một nông dân rất chí thú làm ăn, biết tính toán nên kinh tế gia đình ngày một khấm khá”. Có thời hơn 10 năm liền ông còn kiêm luôn chức danh Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp. Do bận quá nhiều việc nên thời gian gần đây ông xin nghỉ, không tham gia công tác nữa. Có lần hứng chí, ông mang ra khoe với tôi hàng chục giấy khen, bằng khen nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh mà ông được tặng. Đó là “của để dành” của ông, thân thích lắm ông mới “khoe” thành tích của mình còn khách lạ thì ông không bao giờ “hứng chí” kiểu đó.

Những khi rảnh tay, rảnh chân thì ông chạy ra trung tâm xã, vào Trung tâm học tập cộng đồng hoặc vào các tiệm Net để nhờ người truy cập dùm kỹ thuật nuôi cá sấu, cá bống tượng… Lớn tuổi, mắt tèm nhèm, không đọc được chữ, ông nhờ người khác đọc cho nghe rồi cẩn thận ghi chép lại. Ông ham học hỏi đến mức mỗi khi thấy ông Tám còng cọc bước vào tiệm Net thì tụi nhỏ tìm cách “bỏ chạy” vì ông làm mất thời gian chơi game của chúng. Chịu khó học lỏm vậy mà xài được, nhờ các kỹ thuật tải trên mạng qua đường “miệng” vậy mà ông áp dụng nuôi thành công được mấy lứa cá sấu, mỗi lứa xuất bán ông thu về vài trăm triệu đồng.

Từ ngày chim, cò kéo về ở đến nay, trên 20ha đất có rừng kể như bỏ hoang, không thu được lợi nhuận. Vì ngoài việc không khai thác được chim, cò để bán, ông còn phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ, trồng mới rừng hàng năm. Nói đến chuyện bảo vệ rừng vào mùa khô, bảo vệ đàn chim, cò đang trú ngụ trước bọn săn trộm, ông bảo: “Mạng tôi lớn nên mới sống được đến hôm nay, không thì bị bọn chúng bắn chết từ lâu rồi”. Ông kể lại lần thoát chết trong gang tấc khi đối diện với bọn săn chim, cò trộm mà nghe rùng mình.

Có lần, trời nhá nhem tối, nghe tiếng súng săn nổ đì đùng, ông vội bỏ bát cơm đang ăn xuống rồi lấy xuồng chống nhanh vào rừng. Men theo tiếng động, ông bắt gặp một đối tượng đang săn trộm chim. Khi ông lên tiếng ngăn cản thì đối tượng này quay họng súng chĩa vào đầu ông gằn giọng: “Mày không cho tao bắn chim thì tao bắn mày”. Vừa lựa lời giả lả, ông vừa sáp tới ôm ngang hông tên này vật xuống. Hai thân hình ngã quỵ, ông và hắn vật lộn để giành nhau khẩu súng. Trong giây phút thập tử nhất sinh đó, ông chợt nhớ đến một đòn hiểm đã học lỏm được liền lòn tay vào hạ bộ của hắn, bóp mạnh… Khẩu súng rơi ra. Tên trộm vội quỳ lạy xin ông tha cho, không dám tái phạm nữa. Vậy mà có yên được đâu, tên này bỏ nghề thì có hàng chục tên khác chiều chiều vác súng săn, súng tự chế vào rừng bắn phá. Đạn bay tứ phía, rơi xuống nhà ông lộp độp như mưa rào. Có lúc giận quá vì không cách nào bảo vệ được đàn chim trước nạn trộm, ông định thuê máy vào ủi bỏ khu rừng cho xong. Nhưng suy đi tính lại, thấy tội cho bầy chim, cò không nơi nương tựa khi giông bão nên ông lại thôi.

