Bài cuối: Hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả

Thứ Hai, 12/08/2019 | 16:11

>> Bài 1: Ngư trường cạn kiệt

Bài cuối: Hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả

Biển và kinh tế biển có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia. Không nằm ngoài xu thế đó, Bạc Liêu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển lĩnh vực kinh tế biển theo hướng ổn định, bền vững.

Cán bộ Đồn biên phòng Gành Hào (huyện Đông Hải) kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên tàu cá của ngư dân trước khi ra khơi.

KHÓ KHĂN CỦA NGƯ DÂN

Những năm qua, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện chủ trương giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV (mã lực) khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ của tỉnh. Theo đó, khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để khai thác tại các ngư trường xa bờ; hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình quản lý ven bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh vẫn còn hơn 660 chiếc tàu có công suất dưới 20CV lên đến 50CV. Thực tiễn cho thấy, việc chuyển đổi, cải hoán tàu cá có công suất lớn khai thác ở vùng biển xa tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư cụ. Nếu chuyển đổi tàu công suất nhỏ sang tàu công suất lớn (tùy thuộc vào công suất) thì chi phí cải hoán hàng tỷ đồng. Trong khi đó, phần lớn ngư dân làm nghề khai thác hải sản ven bờ điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc chuyển đổi ngành nghề là việc không thể.

Ngư dân Trần Văn Nên (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Phần lớn người làm nghề khai thác thủy sản ven bờ đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người còn phải vay tiền mua phương tiện hành nghề thì làm gì có tiền tỷ để mà đóng tàu đánh bắt xa bờ?!”.

Ngư dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) chuẩn bị ngư cụ ra khơi. Ảnh: C.L

ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN BỀN VỮNG

Muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì yêu cầu tất yếu là chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản gần bở. Để việc chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ thật sự hiệu quả, đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững (theo Quyết định số 375, ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ), cần tạo nguồn vốn để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân. Cần xây dựng phương án chuyển đổi nghề qua từng năm, từng giai đoạn, nghề nào khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản cao thì lập phương án ưu tiên chuyển đổi trước. Quá trình chuyển đổi nghề, cơ cấu lại phương tiện khai thác cũng phải có lộ trình, hợp lý để người dân không bị hụt hẫng khi bỏ nghề cũ sang nghề mới.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, định hướng của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về việc ổn định, tiến tới giảm dần số lượng tàu đánh bắt hải sản trên biển lắp máy có công suất nhỏ (dưới 20CV) đến tận phường, xã, các hộ ngư dân.

Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Để hướng đến xây dựng đội tàu khai thác thủy sản xa bờ ổn định, thời gian qua huyện đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ nâng cấp, cải hoán tàu cá. Khuyến khích ngư dân hành nghề khai thác thủy sản bằng tàu có công suất nhỏ chuyển đổi ngành nghề phù hợp, giúp bà con ổn định cuộc sống”.

Thiết nghĩ, tỉnh cần đầu tư xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá; dịch vụ hậu cần nghề cá; khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền; hạ tầng nuôi trồng hải sản. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển; hỗ trợ nuôi trồng hải sản trên vùng biển, lồng nuôi, con giống hải sản; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ trên biển, các dịch vụ công ích trên biển... Qua đó giúp nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững như yêu cầu, mục tiêu đề ra.

KHÔI NGUYÊN

--------------------------------------------------------

Để Bạc Liêu trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của nghị quyết là đưa kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và đưa vào hoạt động ổn định năm 2020. Số phương tiện tàu cá đến năm 2025 đạt 1.230 chiếc (tàu khai thác xa bờ 820 chiếc); đến năm 2030 đạt 1.280 chiếc (tàu khai thác xa bờ 850 chiếc). Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 378.700 tấn, đến năm 2030 đạt 474.500 tấn. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đến năm 2025 đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 đạt 1,8 tỷ USD.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.