Bạc Liêu xây dựng kịch bản ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Thứ Hai, 10/02/2020 | 16:51

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 6/2020 nhiều khu vực trên cả nước sẽ phải đương đầu với hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 45%. Đáng cảnh báo là hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực này có thể ở mức tương đương, hoặc cao hơn cùng kỳ đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2016. Trong khi đó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt được cấp về từ dòng Mê Kông lại giáp với biển nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn là không thể tránh khỏi.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT cùng các đơn vị trực thuộc Sở bàn giải pháp điều tiết đưa nước ngọt về ứng phó hạn, mặn ở TX. Giá Rai.

ĐỐI DIỆN VỚI THIỆT HẠI NẶNG NỀ

Hiện nay, do tác động của các đợt triều cường và mực nước trên sông Cửu Long xuống thấp nên hiện tượng xâm nhập mặn mùa khô năm nay đã xuất hiện sớm hơn so với trung bình năm khoảng 1 tháng và ở mức độ cao hơn, gay gắt hơn. Ranh mặn đã lấn sâu nội địa vùng các cửa sông Cửu Long từ 45 - 55km. Riêng tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu, mực nước vùng ngọt đang ở cao trình +0,25m (thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 0,1m). Trong khi đó, triều cường từ biển đổ vào dự báo vẫn ở mức cao từ 2,20 - 2,30m (mức báo động III ở trạm Gành Hào là 2,0m). Từ thực trạng trên cho thấy, Bạc Liêu không chỉ đương đầu với tình trạng thiếu nước ngọt do hạn gây ra, mà còn phải ứng phó với triều cường, xâm nhập mặn.

Trên thực tế, bước sang tháng 2/2020 hạn, mặn đã bắt đầu xuất hiện, nhiều nơi nông dân đã và đang phải đương đầu. Nếu đúng như kịch bản đã dự báo thì sản xuất của người nông dân năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy cơ bị thiệt hại nặng nề là khó tránh khỏi. Cụ thể ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ (QL) 1A, vụ lúa đông xuân năm nay sản xuất trên diện tích canh tác hơn 48.220ha và đến cuối tháng 4/2020 mới thu hoạch dứt điểm. Do vậy, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, thiếu nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Hậu đổ về Bạc Liêu qua trục Quản lộ Phụng Hiệp, cộng thêm nhiệt độ cao làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu. Theo đó, khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt gây chết lúa khoảng 5.400ha, gồm diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc tiểu vùng giữ ngọt. Riêng mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất có nguy cơ bị thiệt hại 5.000ha (tập trung ở địa bàn TX. Giá Rai và các xã phía Tây của huyện  Phước Long).

Đối với vùng sản xuất phía Nam QL 1A tuy là vùng mặn, nhưng sẽ phải đương đầu với nạn khô hạn và thiếu nước ngọt. Do vậy, sẽ không đủ nguồn nước ngọt cấp vào các ao nuôi và kéo theo đó là độ mặn trong các ao nuôi có khả năng vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm. Dự báo có nguy cơ 4.000ha nuôi tôm bị thiệt hại.

Ngoài ra, các mô hình sản xuất, chăn nuôi, cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân tiểu vùng chuyển đổi sản xuất cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh dịch bệnh trên con người, cây trồng, vật nuôi trong thời kỳ cao điểm của mùa khô…

Theo các kịch bản được dự báo thì từ nay đến tháng 3/2020 sẽ là thời gian cao điểm xảy ra hạn, mặn và mức độ sẽ từ bằng đến cao hơn đợt mặn lịch sử xảy ra vào năm 2016. Đợt mặn lịch sử ấy đã làm thiệt hại hơn 14.720ha lúa, ước thiệt hại trên 164 tỷ đồng và đẩy 11.113 hộ dân ở khu vực nông thôn vào cảnh “khát nước”. Song song đó, hàng chục ngàn héc-ta tôm nuôi cũng bị thiệt hại và chết trắng…

Lúa chết trắng đồng vì xâm nhập mặn (đợt mặn lịch sử năm 2016 ở huyện Hồng Dân).

KỊCH BẢN KHẢ THI

Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2202 về thực hiện Kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, UBND tỉnh chọn Kịch bản số 2 là kịch bản khả thi áp dụng trên địa bàn tỉnh. Kịch bản này tương đương đợt mặn lịch sử năm 2016. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với hạn mặn.

Theo đó, sẽ giảm 5.400ha sản xuất lúa đông xuân ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt và vận động nông dân không tập trung xuống giống. Rút ngắn thời vụ và áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho lúa. Tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ đông xuân.

Múc kênh dẫn nước ngọt vào hệ thống kênh nội đồng chống hạn mặn ở TX. Giá Rai.

Riêng vụ lúa trên đất tôm cần tập trung gia cố bờ bao để giữ nước, tích cực bơm trữ nước ngọt lên ruộng. Trong trường hợp cần thiết, sẽ tiến hành đắp 78 đập tạm để ngăn mặn và giữ ngọt cho diện tích lúa trên đất tôm. Theo dõi diễn biến mặn trên đồng ruộng và kênh rạch để áp dụng các biện pháp thay nước để giảm mặn, phèn trong ruộng. Đối với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, khuyến cáo chỉ nuôi 1 vụ/năm, mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh thả 2 vụ/năm. Tập trung gia cố bờ bao, cống bọng, nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước trên ao nuôi…

Về cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường, Sở NN&PTNT, Công ty Cổ phần Cấp nước Bạc Liêu tiếp tục tổ chức kiểm tra lại toàn bộ các trạm cung cấp nước, tăng cường thêm phương án hỗ trợ cấp nước sạch cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của nhân dân; tuyên truyền để người dân có kế hoạch dự trữ và sử dụng tiết kiệm nước sạch. Trong trường hợp khẩn cấp, trình UBND tỉnh tổ chức thi công kéo dài đường ống của 8 trạm cấp nước tập trung để cấp nước sinh hoạt cho các hộ vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về nước sạch…

NHÓM PV KINH TẾ

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung: Cần tập trung làm tốt công tác chỉ đạo và tuyên truyền

Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phải tính toán cụ thể trong công tác điều tiết nước, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân thấy được những lợi ích của việc hạn chế xuống giống lúa ở các khu vực cuối nguồn nước ngọt mà tỉnh đã khuyến cáo sẽ thiếu nước. Các địa phương cần thường xuyên “báo động” thiếu nước ngọt, để tránh tình trạng nông dân ỷ lại nên vẫn xuống giống lúa bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Trước nguy cơ thiếu nước ngọt do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, các địa phương không được chủ quan, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, định hướng sản xuất, giúp nông dân giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Kế hoạch, kịch bản của tỉnh, huyện đã có, cái cần làm hiện nay chính là các ngành, các địa phương phải cùng vào cuộc với quyết tâm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do hạn mặn gây ra.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.