Bạc Liêu ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững

Thứ Hai, 22/02/2021 | 14:49

Là tỉnh đồng bằng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau với bờ biển dài 56km và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven bờ phong phú, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, với các cửa sông lớn như Gành Hào, Cái Cùng, Nhà Mát, Chùa Phật là điều kiện thuận lợi để Bạc Liêu phát triển kinh tế biển. Đồng thời, với hệ sinh thái đặc thù, tỉnh còn phát triển nghề trồng lúa và các mô hình nuôi tôm, cá nước ngọt ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Mô hình lúa - tôm thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân huyện Phước Long.

Chủ động ứng phó

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của tỉnh, dự đoán từ nay đến năm 2050, mực nước biển sẽ tăng từ 22 - 30cm, theo đó, Bạc Liêu sẽ có khoảng 180.113ha bị ngập (chiếm 69,43% tổng diện tích tự nhiên). Khi nước biển dâng cũng đồng thời làm gia tăng diện tích bị nhiễm mặn, nếu lấy ngưỡng mặn 4‰ sẽ có khoảng 74,5% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, chủ yếu phân bổ ở khu vực phía Tây và phía Nam của tỉnh.

Trong những năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, kế hoạch, chương trình của Trung ương về BĐKH được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận, trên cơ sở đó ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quyết định để ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Ngoài ban hành Khung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn, tỉnh còn thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH gồm 23 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh được phân công làm Trưởng ban.

Việc chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp luôn có sự phối hợp, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, kịp thời, tạo được sự thống nhất cao trong ứng phó với BĐKH. Trong việc ban hành các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều lồng ghép với các nội dung BĐKH của địa phương, nhằm phát triển một cách bền vững trong điều kiện ứng phó với BĐKH. Đồng thời, có sơ, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện. Đặc biệt, việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện…

Xâm nhập mặn và triều cường dâng là một trong những thách thức mà Bạc Liêu phải đương đầu. Trong ảnh: Triều cường dâng cao ở khu vực ven biển Bạc Liêu. Ảnh: T.A

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH, nhằm làm thay đổi hành vi, ứng xử với môi trường. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền BĐKH đến Nhân dân thông qua các chiến dịch môi trường, các ngày lễ lớn như: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Ngày Nước thế giới… bằng nhiều hình thức như treo băng-rôn, dán áp-phích, tuyên truyền trên báo, đài…

Bên cạnh việc tuyên truyền sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng sâu rộng trong Nhân dân, cụ thể như không sử dụng chai nhựa dùng một lần, ống hút nhựa, túi nylon…, các cấp, các ngành còn xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ môi trường, phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chẳng hạn như thực hiện các biện pháp bảo vệ các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn, các cửa sông và khu ven biển, các hệ sinh thái thủy sinh; phát triển và mở rộng Vườn chim Bạc Liêu và các vườn chim tư nhân theo hướng phát triển bền vững; tiến hành lập kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu trữ, trung chuyển chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Ngoài ra, hàng năm Bạc Liêu còn tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí thông qua chương trình quan trắc môi trường; Quản lý chặt chẽ mọi nguồn chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, y tế; Xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, chủ động sống chung với hạn mặn; chủ động từ khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối các sản phẩm nông - lâm và thủy sản, tạo chuỗi giá trị khép kín. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với BĐKH…

Với những giải pháp quan trọng trên, Bạc Liêu đã góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, hướng đến sự phát triển bền vững.

Văn Trọng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.