Bảo vệ môi trường nuôi tôm để phát triển bền vững

Thứ Sáu, 22/11/2019 | 16:57

CHƯA THỰC HIỆN NGHIÊM QUY ĐỊNH VỀ BVMT

Những năm gần nay, Bạc Liêu khuyến khích doanh nghiệp, nông dân phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh. Đến nay, diện tích phát triển các mô hình này gần 22.000ha. Đây vừa là cơ hội cho nghề nuôi tôm phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác BVMT.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp và người nuôi tôm bước đầu đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm và đạt hiệu quả cao. Song, việc xử lý chất thải, nước thải lại chưa được quan tâm, chưa có mô hình xử lý chất thải, nước thải đạt yêu cầu để người nuôi tôm áp dụng và nhân rộng. Đa số các hộ nuôi tôm chưa thực hiện nghiêm các quy định về BVMT; có người đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng chưa vận hành thường xuyên. Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hoặc có xử lý nhưng chưa đạt chuẩn trước khi xả thải còn phổ biến. Chỉ có một số ít doanh nghiệp và hộ dân áp dụng biện pháp nuôi cá rô phi trong ao chứa, lắng (lọc sinh học) và sử dụng hầm ủ biogas để xử lý nước thải, bùn thải và vỏ tôm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, quy mô hầm biogas còn quá nhỏ so với lượng nước thải, chất thải xả thải ra trong vụ nuôi.

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi chưa được xây dựng đồng bộ. Việc sử dụng cùng một dòng sông, kênh, mương để lấy nước và xả nước là nguyên nhân làm lây lan mầm bệnh. Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở các huyện, thị xã còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn mặt nước và ảnh hưởng đến phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm của tỉnh. Kết quả phân tích chất lượng nước thải tại một số hộ nuôi tôm cho thấy nồng độ các chất gây ô nhiễm hữu cơ như chỉ số BOD5, COD có trong nước thải (đặc biệt là nước thải si phông từ ao nuôi tôm siêu thâm canh) đều vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn cho phép.

Nông dân huyện Hòa Bình sử dụng vi sinh xử lý môi trường ao nuôi tôm. Ảnh: L.D

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Để giải quyết những khó khăn này và hướng đến phát triển bền vững, ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho cộng đồng dân cư, nhất là các hộ nuôi tôm và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, qua đó hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, kênh, rạch. Phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định 14 của UBND tỉnh quy định về BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và Quyết định 01 của UBND tỉnh quy định về BVMT trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm và có giải pháp xử lý, uốn nắn kịp thời. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình công nghệ xử lý nước thải trong nuôi tôm siêu thâm canh (mô hình xử lý bùn thải bằng ủ biogas).

Ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh đang phối hợp với Trường đại học Cần Thơ, các viện nghiên cứu và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, thiết kế mô hình mẫu xử lý chất thải của hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh nhằm giúp người dân xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh tranh thủ nguồn kinh phí của Trung ương đầu tư cải tạo hệ thống kênh thủy lợi vùng quy hoạch nuôi tôm, nhất là vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, BVMT và an toàn thực phẩm đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh để địa phương áp dụng và có cơ sở kiểm tra tỷ lệ diện tích đất dành cho các hạng mục công trình như ao nuôi, ao xử lý nước cấp, ao xử lý nước thải và diện tích khu vực xử lý chất thải rắn.

Nguyễn Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.