Biến đổi khí hậu: Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Thứ Sáu, 18/05/2018 | 16:32

Bài 1: Nhiều tác động tiêu cực

Bạc Liêu là một trong những tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đã và đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiệt độ tăng, nước biển dâng đã gây ngập lụt, nhiễm mặn, hạn hán, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế - xã hội khác của địa phương.

Tuyến Quốc lộ 1A thuộc phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai) ngập trong nước do triều cường dâng.

 Sóng biển đánh làm hư hỏng nghiêm trọng bờ kè Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: M.Đ

Thiệt hại nặng về kinh tế

Những năm gần đây, BĐKH luôn là vấn đề nóng của khu vực ĐBSCL, bởi nó gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bạc Liêu là một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, do đó, BĐKH và nước biển dâng đã tác động nhiều mặt, gây thiệt hại lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một trong những tác động rõ nhất của BĐKH gây ra tại Bạc Liêu trong thời gian qua là hạn hán và xâm nhập mặn đã làm cho gần 1.500ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%, khoảng 1.200ha thiệt hại trên 70%, và gần 8.100ha diện tích lúa - tôm bị thiệt hại, giảm năng suất.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn đối mặt với nhiều rủi ro trước hiện tượng nước biển dâng gây ra triều cường. Theo thống kê, từ năm 2010 - 2016, tại Bạc Liêu đã xuất hiện 16 đợt triều cường. Đặc biệt, hàng năm vào những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đợt triều cường gây ngập úng cục bộ ở các địa phương, có lúc triều cường dâng cao hơn 2m (vượt báo động III) tại Gành Hào (huyện Đông Hải). Ở TP. Bạc Liêu, các tuyến đường: Hà Huy Tập, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Duyệt, Võ Thị Sáu ngập cục bộ từ 5 - 10cm. Còn TX. Giá Rai, trên tuyến Quốc lộ 1A có 9 vị trí ngập cục bộ từ 5 - 40cm. Cá biệt, đoạn từ công ty NIGICO kéo dài đến vòng xoay Tân Phong (TX. Giá Rai) khoảng 3km, nước dâng cao từ 30 - 40cm; khu vực bến xe Hộ Phòng (TX. Giá Rai) ngập cao từ 30 - 60cm.

Theo kịch bản, nước biển dâng lên 50cm thì tỉnh Bạc Liêu có khoảng 253.978ha bị ngập mặn (chiếm 97,91% tổng diện tích tự nhiên). Các khu vực ngập nhiều nhất và nặng nhất (ngập trên 1m) thuộc huyện Đông Hải (94,80%), TP. Bạc Liêu (93,04%) và huyện Hòa Bình (62,54%). Các khu vực ít chịu ảnh hưởng ngập trong kịch bản là huyện Phước Long và Hồng Dân (chỉ ngập dưới 70cm). Nếu BĐKH diễn ra đúng như kịch bản thì Bạc Liêu sẽ bị thiệt hại rất lớn về kinh tế.  Hàng trăm héc-ta đất ngập mặn sẽ dẫn đến việc không thể trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; hoặc nếu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thì năng suất cũng không cao.

Tàn phá nhiều công trình

BĐKH kéo theo sự thay đổi của thời tiết tạo ra nhiều đợt thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn...  tàn phá, làm hư hỏng các công trình thủy lợi, đê kè trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như van cống đập ngăn mặn của huyện Phước Long bị hư hại do chênh lệch mực nước trong đồng và ngoài sông; kè Gành Hào (huyện Đông Hải), mố cầu Chiên Túp 1 (nằm trên tuyến đê biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở kéo dài, ăn sâu vào mặt đường đê khiến giao thông trên tuyến đường này bị chia cắt.

Không chỉ sạt lở tại các khu vực đê biển, thời gian qua nhiều khu vực gần bờ sông cũng bị sạt lở làm sụp lún nhà ở của người dân. Cụ thể là trên địa bàn phường 1, cống Láng Trâm, cống Giá Rai (TX. Giá Rai); khu vực ven kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau thuộc địa phận ấp Chùa Phật (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình)… Bà Lý Thị Tiếng (ngụ ấp 2, phường 1, TX. Giá Rai) bày tỏ: “Hầu như toàn bộ đất cả trăm mét vuông của gia đình tôi đã biến mất dưới lòng sông do sạt lở, triều cường dâng. Hiện nay, nhà ở của tôi cũng đang bị đe dọa, có thể sụp xuống sông bất cứ lúc nào”.

BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với cả nước và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Các diễn biến thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ và khô hạn ngày càng gia tăng, nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh và làm tăng tốc độ tan băng ở các đầu cực Trái đất làm mực nước biển dâng cao. Tác động do BĐKH và nước biển dâng ngày càng nghiêm trọng, vì vậy cần có những giải pháp thích ứng và có chương trình, kế hoạch hành động kịp thời với bước đi thích hợp để giảm thiểu các tác động, duy trì, bảo vệ sự phát triển bền vững.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “BĐKH không chỉ làm hư hại nhiều công trình, mà còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản và dân sinh. Theo nhận định của các chuyên gia ngành Nông nghiệp, thời gian tới, thiên tai, BĐKH sẽ khắc nghiệt hơn, vì vậy cần thi công các công trình để phục vụ và ứng phó với BĐKH. Song, do kinh phí đầu tư thi công lớn nên rất cần sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, Chính phủ”.

MINH ĐẠT -  HOÀNG LAM

---------------------------------------------------

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH - Trường đại học Cần Thơ đánh giá: “Sạt lở ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang gia tăng và chưa hề có dấu hiệu chựng lại. Hầu hết các địa phương ven sông, ven biển đều bị sạt lở do ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH cũng như sự mất cân bằng hệ thống dòng sông, nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.