Phóng sự - Ký sự

Chợ Lúa ven rừng U Minh Hạ

Thứ Sáu, 07/09/2012 | 19:01

Loay hoay việc điện, đường, trường, trạm…, chẳng bao lâu thì chợ Lúa Khánh Bình hình thành. Nhiều người ở xa không khỏi ngạc nhiên khi nghe nhắc tới chợ Lúa, bởi từ trước đến nay trên vùng đất sông rạch chằng chịt này chỉ có chợ Xóm Phố, Cái Giữa, Đầm, Vàm, Vịnh Nước Sôi; xa hơn là chợ Tân Bằng, Cán Gáo. Ấy vậy mà bây giờ lại có chợ Lúa.

Do quy luật cung - cầu lương thực của một bộ phận nông dân trên cánh đồng lớn thuộc hai xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, nằm ven rừng U Minh Hạ tiếp giáp con sông Ông Đốc mà chợ Lúa tự nhiên nhóm họp theo mùa vụ thu hoạch lúa ngắn ngày. Chợ Dân Sinh, chợ Nông Dân, tọa lạc tại cống xổ nước vàm Rạch Cui (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), với hơn 10 gian hàng ăn uống, giải khát, tạp hóa, lúa giống, phân bón, xăng dầu, kể cả quán nhậu... Nhưng mặt hàng bày bán phổ biến chính vẫn là lúa.

Lúa chứa trong bao chất chồng tràn lan trên hai bờ rạch, chấm tới dốc cầu bê-tông, ra tới con đê ngăn mặn, nằm rải rác theo con lộ nhựa trên tuyến đê… Chỉ những người định cư cố cựu nơi này mới có thể nhận dạng mặt bằng chợ Lúa nằm lọt thỏm trong phần đất nhị tì, thuộc sở hữu của ông Năm Chánh.

Nhộn nhịp chợ lúa Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Ảnh: N.T

Thời chiến tranh, hễ nghe tin giặc từ mạn trên đổ xuống là ông Năm Chánh giục tốp trai tráng cầm súng đi chiến đấu, phần mình, tháp tùng tốp bạn già, bạn nhậu, lánh nạn chạy miết tới chỗ lội qua sông Cái đang vờn lên những con sóng lưỡi búa nháo nhào và những chiếc tàu giặc đen ngòm nghấp nghé ven hai bờ kênh rạch. Suýt chết mấy lần nhưng tan giặc, Năm Chánh về nhà khư khư ôm đất, bám xóm, bám làng “một tấc không đi, một ly không rời”. Hòa bình lập lại, Năm Chánh kết thân với thằng cháu “ngang hông” nhảy xuống ghe tìm cách mưu sinh trên sông nước. Nhưng không lâu sau, cả hai bác cháu gác chèo, leo lên bờ quay lại với nghề trồng lúa.

Thật không đơn giản chút nào với loại lúa mới ngắn ngày Thần nông 5, Thần nông 8, làm 2 vụ trong năm. Đó là chưa kể vụ đầu - vụ hè thu, lúa chín trong tháng mưa dông liên miên, khiến người chưa có điều kiện làm sân phơi, dựng lều hết sức vất vả. Rồi nạn chuột đồng đông như… giặc khiến nhiều người, trong đó có hai bác cháu Năm Chánh phải nhiều phen dở cười dở khóc. Thậm chí, có nhiều khi lúa chín rục nằm ngoài đồng trong khi nhân công đổ hết lên Bình Dương, Đồng Nai làm thuê, vác mướn, báo hại chủ ruộng phải bán đổ bán tháo trước khi hạt lúa lên mộng trắng dã…

Nhưng đùng một cái, hai bác cháu Năm Chánh từ người nông dân “tay lấm chân bùn” chính hiệu hóa thành hai ông chủ mặt bằng chợ Lúa: Đất thổ cư, đất nhị tì biến thành mặt bằng rộng rãi tiếp giáp hai con lộ nhựa, thêm đập ngăn mặn có cống xổ nước, chưa kể bến xe “ôm”, trạm xe buýt, dàn máy kéo xuồng ghe qua đập… tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Vợ chồng Năm Chánh còn hiến một phần đất cho Nhà nước để xây trường học; phần đất thừa thì phân lô cho bà con thuê mướn mở ra nhiều cơ sở làm ăn. Phần đất riêng của gia đình, Năm Chánh dựng nhà, mở quán buôn bán ngay tại chỗ Cây Cui nổi tiếng từ thời khai hoang, mở cõi.

Quán khai trương xong, ông Năm Chánh phó thác việc buôn bán cho vợ con, còn phần mình ở ẩn, dành hết thời gian chăm bón cây lúa. Vẫn là thứ lúa ngắn ngày nhưng nay mỗi năm mỗi giống lúa khác. Từ Thần nông 5, Thần nông 8 dễ nhớ, dễ tìm, nay chuyển sang giống lúa mang cái tên bằng số dài thườn thượt: OM 6162, OM 6976…

Cùng lúc thay đổi giống lúa thường xuyên, hai xã liên ranh (Khánh Bình và Khánh Bình Đông vốn tách ra từ xã Khánh Bình Đông) đang thực thi chủ trương cải tạo nông nghiệp theo hướng khai thác sâu sắc tiềm năng con người, đất đai, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy hoạch và hình thành những cánh đồng mẫu lớn… “Người không phụ đất, đất không phụ người”, trên những cánh đồng lớn kênh Hội đồng Thành, ngọn rạch Ông Bích, Rạch Bàu đổ về kênh Hai Lưu, Lòng Ống, kênh Dân Quân, Vườn Xoài, Kiểu Mẫu… sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước. Tất cả đã góp phần quan trọng cho chợ Lúa Khánh Bình ngày càng trở nên sung túc, đông vui.

Mỗi năm, chợ Lúa nhóm họp 2 lần. Mùa vụ đầu vào lối tháng 7, tháng 8 mưa dầm, lúa chín đồng loạt. Vụ 2, chợ bắt đầu thu hút nhân công khuân vác, có cả người bôn ba làm thuê, vác mướn từ khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai đổ về dịp chấm hết những ngày vui Xuân đón Tết Nguyên đán. Ghe mua, ghe chở lúa đem bán neo đậu ken chật bến bãi.

Vốn không thích nơi chốn ồn ào, nhưng những lúc lui cui ngoài vườn, ngoài ruộng, Năm Chánh vẫn lắng tai về phía Cây Cui. Ngại đi, nhưng đôi chân ông vẫn bước về phía quán nhà những khi bẻ được vài cái bắp chuối, mớ rau… mang đến quán để cho con dâu bán bún nước lèo. Thêm nữa, do công việc làm ăn có dính dáng đến khu chợ khiến Năm Chánh thường phải đi rảo qua dãy phố nhộn nhịp nhắc khéo vài gian hàng che rèm lấn lộ làm cản trở giao thông. Còn thằng cháu “ngang hông” của Năm Chánh, ngoài việc trông coi mấy cái đầm nuôi tôm, mấy công ruộng, còn góp công vào việc dựng bảng, lên hạng xe “ôm” để tránh tình trạng giành giật khách, cãi vã gây mất trật tự… Tất bật suốt ngày, dân chợ Lúa, dân trong vùng rộng lớn ven rừng U Minh Hạ bắt đầu nhập cuộc…

Nguyễn Thanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.