Phía dưới nước do phân chim thải xuống đen ngòm, bốc mùi hôi thối quanh năm nên cũng không có cá, tôm gì. Không chịu bỏ hoang tài nguyên đất, diện tích mặt nước khá lớn này, ông lại hì hục khuân đất trồng dừa trên liếp vừa tạo bóng mát, vừa thu hoạch trái để bán, còn lá và tàu dừa thì để làm củi. Trong chuyến từ rừng trở về, lấy cây sào chỉ xuống mặt nước ông bảo: “Nước ô nhiễm như thế này chỉ có cá sặc bổi, sặc rằn mới sống được thôi”. Nghe ông nói, tôi đoán ông lại đang dự tính cho một dự án mới là nuôi cá sặc rằn, sặc bổi trong các mương nước ô nhiễm phân chim này. Một dự án táo bạo, thể hiện tính cần cù, chịu khó, không chịu thua hoàn cảnh của một lão nông chuyên làm chuyện khác người này.

Chiều đang xuống rất nhanh, tiếng chim gọi bầy xôn xao cả khu rừng. Trong nhà, cách nơi làm tổ của chúng chưa đầy 500m, ánh điện rực sáng. Hàng chục bóng đèn compact chạy dọc theo các chuồng cá sấu, cống xổ tôm… đồng loạt được mở lên. Ông đang hoạch định cho kế hoạch lớn của mình, trang trại gia đình kết hợp với du lịch sinh thái vườn chim đang dần định hình trong đầu lão nông giỏi tính toán, chịu thương, chịu khó như ông.

Tiếng vạc kêu đêm, tiếng chim dáo dác gọi bầy là những âm thanh không lẫn vào đâu được của khung cảnh huyền hoặc giữa thực tại và hoang sơ. Hai sắc thái, hai khung cảnh đối nghịch nhau như thế lại cùng nhau tồn tại gần 30 năm qua, không xâm hại lẫn nhau.

Đêm nằm trăn trở. Chợt nhớ đến câu ca dao: “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”, tôi chợt nhớ đến ông Tám còng cọc nơi vườn chim rồi bật cười một mình, lòng thầm nhủ: Vậy mà có người gánh nước tưới… rừng đó nghe!

Ông Tám Hiền trồng cây gây rừng cho chim trời về ở. Ảnh: C.K

Trời còn tờ mờ chưa sáng hẳn, vợ ông đã dậy pha sẵn ấm trà, tiện tay bắc luôn nồi cơm. Nghe tiếng lao xao dưới bến nước, tôi nhổm dậy thì đã thấy ông và thằng con trai đi đổ đục, thăm lưới về. Công việc hàng ngày của ông và gia đình thường bắt đầu khi lũ cò, vạc trong rừng nhốn nháo chuẩn bị đi kiếm ăn ở phía chân trời khi mặt trời chưa ló dạng.

Trong cái khung cảnh nửa thật, nửa hoang sơ này lòng tôi dâng lên một niềm xúc cảm mãnh liệt. Trong đời liệu có mấy ai được tận mắt chứng kiến cảnh hàng ngàn, hàng vạn chim trời cùng lúc bay đi tìm mồi trong ánh bình minh giữa rừng, nước mênh mông như thế?! Nhấp ngụm trà thơm, đôi mắt dõi theo từng cánh chim xa dần giữa không trung, ông Tám Hiền như đang hồi tưởng lại những tháng ngày cơ cực của thời trai trẻ. Tôi biết ông đang tận hưởng niềm vui “đất lành chim đậu” như dân gian thường quan niệm.

Thoắt cái mà đã gần 30 năm, kể từ cái ngày đầu lũ chim, cò kéo về vườn nhà ông trú ngụ. Suốt 30 năm niềm vui chưa đặng đầy gang tay mà nỗi buồn luôn đeo bám ông và gia đình cũng vì chuyện ra sức bảo vệ nơi sinh sống của chúng. Đó cũng là nỗi trăn trở lớn nhất của ông khi ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ chim trời của nhiều người ngày càng kém đi. Bản thân ông và gia đình đã từng đổ máu để bảo vệ lũ chim trước sự săn bắn vô tội vạ của người dân trong vùng.

Tôi hiểu và cảm thông với nỗi lòng của ông, ngần ấy năm gắn bó với rừng, với lũ chim trời đến rồi đi, nhưng huê lợi từ rừng chỉ là con số “0” tròn trĩnh. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn lao, vì với sự cần cù, chịu thương, chịu khó của ông, bao năm nay gia đình ông vẫn cần mẫn lao động, vươn lên như một tấm gương lao động, sản xuất giỏi trong vùng. “Cái khó ló cái khôn”, ông xoay sở đủ nghề để tồn tại và có đủ kinh nghiệm để toan tính, thực hiện những dự án phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Còn vườn chim, khi nhắc đến ông lại buông tiếng thở dài đến nao lòng…

Khi được công nhận là 1 trong 6 vườn chim tư nhân hiếm hoi của tỉnh, năm 2004, vườn chim của ông Tám Hiền được Sở KH-CN đầu tư cho 2 máng nước để… chim uống. Còn cây cầu bê-tông gắn cái bảng “Cầu Vườn chim” bắc ngang con kênh trước nhà thì được đích thân đồng chí Dương Văn Bền - Bí thư Huyện ủy Giá Rai chỉ đạo đầu tư để phát triển du lịch vườn chim mấy năm về trước. Chưa kịp vui mừng vì đã có cầu, có đường bê-tông về đến tận nhà thì những lá đơn kiện gia đình ông cũng bay đến tới tấp với tội “để chim bắt tôm, bắt cá” khi vùng này chuyển mình từ nuôi tôm thiên nhiên, quảng canh sang nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp. Đành rằng những vụ “kiện chim” này chính quyền không thể thụ lý, nhưng đó cũng là cái cớ để người dân trong vùng kéo nhau vào vườn nhà ông mà tận diệt chim trời.

Riêng dự án phát triển du lịch tham quan vườn chim của ông Tám Hiền và chính quyền địa phương thì coi như bị xóa sổ, bởi sự đầu tư để bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo tồn chim… của các cơ quan chức năng vẫn còn đâu đó trên… dự thảo. Vậy là ông phải chạy đôn, chạy đáo để lo cho… cái bụng và sự tồn vong của bầy chim tội nghiệp trong vườn. Vì theo quy định thì các chủ vườn chim tư nhân không được khai thác, săn bắt chim, trong khi hiệu quả của các dự án bảo tồn, phát triển vườn chim tư nhân phục vụ du lịch của tỉnh còn quá xa vời.

Đưa tôi ra tận đầu cầu Vườn chim, ông nhắn nhủ: “Chú về nói làm sao cho Nhà nước quan tâm đến mấy cái vườn chim như của tôi dùm. Nếu không khéo bảo vệ, thì vài năm nữa, tôi e rằng sẽ không còn chim, cò gì nữa đâu”. Lời nhắn nhủ mộc mạc của ông nghe sao quá đắng lòng. Quả là gầy dựng nên được một vườn chim đã khó mà chuyện bảo vệ, phòng chống cháy rừng, bảo tồn chim… càng khó khăn gấp bội với khả năng của một nông dân như ông. Tôi cảm thấy băn khoăn, không biết có nên cho ông biết thông tin về việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch? Liệu có nên gieo thêm vào lòng ông một tia hy vọng khi tình trạng phá rừng, săn bắt chim trời vẫn diễn ra cả ngày lẫn đêm trong khuôn viên khu vườn của ông?

Tiếng chim chiều ríu rít theo bầy đàn tìm về tổ làm lòng tôi se lại. Tôi thầm mong cho ông đêm đêm sẽ có giấc ngủ bình yên, không bị giật mình bởi tiếng súng săn đì đùng suốt đêm. Và, khi sớm mai thức giấc, ông và gia đình sẽ chộn rộn tiếp đón khách du lịch bốn phương xuôi theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp tìm đến vườn chim để thư giãn, thưởng ngoạn khung cảnh nửa thật, nửa hoang sơ gợi nhớ một thời đi mở đất của cha ông trong một tua du lịch sinh thái nào đó… Rồi, lũ chim cũng yên ổn sinh sản, khoe dáng, khoe giọng hót cho khách du lịch ngắm nhìn chứ không phải gồng mình làm “hồng tâm” cho những tay săn trộm. Tôi vẫn tin như thế khi Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh đi vào cuộc sống. Trong lần gặp tới tôi sẽ nói với ông Tám Hiền điều này, để ông không còn phải bận tâm lo nghĩ về lũ chim trời…

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.